Rùng mình về thủy hải sản 'bẩn': Không ăn sẽ chết, ăn có thể chết nhanh hơn?

Trong những năm qua, chúng ta đã đạt được những bước tiến dài trong công tác ATTP nhưng vẫn còn đó nỗ lo sợ của người dân qua câu nói cửa miệng: Không ăn sẽ chết, ăn có thể chết nhanh hơn?

Thực phẩm dùng cho sinh hoạt của con người đang đối mặt với nguy cơ nhiễm độc tràn lan trên thị trường với nhiều nguyên nhân khó kiểm soát như: Ô nhiễm môi trường sống nói chung, môi trường nước nói riêng; dịch bệnh và thuốc kháng sinh đối với vật nuôi ngày càng diễn biến phức tạp; lạm dụng hóa chất trong quá trình chăn nuôi, chế biến, bảo quản thủy sản…Thủy hải sản tươi sống cũng nhiễm độc. Thủy hải sản ôi ươn càng nhiễm độc.

Thủy hải sản tươi sống cũng khó tránh độc?

Con người dường như có lúc lâm vào bất lực vì không phân biệt được đâu là thật, đâu là giả, cứ nhắm mắt nuốt độc vào người. Người tiêu dùng thông thái bây giờ cũng chỉ còn biết than trời, trông mong vào sự may mắn.

Môi trường ô nhiễm làm phát sinh những vi khuẩn ký sinh trên cơ thể thủy sản sinh sôi. Con người phải dùng các loại thuốc kháng sinh, kháng khuẩn, kháng nấm để bảo vệ thành quả lao động của mình. Điều đó làm cho thịt thủy sản dù tươi sống cũng dễ bị nhiễm các chất chloramphenicol, fluoroquinolones cho tới nitrofurans ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người khi sử dụng.

Các loại thủy hải sản có nguy cơ nhiễm độc

Xuất phát từ bài toán lợi ích trong chăn nuôi, đánh bắt mà thủy sản thể bị “tẩm hóa chất” từ khi còn trong trứng cho đến khi nó nằm trên bàn ăn. Hóa chất nằm trong thức ăn của thủy sản, thuốc xử lý môi trường nước đến những loại hóa chất kéo dài thời gian sống của cá trong thời gian vận chuyển và bảo quản. Người ta vẫn đồn đoán về loại thuốc Malachite Green (MG) có nguồn gốc từ Trung Quốc, một loại phẩm nhuộm công nghiệp độc hại có tác dụng diệt khuẩn và kéo dài thời gian sống của thủy sản.

Từ số liệu thông kê cho thấy, mỗi năm Việt Nam sử dụng trên 8 triệu tấn phân bón vô cơ các loại, 110 nghìn tấn thuốc BVTV, chất thải do xử lý bao bì phân bón, thuốc BVTV không đúng cũng để lại tồn dư lớn trong môi trường đất, nước ngầm. các lực lượng chức năng hàng năm đã thu giữ hàng trăm tấn phụ gia, hóa chất bảo quản có nguồn gốc từ Trung Quốc được nhập lậu vào Việt Nam.

Việc sử dụng những loại hóa chất trong quá trình nuôi, đánh bắt thủy sản, nhất là những loại hóa chất độc hại sẽ tồn dư trong thủy sản là mối nguy hại nghiêm trọng đối với sức khỏe của con người. Nó là một loại “kẻ thù âm thầm” tấn công vào hệ thống miễn dịch, gây rối loại chuyến hóa trong cơ thể là mầm mống phát sinh những căn bệnh nan y cho con người sau một thời gian dài tích tụ.

Sử dụng đạm Ure, hàn the, thuốc tẩy để ướp thủy hải sản

Hiện nay trên thị trường đặc biệt là thị trường hải sản ở các thành phố xa biển có một thực trạng rât nguy hiểm cho người tiêu dùng đang xảy ra. Đó là hải sản bị ướp phân đạm ure từ nơi cung cấp được chuyển đến tay người tiêu dùng. Hầu hết cá , mực, đặc biệt là cá biển… bày bán ở chợ đều đã chết, để đánh lừa người mua, người bán dùng urê pha loãng với nước đá nhúng hải sản vào, cho trông có vẻ tươi hơn, có thể để qua ngày hôm sau bán tiếp.

Cá thu, cá ngừ, cá nục, cá chim… và mực, bạch tuộc đều phải nhúng qua urê pha nước đá không những một lần khi đưa từ biển vào mà càng qua nhiều khâu bán buôn thì cá, mực càng bị nhúng urê thêm nhiều lần. Sở dĩ như vậy vì thương lái ở chợ lấy các nhiều bán từ ngày này qua ngày khác không dùng hóa chất thì phải chấp nhận thêm chi phí mua đá bào nhuyễn phủ kín cá, mực mới bảo quản tươi lâu được, dùng vài cục đá thì không ăn thua, vì chỉ có một mặt cá, mực tiếp xúc với đá, phần không tiếp xúc vẫn ươn như thường.

