Rùng mình đường đến '9 tầng địa ngục' với 3.200 bộ hài cốt ở hang Cắc Cớ

Ở tầng thứ 9 của 'suối xương' có rất nhiều loài cá kỳ lạ phát sáng cùng những loài sâu bọ trắng toát mà ai chứng kiến cũng rùng mình…

Chùa Thầy tọa lạc tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai - Danh thắng nổi tiếng, có một không hai của Thủ đô Hà Nội. Mỗi năm, có hàng vạn du khách thập phương đổ về ngọn núi đá độc đáo trồi lên giữa cánh đồng tham quan ngôi chùa cổ kính và hang động bí hiểm.

Theo lời người dân bản địa, hang Cắc Cớ nổi tiếng với “9 tầng địa ngục” hun hút như lỗ đen bí ẩn xuyên lòng núi, dẫn mãi xuống cõi của âm ty.

Hang Cắc Cớ nằm trong di tích lịch sử chùa Thầy. Ảnh: Hoàng Long

Hang Cắc Cớ nằm trong di tích lịch sử chùa Thầy. Ảnh: Hoàng Long

Giai thoại kể rằng, đây là bể xương của 3.600 nghĩa quân Lữ Gia, đã chết thảm trong lòng ngọn núi này. Trên thành bể xương này vẫn còn câu thơ: “Lữ Gia chống Hán lưu sử sách/ Bể hận ngàn xương mãi mãi ghi”.

Chùa Thầy không những có vẻ đẹp hữu tình, mà còn chứa đựng nhiều bí ẩn chưa khám phá hết.

Đối với những người lần đầu tiên đến chùa Thầy, ngay cả khi có biển chỉ đường đi chăng nữa cũng gặp rắc rối trong việc tìm đến ngôi mộ tập thể chứa tới 3.600 bộ hài cốt.

Cửa hang Cắc Cớ nằm phía sau khu vực chùa, gần phía trên đỉnh núi. Đi qua một cái cổng nhỏ như cửa sau vườn, du khách sẽ phải đi tiếp qua những bậc thang đá cũ tưởng chừng như đã cuối đường. Nếu tinh mắt, mọi người sẽ nhận một đoạn đường đất rất nhỏ, chừng hơn nửa mét một ít lấp sau tảng đá to chắn ngang.

Tất cả mọi người tay phải bám chắc vào những mép đá trơn tuột còn hai chân len qua tảng đá nhô ra, chèn ngang bụng. Nhìn xuống dưới, nhiều người cũng không khỏi hoảng sợ vì trượt chân cái thôi là có thể rơi xuống bên dưới.

Đường đến cửa hang Cắc Cớ.

Hành trình sau đó càng khó đi hơn vì không có đường mà chi chít phiến đá nhọn. Nhiều đoạn di chuyển còn không thể đứng thẳng được buộc phải ngồi hẳn xuống bờ đá mà từ từ nhích qua.

Người dân địa phương truyền miệng nhau rằng: “Sở dĩ đường lên hang Cắc Cớ hiểm trở như vậy là để thử thách những cặp đôi, hay khách đến đây để cầu nguyện những điều tốt lành cho chủ yếu là cho tình duyên của mình”.

Khúc cuối leo lên gần đến đỉnh núi, đi men theo đường đá dốc lên thành từng bậc. Cửa hang Cắc Cớ lấp dưới một mỏm đá lớn khuất ánh mặt trời, phảng phất hơi lạnh, âm u đến rợn người. Ông lão canh cửa hang cẩn thận nhắc chúng tôi: “Phải dùng đèn pin rồi từng bước chậm rãi lần xuống cửa hang tối và sâu thăm thẳm. Nếu không cầm đèn pin trong tay thì gần như không thấy gì hết”.

Theo quan sát sâu bên trong, hang động này dường như vẫn còn nguyên vẻ hoang sơ của thiên nhiên kiến tạo nên. Ngoài những mảnh rác nhỏ rải rác khắp nơi, nơi đây hầu như không có dấu vết của con người.

