Rước mô hình sinh thực khí dài hơn 1 mét ở Lạng Sơn

Được phục dựng sau hơn 50 năm gián đoạn, lễ hội Ná Nhèm (Lạng Sơn) thu hút sự tham dự của hàng nghìn khách thập phương.

Ngày 2/3, lễ hội Ná Nhèm, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn được tổ chức. Vào ngày 15 tháng Giêng hàng năm kể từ 2012 lễ hội này được phục dựng trở lại sau hơn 50 năm gián đoạn.

Lễ hội Ná Nhèm bắt đầu với nghi lễ đi lấy "nước Tiên". Khoảng 6h, ông Mo, Hội và các anh Tưởng ra làm lễ tại miếu thờ đức vua Miêu Tĩnh và xin “nước Tiên” đựng vào ống bương.

Sau đó rước về đình dâng vua.

Các đồ cung tiến, cúng tế, rước… được tập hợp tại cửa đình Làng Mỏ để ông Mo, ông Hội và 4 anh Tưởng tiến hành lễ cúng.

Theo tiếng địa phương, “Ná Nhèm” là lễ hội bôi nhọ mặt hay còn được hiểu là lễ hội hóa trang, giấu mặt. Cả quan và quân lính theo đoàn rước đều phải bôi mặt đen để cho mọi người không nhận ra mình.

Tục lệ này có nét tương đồng với thực tế lịch sử lúc bấy giờ, người họ Mạc bị chúa Trịnh truy sát, phải hóa trang, đổi họ, trốn chạy các nơi.

Đoàn rước Long ngai, Bài vị của đức vua từ đình làng Mỏ về miếu Xa Vùn, để vua ngự.

Lễ dâng vua gồm có các vật mang tính biểu trưng cao như bầu nước Tiên tượng trưng cho nguồn sống, cho đất nước, cây lúa là mong ước no đủ, cây vạn tuế cầu mong cầu sự sống.

Phó tướng đi trước, tay cầm chổi vừa đi vừa làm động tác khua chổi dọn đường, tiếp theo là chánh tướng. Chánh tướng và phó tướng phải kết hợp các động tác và bước đi sao cho thật uyển chuyển và nhịp nhàng.

Khi chánh tướng hô “da dí” cùng động tác vẫy tay trái ra đằng sau, múa tay phải đằng trước phía trên đỉnh đầu thì quân reo theo và đánh các thế võ. Mỗi lần đánh võ sử dụng các thế gươm, thế mác, đánh trên, đâm dưới, đỡ phải, đỡ trái, có tiến, có lùi, có công, có thủ.

Điểm độc đáo của lễ hội Ná Nhèm là màn rước sinh thực khí nam (Tàng thinh) và sinh thực khí nữ (Mặt nguyệt). Đây là nghi thức để cầu may mắn, bình an, sinh sôi nảy nở.

Tàng thinh năm nay được làm bằng gỗ dổi, đường kính khoảng 22 cm, chiều dài 1,3 m, trọng lượng trên 50 kg.

Ngoài ra, chương trình của lễ hội còn có các trò chơi dân gian như đánh đu, kéo co, đánh cờ tướng, đẩy gậy…

Thông qua lễ hội, dân làng có dịp tỏ lòng thành kính, nhớ ơn công lao của Thành hoàng đã giúp nhân dân đánh giặc, giữ làng giữ nước, xây dựng và bảo vệ quê hương cũng như cầu ước những điều may mắn, tốt lành, vật nuôi, cây cối sinh sôi, phát triển tốt tươi, mùa màng bội thu sẽ đến với mọi người, mọi nhà.

Lê Bích

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/ruoc-mo-hinh-sinh-thuc-khi-dai-hon-1-met-o-lang-son-post823209.html