Rừng thông Khuôn Thần kêu cứu

Những cây thông gần 30 năm tuổi đã bị đốn hạ.

Được biết, toàn bộ diện tích rừng vùng hồ Khuôn Thần hiện do Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Lục Ngạn (gọi tắt là Công ty Lâm nghiệp), quản lý, sử dụng. Chính đơn vị này tổ chức khai thác cây thời gian vừa qua.

Làm việc với Lãnh đạo Công ty Lâm nghiệp Lục Ngạn, ông Bùi Văn Huân, Phó Giám đốc Công ty, khẳng định toàn bộ diện tích rừng vùng hồ Khuôn Thần là rừng kinh tế do đơn vị ông quản lý. Diện tích khai thác vừa rồi nằm tại các lô a4,a5 (khoảnh7; a6 (khoảnh 8); a7 (khoảnh 11); a8 (khoảnh 15; a9 (khoảnh 17), diện tích 7,3ha, thuộc Đội sản xuất Khuôn Thần. Các loại cây được khai thác là thông, keo và bạch đàn, số lượng 1356 cây, khối lượng 610,93m3 (trong đó hầu hết là thông được trồng từ những năm 1980 trở lại đây).

Theo ông Huân, hầu hết số thông nói trên bị người dân địa phương khoanh, đốt gốc với mục đích làm cây chết để lấy đất trồng sắn.

Để chứng minh, ông Huân cho chúng tôi xem bản đồ khu vực rừng khai thác đã được khoanh màu xanh cũng như mọi thủ tục, giấy tờ, biên bản hợp pháp liên quan đến việc khai thác. “Nói thật với các anh, cây nào thì cũng đến tuổi, không thu hoạch thì nó cũng chết. Vậy phải thu và trồng mới là hợp lý. Vả lại, như các anh thấy, ở hai vạt đồi chúng tôi vừa cho chặt cây giáp với khu vực sản xuất của người dân, chúng tôi không chặt, họ cũng làm mọi cách cho cây chết dần để lấn đất trồng sắn, trồng vải”, ông Huân cho biết.

Tuy nhiên, khi tiếp cận một trong số những khu “đồi trọc” ở Khuôn Thần, chúng tôi nhận thấy hầu hết số cây bị chặt hạ là thông, vết cưa còn mới và sát tận gốc. Bên cạnh đó là những cây thông đường kính khoảng 30-40cm đã được buộc dây, đang chờ khai thác. Những cây này xen giữa nhiều cây nhỏ hơn và không hề có dấu vết “bị khoanh, đốt gốc” như báo cáo của Công ty Lâm nghiệp.

Theo tài liệu ghi lại, vùng hồ, đập Khuôn Thần được xây dựng từ những năm 80- 90 của thế kỷ trước với mục đích ban đầu là làm thủy lợi, ổn định tưới tiêu cho hơn một vạn dân quanh vùng. Ngành lâm nghiệp của huyện, đã tổ chức trồng xung quanh vùng lòng hồ hàng trăm ha thông. Theo thời gian, những cánh rừng thông lớn lên, vừa có tác dụng giữ nước, vừa tạo cảnh quan xung quanh hồ.

Chính vì những yếu tố này mà từ những năm 2000, khi huyện Lục Ngạn kêu gọi đầu tư xây dựng hồ Khuôn Thần thành một khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng thì một số cá nhân, doanh nghiệp đến tìm hiểu. Cũng đã có một số dự án được triển khai như dự án của Australia, Hoàng gia Thái Lan, Nhật Bản và một số doanh nghiệp trong nước. Tất cả các dự án đó đều lấy việc khai thác cảnh quan hồ, trong đó có rừng thông, làm trọng tâm.

Tuy nhiên, không biết vì lý do gì, số nhà đầu tư vào du lịch Khuôn Thần không còn mặn mà nữa và rút dần. Vùng du lịch sinh thái tưởng sẽ hình thành đẹp là thế lại trở về với dáng vẻ đìu hiu, chỉ có những cánh rừng thông vẫn kiêu hãnh vươn lên xanh bạt ngàn. Thế rồi, không hiểu bằng cách nào, rừng thông phòng hộ, đặc dụng Khuôn Thần bỗng bị hô biến thành rừng kinh tế. Những cây thông tươi tốt là thế bị hô biến thành cây “sắp chết” do khoanh, đốt gốc để hợp lý hóa việc tận thu hơn một nghìn cây thông 30 năm tuổi.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, số cây Công ty Lâm nghiệp đã “xin phép khai thác” được bán cho một vị cán bộ xã Kiên Lao (chính vị này đứng tên trong biên bản kiểm tra rừng bị khoanh, đốt gốc). Vị này tự tổ chức lực lượng, xe cộ và vào rừng chặt cây vô tội vạ khiến người dân quanh vùng bất bình.

“Cứ đổ hết cho người dân khoanh đốt gốc mà phá đi những cánh rừng thông như thế là vô lý, cứ khai thác và cho phép khai thác vô tội vạ như kiểu này, chẳng mấy nữa “Đà Lạt” của vùng cao sẽ chỉ còn lại đồi trọc mà thôi”, một người dân ở Khuôn Thần bức xúc nói với chúng tôi như thế.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/doi-song/i-s-ng-tin-chung/r-ng-thong-khuon-th-n-keu-c-u-1.321593