Rùng mình trước bí mật kinh hoàng Thế chiến II qua lăng kính đứa trẻ

Từ một đứa trẻ được tạo ra để chiến đấu và căm ghét tất cả, cậu bé do phát xít sinh ra vẫn không thể cưỡng lại những cảm xúc yêu thương, khao khát nhân văn.

“Mong ước đầu đời của tôi là được sinh ra vào ngày 20 tháng tư, vì đó là sinh nhật của Quốc trưởng. Nếu tôi sinh ra vào ngày 20 tháng tư thì tôi sẽ được các vị thánh của người Đức ban phước lành và người ta sẽ coi tôi như là đứa con đầu lòng của chủng người thượng đẳng, người Aryan. Đây là chủng người từ nay sẽ thống trị thế giới”.

Đó là lời tự sự của nhân vật chính ngay từ những trang đầu tiên của cuốn sách Max - Bi kịch của chủng tộc thượng đẳng. Và “Quốc trưởng” - người được nhắc đến với một sự ngưỡng mộ không hề giấu giếm đó không ai khác chính là kẻ độc tài Adolf Hitler.

Đứa trẻ thượng đẳng - vũ khí máu lạnh của phát xít

Không chỉ có cách mở đầu đặc biệt, xuyên suốt những trang sách, tiểu thuyết của tác giả Sarah Cohen Scali đã vượt qua những khuôn mẫu thường gặp trong tác phẩm chiến tranh nói chung (thường đặc tả nỗi đau đớn từ góc nhìn người thứ ba hoặc nạn nhân, cho thấy sự cảm thông, đau xót, tôn vinh những người chiến sĩ…).

Sách Max - Bi kịch của chủng tộc thượng đẳng.

Ngược lại, Max - Bi kịch của chủng tộc thượng đẳng chọn cho nhân vật “tôi” một thân phận đặc biệt. Max, tên khai sinh Konrad von Kebnersol là đứa trẻ được mệnh danh “ông hoàng nhỏ” của chế độ phát xít, sinh ra từ Lebensborn ("suối sinh" hay "cội nguồn sự sống") - một trong những chương trình bí mật thể hiện rõ nét tham vọng vĩ cuồng của Đế quốc thứ ba.

Năm 1935, Hilter đã phê duyệt một chương trình do Thống chế Himmler khởi xướng nhằm tạo ra những đứa trẻ "thượng đẳng" thông qua việc "nhân giống" từ những người phụ nữ và đàn ông có ngoại hình đặc trưng của chủng tộc Aryan: Tóc vàng, mắt xanh, cao lớn… với kì vọng sẽ làm nên một thế hệ bất bại mới của nước Đức.

Là "con đẻ" của chế độ phát xít, Konrad được xây dựng với hình ảnh một kẻ “cuồng tín” từ trong bụng mẹ, thấm nhuần tư tưởng tranh đấu ngay từ… cú húc đầu để chào đời trước đối thủ ở phòng hộ sinh bên cạnh.

Tính cách hiếu chiến, hiếu thắng, sống hết mình vì lý tưởng phát xít đã theo đuổi Konrad suốt những năm tháng trưởng thành. Dần chứng tỏ phẩm chất và sự lạnh lùng của mình, Konrad trở thành điệp viên nằm vùng nhỏ tuổi nhất, tham gia vào các chiến dịch của Tổ chức.

Dõi theo hành trình của Konrad - Max, chúng ta được đi qua hàng loạt cung bậc cảm xúc khác nhau, song hành cùng vô vàn tình tiết đắt giá.

Cảm xúc đầu tiên, rõ nét nhất mà người đọc sẽ phải chuẩn bị tinh thần để trải qua là sự đau đớn trước hiện thực tăm tối về Thế chiến hai qua góc nhìn có phần lạnh lùng của "phe phát xít" và sự tàn nhẫn của chế độ độc tài: trẻ em bị bắt bớ, phụ nữ bị cưỡng bức, cùng những tội ác diệt chủng tàn bạo lần lượt được phơi bày.

Và với những đứa trẻ của chương trình Lebensborn, chúng phải chịu biết bao bi kịch từ khi mới chào đời, không cha mẹ, không gia đình, không quá khứ, được sinh ra trong cô độc, hoặc bị bắt cóc, "bị tẩy não" suốt tuổi thơ, chịu sự huấn luyện hà khắc trên hành trình trở thành thứ "vũ khí máu lạnh" của chủ nghĩa quốc xã.

Cùng đó là những cảm xúc xót thương. Có ai lại không đau lòng, phẫn nộ khi biết rằng, những đứa trẻ 7 tuổi như Konrad đã được giao nhiệm vụ làm “mồi nhử” để dụ dỗ, bắt cóc những đứa trẻ Ba Lan có mái tóc vàng, mắt xanh và “Đức hóa” bạn bè đồng trang lứa. Hàng loạt trẻ em Đức sinh ra từ Lebensborn nếu không đạt đủ tiêu chuẩn cũng bị "thủ tiêu" không thương tiếc.

