Rượu, bia chông chênh thù - bạn

Luật Phòng chống tác hại rượu, bia vừa được Quốc hội bỏ phiếu thông qua. Tuy nhiên, hành trình từ khi xây dựng dự luật đến khi nhận được sự đồng thuận của đa số đại biểu Quốc hội cũng là một giai đoạn nảy sinh tranh luận.

Rượu, bia nhiều khi là tác nhân dẫn đến những vụ đánh nhau, tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng (Ảnh minh họa)

Rượu, bia nhiều khi là tác nhân dẫn đến những vụ đánh nhau, tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng (Ảnh minh họa)

Có những việc đã được tranh luận hoặc nâng lên đặt xuống nhiều lần. Ví dụ như, tại một số tọa đàm và hội thảo, nhiều đại biểu đã góp ý vào tên gọi của dự thảo, thay vì nhìn nhận rượu, bia như một tác hại thì cần được thay thế bằng từ lạm dụng.

Đại biểu đến từ một doanh nghiệp sản xuất bia, rượu đã dẫn chiếu nghiên cứu khoa học cho rằng, rượu, bia nếu không lạm dụng còn có thể có tác động tích cực đến sức khỏe, ví dụ như nếu uống rượu vang mà không lạm dụng còn có tác động đến tim mạch…

Có đại biểu đồng tình với từ “lạm dụng” trong dự thảo luật cũng nêu ra những câu chuyện thực tiễn từ xưa đến nay, cụ thể rượu, bia là thứ không thể thiếu trong bàn thờ tổ tiên của nhiều gia đình người Việt.

Một đại biểu còn bày tỏ: “Nói bia, rượu là có tác hại thì chúng ta dùng cái gọi là tác hại để dâng lên tổ tiên, trời đất, với khách đến nhà và khách quốc tế hay sao?”.

Vấn đề quản lý rượu, bia và những tác hại của nó không phải là vấn đề gặp nhiều tranh luận ở Việt Nam, mà ngay cả trên thế giới cũng là một vấn đề nan giải. Nhiều bộ phim trên thế giới cũng lấy yếu tố lịch sử của những luật cấm buôn bán rượu, bia ở quốc gia mình làm đề tài để đưa lên màn ảnh.

“Rượu, bia là một người bạn khá bất ổn và khó có thể tạo dựng được niềm tin bền vững. Cũng như mắt người khi nhìn vào một bức tranh, có người bảo đó là sự sâu sắc và thăng hoa của nghệ thuật, có người lại chỉ coi đó là một bức tranh khỏa thân gợi dục”.

Nếu tính rượu, bia như một cá thể sinh động, thì có thể nhìn nhận nó ở hai trạng thái, có lúc là bạn, có lúc là thù. Bởi rượu, bia đã trở thành một thức uống không thể thiếu trên mâm cơm của người Việt từ sang trọng lịch lãm đến đơn giản nhà nông. Ở các vùng nông thôn, miền núi tác động của rượu, bia đến đời sống con người càng được thể hiện một cách rõ ràng.

Đơn giản đôi khi chỉ uống nhiều thành quen, “đồ mồi” lại luôn sẵn sàng thường trực cho các mâm nhậu tự phát. Có chuyện kể rằng, người nông dân khi vác cuốc ra đồng, lên rẫy, trên đường đi đập được một con rắn thì hành trình từ nhà đến nương rẫy lập tức bị thay đổi lộ trình. Họ sẽ từ lưng chừng đến rẫy quay trở về nhà làm thịt con rắn để chuẩn bị cho một mâm nhậu. Lúc khan hiếm mồi nhậu thì đã có sẵn mấy cây trái quanh vườn, một quả xoài xanh hay quả khế chua cũng có thể được trưng dụng phục vụ các tiên tửu.

Rượu, bia có khi trở thành bạn. Đó là một người bạn khá trung thành và vô cùng dễ dãi. Lúc vui cũng như lúc buồn, bia, rượu đều có mặt để giúp tiệc chủ và các vị khách có được cảm giác thăng hoa lúc hạnh phúc và vơi bớt sầu đau lúc gặp chuyện buồn.

Người ta đã thống kê, trong trạng thái thất tình giữa đàn ông với phụ nữ, phụ nữ thường có xu hướng tiêu cực hơn đàn ông. Phụ nữ có thể lang thang dưới trời mưa để nước mắt hòa quyện nước mưa mà chan chứa nỗi sầu, hiếm hoi lắm mới thấy họ rủ nhau ngồi nâng chén để thút thít chuyện tình.

Đàn ông khi thất tình, tuyệt đại đa số đều nghĩ ngay đến việc gọi đám bạn thân đến quần tụ trong một mâm nhậu, nhậu đến xiêu vẹo vì say, về nôn thốc nên tháo vào bồn cầu và rưng rưng tự nghĩ: Cuộc tình vừa qua cũng đã được thả trôi cùng với cuộc nôn, lúc giật nước bồn cầu thì tất cả cũng biến mất. Xong xuôi sáng mai lại bắt đầu một cuộc chinh chiến và yêu đương mới.

Bia, rượu quả nhiên là một người bạn không biết nói lời chối từ. Nhưng vẫn dựa trên quan điểm đó, bia, rượu cũng có thể trở thành tác nhân cho rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Có rất nhiều dẫn chứng sinh động cho thấy, đàn ông khi say rất hay nói thật. Phụ nữ nhiều khi tin như vậy nên cũng có nhiều đàn ông giả vờ say để tuôn ra lời nói dối. Phụ nữ cứ tin vào lời sấm của dân gian ấy mà thảng thốt yêu thương.

Nhà báo Hồ Viết Thịnh

Có một chuyện được đàn ông truyền tụng nhau nhiều lần áp dụng đó là tích truyện của một người đàn ông sợ vợ muốn bộc lộ tình yêu. Một lần anh trở về trong trạng thái hơi men chếnh choáng (thực ra là anh có uống nhưng vẫn điều khiển được lời nói và cảm xúc của mình), người vợ mở cửa chìa tay ra đỡ chồng như đỡ con thơ những bước đầu đời, chỉ chờ có thế, anh chồng gạt tay vợ ra rồi quát: Cô là ai, sao lại dám động vào người tôi. Cả đời tôi chỉ có hai người phụ nữ dám động vào người tôi là mẹ tôi và vợ tôi. Sau đó nằm vật ra nền. Lời nói dối đắm đuối hơi men ấy khiến vợ anh tin là thật, cười tủm tỉm từ tối hôm trước cho đến sáng hôm sau.

Nhưng rượu, bia nhiều khi lại trở thành kẻ thù bởi những nguy cơ mà nó tạo ra. Những vụ đánh nhau lúc cái tôi được hơi men bơm lên quá cao, những vụ tai nạn khi tay vẫn cầm lái nhưng đầu óc đã thoải mái trôi dạt về đâu…

Thế nên, rượu, bia là một người bạn khá bất ổn và khó có thể tạo dựng được niềm tin bền vững. Cũng như mắt người khi nhìn vào một bức tranh, có người bảo đó là sự sâu sắc và thăng hoa của nghệ thuật, có người lại chỉ coi đó là một bức tranh khỏa thân gợi dục.

Suy cho cùng, bạn hay thù cũng là sự lựa chọn của mình với bia, rượu. Mà bia, rượu thì tất cả bản chất đã được bộc lộ một cách lộ thiên.

Nhà báo Hồ Viết Thịnh

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/song-o-ha-noi/ruou-bia-chong-chenh-thu-ban/814782.antd