Thủy hải sản thối được tẩy hàn the, hóa chất

Những thương lái cho truyền cho nhau công nghệ “tráng đạm” rất đơn giản, toàn bộ cá được các đầu nậu đưa từ biển về được nhúng vào thùng nước đá có pha đạm urê, sau đó vớt ra sạp bán cho khách hàng. Những loại cá vận chuyển tới các tỉnh xa, các đầu nậu thường phải rắc thêm đạm urê vào trong đá cây, nhờ đó, 4-5 ngày sau, thậm chí cả tuần cá vẫn tươi.

“Các loại cá như: cá thu, cá dứa, cá ngừ…bị ngâm urê ít nhất là 2 lần. Chưa kể, khi bán lẻ, bị ế buộc người bán phải ngâm thêm urê lần nữa. Trong con mực có mật đen nên nếu rửa bằng nước lã rất khó sạch. Rửa nhiều lần “hàng” sẽ không đẹp, nên các chủ vựa chỉ cho rửa qua vài lần rồi “ngâm” bằng thuốc tẩy, sau đó vớt, rửa qua nước và giao mối chở đi bán…”, một người bán hàng chia sẻ.

Thủy hải sản ươn, chết vẫn bán chạy vì lợi nhuận

Báo chí đã nhiều lần lên tiếng, nhiều loại thủy hải sản cá chết , cá ôi ươn - những thứ tưởng chừng như phải bỏ đi lại đang trở thành món hàng đắt khách ở chợ cá Yên Sở. Chợ cá Yên Sở là chợ đầu mối thủy sản lớn nhất Hà Nội. Bên cạnh những hàng thủy hải sản tươi sống, đang bơi với đầy đủ chủng loại thì cũng không quá khó để tìm đến những hàng thủy hải sản, cá chết, cá ươn, cá thối. Tại đây những mặt hàng này, người bán thường rất bận rộn bởi số lượng người mua còn nhiều và nhanh hơn các hàng tươi sống.

Dường như những mặt hàng đặc biệt này, công việc của người bán hàng lại có vẻ bận rộn hơn. Chứng kiến những sản phẩm thu hút ruồi nhặng, đủ hiểu những loại thủy hải, tôm cá ở đây không phải là mới chết. Đây là nguyên liệu chính của món chả cá, chả tôm, chả mực và rất nhiều món ăn liên quan đến thủy hải sản.

Những chủ cửa hàng chuyên kinh doanh thủy hải sản ở đây tiết lộ, những loại thủy hải sản chết có giá khoảng 50 nghìn 1 cân được các nhà hàng để làm bún cá, chả cá, chả mực thu mua. Những loại thủy hải sản này, được thương lái thu gom từ những xe cá nguyên liệu ở khắp nơi tập trung về đây.

Sau khi phân loại, thủy hải sản chết được gom về một khu trong chợ, chuyên buôn bán mặt hàng này. Được biết, mỗi ngày có hàng trăm kg cá chết được thu gom về giao dịch. Từ chợ cá Yên Sở các xe vận chuyển tiếp tục đưa hàng tới các chợ dân sinh hoặc phân phối cho các đại lý. Một cân chả cá, chả mực có giá rẻ hơn một cân thủy hải sản nguyên liệu, bởi thủy hải sản nguyên liệu dùng để làm chả là thủy hải sản đã chết. Thủy hải sản chết không chỉ dùng để làm chả, nếu không tỉnh táo người tiêu dùng có thể chọn thủy hải sản chết làm thực phẩm tiêu dùng hàng ngày mà không hề biết.

Con người đang tự giết chính mình bằng thông qua việc lạm dụng hóa chất

Con đường từ dạ dày đến nghĩa địa rất ngắn?

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp Việt Nam trong top 2 của bản đồ ung thư thế giới. Mỗi ngày trung bình có khoảng 315 người chết vì ung thư. Tại Việt Nam, số trường hợp mắc mới ung thư tăng nhanh từ 68.000 ca năm 2000 lên 126.000 năm 2010 và dự kiến sẽ vượt qua 190.000 ca vào năm 2020. Mỗi năm có khoảng 115.000 người chết vì ung thư, tương ứng 315 người/ngày.

Bản thân thực phẩm ươn, ôi là nguồn phát sinh nhiều loại vi trùng, nấm môc. như Bacteria coli, gây ngộ độc (tiêu chảy) thì việc sử dụng các loại hóa chất tẩy rửa, bảo quản và hương vị tạo mùi thơm vị hấp dẫn trong quá trình chế biến bảo quản sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ với sức khỏe con người.

