Rung lắc trẻ sơ sinh nguy hiểm thế nào? Những bệnh tiềm ẩn trẻ có thể mắc phải?

Hội chứng rung lắc cũng có thể gây các biến chứng muộn, thậm chí nhiều năm sau khi bị rung lắc như trẻ chậm phát triển trí tuệ, chậm nói, nghe kém, giảm thị lực...

Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện một clip ghi lại hình ảnh một người phụ nữ đang có hành vi nghi bạo hành cháu bé mới sinh gây xôn xao dư luận.

Trẻ 1 tháng tuổi bị bảo mẫu rung lắc. Ảnh cắt từ clip.

Trẻ 1 tháng tuổi bị bảo mẫu rung lắc. Ảnh cắt từ clip.

Ngày 1/6, nhà chức trách quận Hoàng Mai, Hà Nội đã làm việc với bảo mẫu 21 tuổi, quê Nam Định, làm rõ dấu hiệu hành vi bạo hành trẻ em. Được biết, cô gái này được gia đình cháu bé thuê làm giúp việc, chuyên chăm sóc con mới sinh được khoảng một tháng.

Khi xem camera, gia đình phát hiện khoảng 2h ngày 31/5, bảo mẫu một mình chăm bé đã "bế xốc, lắc mạnh nhiều lần" khiến con anh khóc thét, rồi ném mạnh xuống giường. Hiện sức khỏe trẻ ổn định, đã được về nhà sau cuộc kiểm tra tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Hiện gia đình bé đã không yêu cầu xử lý đối với bảo mẫu mà chỉ răn đe để người phụ nữ này không tái phạm và nhận thức việc làm trên là sai.

Trẻ bị rung lắc nguy hiểm như thế nào?

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, cho rằng đây là hành động cực kỳ nguy hiểm nhất là với trẻ quá nhỏ, thóp còn non chưa hoàn chỉnh.

Theo bác sĩ Khanh, hội chứng rung lắc ở trẻ em đã được cảnh báo rất nhiều nhưng người lớn còn chủ quan hoặc không biết. Nhiều cha mẹ có thói quen bế con lên và rung lắc. Khi rung lắc như vậy, khoảng cách giữa sọ và não gây nên dao động như bạn lắc ca nước. Sau rung lắc 1 đến 2 giờ, trẻ có thể quấy khóc, bỏ ăn, thay đổi tri giác, co giật. Trường hợp trầm trọng, trẻ có các biểu hiện ngừng thở, tím tái, hôn mê… khi đó, nếu không cấp cứu kịp, trẻ có thể tử vong.

Ảnh minh họa

Dấu hiệu trẻ bị rung lắc nguy hiểm, cần được khám sớm

Các bác sĩ khuyến cáo, khi trẻ có biểu hiện trên, cha mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế để bác sĩ cấp cứu"

- Mắt lờ đờ do xuất huyết võng mạc, da tái xanh do mất máu, thóp có thể phồng.

- Quấy khóc, kích thích vật vã hoặc lơ mơ, li bì, không đáp ứng với xung quanh, thậm chí hôn mê, bỏ bú, bỏ ăn, buồn nôn hoặc nôn, thở chậm hoặc thậm chí ngưng thở.

- Một số trẻ có biểu hiện co cứng cổ và các chi, có thể co giật, hoặc cơ thể mềm nhẽo.

- Tổn thương cột sống cổ khiến trẻ bị ngoẹo đầu sang một bên hoặc hạn chế vận động vùng cổ.

Những biến chứng muộn nếu trẻ bị rung lắc

Ngoài ra, hội chứng rung lắc cũng có thể gây các biến chứng muộn, thậm chí nhiều năm sau khi bị rung lắc như trẻ chậm phát triển trí tuệ, chậm nói, nghe kém, giảm thị lực. Thậm chí bại não, co cứng các khớp, co giật, động kinh.

Vì vậy, người chăm sóc trẻ cần tránh những động tác xoay đầu trẻ đột ngột, không rung lắc trẻ, không tung hứng trẻ khi nô đùa; không tát, đánh vào tai, vào đầu, vào mặt trẻ.

Ngoài ra, các bậc phụ huynh nên tham gia lớp giáo dục làm cha mẹ trước khi quyết định có con. Mục tiêu là hiểu rõ hơn về sự nguy hiểm của hội chứng rung lắc ở trẻ sơ sinh, được cung cấp kỹ năng cần thiết để dỗ em bé đang khóc, kiểm soát căng thẳng.

5 loại thức ăn chứa nhiều chất phụ gia cực kỳ nguy hại, hạn chế ăn để tránh mang bệnh

M.H (th)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/rung-lac-tre-so-sinh-nguy-hiem-the-nao-nhung-benh-tiem-an-tre-co-the-mac-phai-17223060122375717.htm