Một trái tim tha thiết làm người

Nhưng liệu những đứa trẻ của chương trình Lebensborn có trở thành điều mà đế quốc thứ ba trông đợi?

Theo hành trình của Konrad từ khi mới lọt lòng cho tới lúc là một cậu bé 7 tuổi, và một thiếu niên, độc giả không khỏi cảm thấy xúc động trước "bản năng con người" trong Konrad - Max.

Dù bị dứt khỏi mẹ rất sớm, được huấn luyện rằng, tình mẫu tử là biểu hiện của sự yếu đuối, hình bóng, hơi ấm của người mẹ vẫn vương vấn em suốt cuộc đời. Ở đôi chỗ trong cuốn sách, Konrad - Max vẫn phải thừa nhận: “Dù sợi dây rốn nối mẹ và tôi đã bị cắt đi từ lâu nhưng dường như nó vẫn hoạt động, như thể có phép màu. Thú thật là nếu được lựa chọn thì tôi sẽ chọn ở lại trong vòng tay của mẹ. Mùi cơ thể của mẹ thật dễ chịu, cánh tay của mẹ thật ấm áp, ngực của mẹ thật mềm mại, y như nằm trong một cái kén”.

Số phận bi thương của Max là lời tố cáo chế độ đã gây ra thời kỳ tăm tối trong lịch sử nhân loại.

Đâu đó giữa những dòng chữ, dường như Konrad/Max - “hoàng tử nhỏ của phát xít” có chút gì đó giống với Hoàng tử bé trong kiệt tác của Saint Exupery. Em dần dần được “cảm hóa” bởi những người xung quanh mình. Em thiết tha tình cảm của Bibiana - cô gái Ba Lan đã đóng vai mẹ mình, cùng Max rong ruổi khắp nẻo đường thực hiện nhiệm vụ bắt cóc những cô bé, cậu bé có mái tóc vàng, mắt xanh “thuần chủng”.

Để rồi đến cuối cùng, sự lạnh lùng, băng giá của Konrad đã bị phá vỡ hoàn toàn trước Lukas - một nhân cách chói ngời, một “chú cáo” ranh ma, đáng yêu chẳng khác nào chú cáo trong “Hoàng tử bé”, một đối trọng quá nặng ký của Konrad.

Là người Do Thái, nhưng Lukas mang vẻ đẹp Aryan hoàn hảo: Những sợi tóc vàng sáng, cặp mắt xanh trong vắt và thể lực tuyệt vời! Mọi giá trị mà Konrad - Max từng xây dựng bị đạp đổ: Người Do Thái chắc chắn không phải rác rưởi như những gì em vẫn bị “nhồi sọ” mà thậm chí còn là một viên ngọc sáng với trí thông minh tuyệt đỉnh, sự kiên định và nghị lực. Lukas không khuất phục đòn roi phát xít, và thậm chí còn “trả đòn” ấn tượng ngay giữa lòng địch.

Konrad ngưỡng mộ Lukas, và bị giằng xé giữa suy nghĩ muốn tố cáo Konrad - và trái tim tha thiết muốn có một người bạn, một người anh, một người thân.

Những đứa trẻ được sinh ra từ chương trình Lebensborn với một sự sống "được lập trình", được giáo dục để trở nên tàn bạo, nhưng sâu thẳm trong trái tim, chúng vẫn là những đứa trẻ. Và từ góc nhìn nhân bản nhất, trẻ em luôn khao khát được yêu thương.

Hình ảnh Konrad và Lukas lang thang trong thành phố Berlin hoang tàn những năm cuối chiến tranh, và kết thúc nhuốm màu bi thương của "Max" là câu hỏi để ngỏ của cả một thời kỳ lịch sử tăm tối của nhân loại...

Bắt đầu bằng giọng kể sắc lạnh, tàn nhẫn, một lối hành văn đột phá về thời chiến, nhưng Max - Bi kịch của chủng tộc thượng đẳng lại chinh phục độc giả bằng sức mạnh của tình yêu thương và những khát vọng nhân văn.

Max - Bi kịch của chủng tộc thượng đẳng đã được trao 12 giải thưởng danh giá như: Giải Nhất Prix Sorcieres (Pháp), Giải Nhất English PEN Translated Award (Anh)…, được dịch sang tiếng Anh, Tây Ban Nha và được độc giả trên khắp thế giới đón nhận.

Tô Lệ Trân

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/rung-minh-truoc-bi-mat-kinh-hoang-the-chien-ii-qua-lang-kinh-dua-tre-post931781.html