Chuyên gia dinh dưỡng Lê Thị Tân cho biết: "Cá nhanh ôi ươn hơn so với các thực phẩm khác. Bởi vì, cá sống ở dưới nước, hô hấp bằng mang. Để thích nghi với điều kiện sống dưới nước, lớp da của cá có một lớp chất nhờn, thuận lợi cho vi khuẩn phát triển nhanh, nhiều. Khi vi khuẩn phát triển làm cho thịt cá phân hủy nhanh. Cá là một loại khó bảo quản hơn so với các loại thịt khác. Khi phân hủy nó cũng tạo ra ure giống thịt vì protenin của nó giống nhau, giảm giá trị dinh dưỡng, tạo thành chất độc, chất độc nổi bật nhất chính là sản phẩm trung gian của protein là ure, lâu được đào thải ra khỏi cơ thể".

Tình trạng thực phẩm nhiễm chất cấm hay thực phẩm bẩn, thuốc bảo vệ thực vật trong bữa ăn hàng ngày đã cảnh báo nguy cơ mất an toàn đối với sức khỏe của người dân đang ở mức trầm trọng. Có thể nói con đường từ dạ dày đến nghĩa địa của mỗi người chúng ta chưa bao giờ ngắn và dễ dàng thế!

Thủy hải sản sạch “vòng luẩn quẩn” vì đâu?

Thủy hải sản "bẩn" tràn ngập thị trường gây hại cho sức khỏe và tính mạng của người dân trong khi đó hàng "sạch" lại phá sản vì giá cao. Lâu nay mất vệ sinh an toàn thực phẩm đã trở thành vấn nạn trong xã hội, việc sử dụng chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi, chế biến thực phẩm,…xảy ra một cách tràn lan, không thể kiểm soát. Vấn nạn này đã kéo dài nhiều năm nay và có thể thấy rõ người Việt đang giết chính người Việt.

Nhiều chuyên gia khẳng định, trong nền kinh tế thị trường, hiện tượng làm hàng giả, hàng nhái là rất dễ xảy ra. Cùng với tâm lý ham rẻ, chưa coi trọng và đánh giá đúng mức giá trị của thực phẩm sạch. Cùng với văn hóa tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh đang trong quá trình hội nhập, chưa có sự đồng nhất nên vấn nạn thực phẩm “bẩn” nói chung, thủy hải sản “bẩn” nói riêng vẫn là một thách thức với cộng đồng.

Con đường từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ ngắn như vậy

Theo ông Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp (Bộ Công Thương) cho rằng: "Chúng ta thấy nhiều địa phương xuất hiện cơ sở sản xuất nông nghiệp sạch, theo tiêu chuẩn. Việc ứng dụng công nghệ tiến tiến trong nông nghiệp đã có sự triển khai và cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn cơ quan quản lý. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý phải giúp doanh nghiệp có được dấu hiệu chứng nhận để người tiêu dùng có thể dễ dàng nhận ra đâu là thực phẩm an toàn đã được kiểm nghiệm và chứng nhận và đâu là thực phẩm bẩn…Tuy nhiên khi các doanh nghiệp lại thờ ơ làm giả, có dán nhãn nhưng đó là nhãn dởm và người tiêu dùng không nhận thức được là mình cần phải tận dụng chuyện đó tẩy chay thực phẩm bẩn".

Thực tế, nhiều trường hợp phá sản vì thực phẩm sạch giá cao, không ai mua được và đặc biệt không có gì chứng minh được của sản phẩm của mình là sạch. "Muốn hạ giá thành phải sản xuất ở quy mô lớn phải ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa được quy mô lớn, nhưng quy mô lớn phải tiêu thụ nhiều mà người dân không tiêu thụ được nhiều thì không thể mở quy mô và không mở đc quy mô thì không thể hạ giá thành. Cứ thế chúng ta đang ở trong vòng luẩn quẩn. Người tiêu dùng muốn hạ giá thành nhưng lại không mua thì làm sao có thể mở rộng? Anh muốn một đằng những anh không hoạt động thì không bao giờ có thể đạt được mục đích", ông Thắng kết luận.

Trong những năm qua, các cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp quy nhằm điều chỉnh hoạt động an toàn thực phẩm kết hợp với đẩy mạnh thông tin truyền thông nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng những sản phẩm an toàn cho sức khỏe cộng đồng. Tuy đã có những bước tiến dài trong công tác này nhưng vẫn còn đó nỗ lo sợ của người dân qua câu nói cửa miệng: Không ăn sẽ chết, ăn có thể chết nhanh hơn?

Quyết Tuấn

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/rung-minh-ve-thuy-hai-san-ban-khong-an-se-chet-an-co-the-chet-nhanh-hon-53741.htm