Bể hài cốt, theo lời đồn sâu đến 15m, chứa 3.600 bộ xương.

Gần cửa hang có một “bức tượng” đá khá đặc biệt hình một cậu bé. Nó không được đục đẽo hay tạo hình bởi con người mà bởi thiên nhiên. Bức tượng nằm ngay dưới một “búp sen thần mọc ngược” trên trần hang, nước từ búp sen chảy xuống.

Bức tượng này nổi tiếng là để cầu tình yêu, con cái, cầu công danh cũng như những điều an lành. Nhìn từ xa, bức tượng cũng như những phần còn lại của hang chỉ thấy mập mờ trong ánh nến vàng. Người đến thăm hang không thắp hương mà dùng nến tạo nên một cảnh tượng khá nặng nề, yên ắng, mang đậm dấu ấn tâm linh.

Một ngọn nến được thắp lên bên trong hang Cắc Cớ.

Điểm đáng chú ý nhất của hang, cũng là điểm cuối cùng mà du khách được phép tới đó là Bể xương nằm ở cuối tầng 2 của “hang Địa ngục”. Qua tấm kính mỏng, người tham quan có thể thấy rất rõ hàng ngàn mẩu xương, từ những khúc xương to như cẳng chân, cẳng tay cho đến những mảnh xương nhỏ.

Bên trong bể vẫn còn có thể nhìn thấy rõ 2 bộ đầu lâu vẫn còn nguyên hình, nằm ở chính giữa mà chắc nhiều người nhìn thấy cũng có phần hoảng sợ.

Bể xương...

Truyền thuyết kể rằng, thời kỳ chống Hán, cách nay tới hơn 2000 năm, tướng quân Lữ Gia đã nổi dậy chống lại nhà Hán, bảo vệ chủ quyền nước Việt. Nhưng rồi, cuộc chiến trứng chọi đá, nghĩa quân của vị tướng này đã kéo hết vào hang trên núi Sài Sơn cố thủ.

Quân giặc bạo tàn không truy kích được, đã khiêng những tảng đá lớn bịt miệng hang, giết chết hàng ngàn nghĩa quân trong lòng núi. Ngọn núi Sài Sơn, biến thành ngôi mộ khổng lồ, chôn cất mấy ngàn người.

Hơn 2000 năm sau, vào năm 1933, nhà chùa cùng phật tử và nhân dân Sài Sơn đã làm một việc đặc biệt, đó là phá cửa động, xây bể lớn, rồi tiến hành gom xương cốt khắp hang đổ vào bể.

Ban thờ tướng Lữ Gia.

Đến nay cũng chỉ mới có trên dưới 10 đoàn thám hiểm, được sự đồng ý của địa phương mà xuống những tầng sâu hơn để khám phá. Phía bên dưới 7 tầng còn lại, đặc biệt là từ tầng thứ 6 trở đi, vẫn còn rất nhiều các mảnh xương nhỏ như quai hàm, đốt ngón tay hay nhiều chiếc răng còn sót lại. Cũng vì lẽ đó mà những người đến hang động này mới không khỏi cảm thấy run sợ, gọi nơi đây là “hang địa ngục”.

Người dẫn đường cho chúng tôi biết, tuyệt đối rác không vào đến “suối xương”. Tại đây, nước trong vắt chảy quanh năm. Ở dưới tầng thứ 9, có những loài cá kỳ lạ phát sáng, có những loài sâu bọ trắng toát...

Câu chuyện hàng ngàn bộ xương kia của binh tướng Lữ Gia chống Hán cũng từng gây nhiều tranh cãi trong giới chuyên gia. Tuy nhiên núi Sài Sơn, chùa Thầy, hang Cắc Cớ vẫn ôm trong lòng nhiều lớp lang lịch sử trùm phủ những kỳ bí mà bất cứ ai cũng mong một lần ghé chân.

Hoàng Long

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/rung-minh-duong-den-9-tang-dia-nguc-voi-3200-bo-hai-cot-o-hang-cac-co-20180814011301813.htm