Rước thêm bệnh vì tự gắn răng khểnh

Trong một trào lưu mới, nhiều người trẻ tuổi 'chạy theo mốt' đắp răng khểnh giả để nụ cười duyên dáng hơn. Cách làm này được quảng cáo khá đơn giản, chỉ cần mua răng nhựa kèm keo gắn là đã 'biến hóa' thành răng khểnh tự nhiên. Tuy nhiên, điều này liệu có gây nguy hại cho sức khỏe răng miệng?

Rất dễ tìm được quảng cáo rao bán răng khểnh giả trên mạng

Rất dễ tìm được quảng cáo rao bán răng khểnh giả trên mạng

Theo lời quảng cáo rầm rộ mà các trang mạng xã hội mua bán trực tuyến tung ra để hút khách, loại răng khểnh giả này có nhiều kích cỡ để từng người lựa chọn cho phù hợp. Chúng được làm từ nhựa mintame cao cấp ngà vàng giống răng thật. Một bộ đầy đủ có răng và keo gắn kèm dụng cụ, dùng được cho cả nam và nữ. Loại răng này có thể sử dụng được nhiều lần, thời gian sử dụng tùy ý theo khách hàng.

Không những thế, loại keo gắn răng được quảng cáo là an toàn, răng gắn không đau đớn. Khi hòa keo vào với nhau sẽ tạo thành dung dịch đặc và nếu không may nuốt phải keo này thì cũng… không sao. Giá dao động từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng một bộ, tùy theo kích cỡ của răng.

Ai cũng nghĩ, không trồng răng vĩnh viễn mà chỉ đắp răng nhựa là có được chiếc răng khểnh duyên dáng, khi nào hết mốt thì tháo ra. Tuy nhiên, có người mới sử dụng được hơn một tháng thì răng khểnh giả đã xỉn vàng, vùng lợi xung quanh bị sưng đau, rất khó chịu khi đánh răng hoặc ăn uống, đành nhổ đi chiếc răng “vô duyên” ấy. Thực ra, những chiếc răng này rất dễ gây ra tình trạng viêm lợi, viêm nha chu, viêm quanh răng do các thức ăn mảng bám tích tụ lại. Từ đó gây ra hôi miệng khó chịu, sâu răng hoặc nặng nề hơn có thể gặp phải biến chứng gây phá hủy tổ chức cứng của răng.

Đó là chưa kể việc các loại răng rao bán trên mạng nếu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng sản phẩm ra sao nếu sử dụng trong thời gian dài vô tình đưa các độc chất vào cơ thể, gây ra các bệnh răng miệng… Bằng mắt thường chúng ta không thể kiểm chứng được loại răng giả này và keo gắn của nó có thực sự an toàn hay không.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, nếu người dân có nhu cầu muốn gắn răng giả, gắn răng sứ thẩm mỹ… thì cần đến các cơ sở y tế có chuyên khoa răng hàm mặt để đảm bảo sức khỏe răng miệng. Tránh tự ý gắn răng giả hoặc đến những nơi không uy tín gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tiền mất tật mang. Sau khi đã thực hiện gắn răng tại các cơ sở chuyên khoa thì cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, lấy cao răng, thăm khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ.

Yên Vũ

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/ruoc-them-benh-vi-tu-gan-rang-khenh/791085.antd