Rượu bia là ngành công nghiệp phi nhân bản, cần điều luật đủ sức kiểm soát

Cũng như thuốc lá, rượu bia là một ngành công nghiệp phi nhân bản. Doanh nghiệp rượu bia càng tăng trưởng thì giá trị sức khỏe của cộng đồng càng giảm đi. Cần phải có một dự luật với những điều khoản đủ sức kiểm soát sự ảnh hưởng của nó đến đời sống xã hội.

Đây là nhận định của BS.TS. Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD), Cơ quan điều phối liên minh phòng chống bệnh không lây nhiễm NCDs-VN, Trưởng khoa Khoa học Sức khỏe, Đại học Tây Bắc khi nói về dự luật Phòng chống tác hại của rượu bia.

 Rượu bia trực tiếp gây ra 30 bệnh và gián tiếp gây ra khoảng 200 bệnh khác

Rượu bia trực tiếp gây ra 30 bệnh và gián tiếp gây ra khoảng 200 bệnh khác

Theo BS Tuấn, một dự luật tốt cần đảm bảo tính công bằng xã hội bởi một xã hội càng công bằng thì càng thuận lợi cho phát triển bền vững. Khi xây dựng dự án luật, cần phải đặt lợi ích xã hội lên trên chứ không phải là chỉ có giá trị phục vụ cho một nhóm nào.

“Khi đọc một dự luật, đầu tiên phải xem tìm hiểu xem mục tiêu của dự luật này là gì, nhắm vào đâu. Liệu có nhóm nào làm ảnh hưởng đến việc xây dựng luật này không bởi khi dự luật ra sẽ có những nhóm lợi ích và luật phải cân bằng lợi ích của các bên, trong đó phải xác định lợi ích nào đặt lên cao nhất. Việc chỉ ra nhóm ảnh hưởng cần phải xem xét nhóm đó có can thiệp vào làm thay đổi các giá trị của luật hay không” – BS Trần Tuấn nói.

Dựa trên các yếu tố trên, khi đọc và phân tích dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia, BS Trần Tuấn chỉ ra rằng, mục tiêu của dự luật là “vì sức khỏe cộng đồng, giảm gánh nặng bệnh tật, tử vong do sử dụng rượu, bia gây ra.”

Đặt câu hỏi “Vậy mục tiêu này có lợi hay không và ai sẽ ủng hộ?”, BS Trần Tuấn kết luận: “Về cơ bản, đây là một dự luật tốt, nếu mục tiêu này đáp ứng cho việc bệnh tật giảm, tai nạn giao thông giảm, giảm bạo lực gia đình và xã hội, đóng góp tăng trưởng bền vững”.

Ông lại tiếp tục đặt câu hỏi: “Nếu nó có những lợi ích to lớn như vậy thì tại sao chúng ta không ra dự luật cấp thiết vào lúc này, khi mà chúng ta đang rất cần?”

Người lại, ông Tuấn cũng đặt vấn đề: “Nhưng dự luật lại đưa ra sự bất lợi cho ai? Ai phản đối? Họ là các cá nhân, tổ chức nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp nào?” và câu trả lời của ông là: “Chúng tôi nhận thấy, trong tất cả các điều khoản của dự luật, nếu được ban hành, thì người bất lợi nhất chính là các doanh nghiệp rượu bia”.

Theo BS Trần Tuấn, doanh nghiệp rượu bia thực chất thuộc nhóm có lợi ích mâu thuẫn với lợi ích y tế công cộng. Họ càng tăng trưởng thì giá trị sức khỏe của cộng đồng càng giảm đi. Chi phí càng tăng, hậu quả xã hội càng lớn.

“Khi doanh nghiệp có mâu thuẫn, chắc chắn họ phản đối. Với cách nhìn như vậy, chúng ta sẽ đọc các thông tin trên truyền thông xã hội để lọc lựa xem, đâu là thông tin thuộc về nhóm nào, có phải thuộc nhóm lợi ích hay không.” – BS Tuấn phân tích.

TS. BS Trần Tuấn

Phản bác thiếu căn cứ khoa học

Một vấn đề được bác sĩ Trần Tuấn đưa ra để phân tích về việc đảm bảo xây dựng được dự luật phòng chống tác hại của rượu bia tốt, đó là các bằng chứng khoa học. “Để phát triển một dự luật bắt buộc phải dựa trên bằng chứng” – ông Tuấn nhấn mạnh.

“Nếu gánh nặng bệnh tật trực tiếp do rượu bia gây ra đã được khoa học chứng minh bởi y tế công cộng, y học dự phòng thì đây là một vấn đề lớn của y tế công cộng, trên thế giới và cả ở Việt Nam. Thế nhưng, trong một loạt hội thảo do nhóm soạn thảo tổ chức, một số bộ ngành và ý kiến các doanh nghiệp lại lớn tiếng phản đối bộ Y tế về vấn đề rượu bia gây ra bệnh tật. Trong khi Bộ Y tế chỉ ra rằng, rượu bia trực tiếp gây ra 30 bệnh và gián tiếp hơn 200 bệnh thì các doanh nghiệp rượu bia và một số ý kiến bộ ngành (công thương, tư pháp, tài chính… lại nói là “chỉ có một số bệnh” – BS Tuấn dẫn chứng.

“Nếu tổ chức y tế thế giới và Bộ Y tế đã đưa ra ý kiến như vậy, thì tại sao chúng ta lại chấp nhận cho các ý kiến nói trên vào đòi sửa luật vì cho rằng ảnh hưởng đến bệnh tật không thể lớn như vậy được?” – BS Tuấn đặt câu hỏi và một lần nữa nhấn mạnh: “Thành viên nào trong Chính phủ chịu trách nhiệm đánh giá về mặt sức khỏe của nhân dân? Rõ ràng là bộ Y tế. Vậy thì những đại biểu khác, với kiến thức thế nào, tự tin đến đâu để bác lại các ý kiến đó?” – BS Tuấn đặt câu hỏi.

Đặc biệt, BS Trần Tuấn cho biết, đã có thư kiến nghị Thủ Tướng và lãnh đạo Quốc hội bày tỏ lo ngại sự can thiệp của ngành công nghiệp rượu bia vào tiến trình xây dựng và thông qua dự luật phòng chống tác hại của rượu bia do Bộ Y tế chủ trì.

Xuân Hưng

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201810/ruou-bia-la-nganh-cong-nghiep-phi-nhan-ban-can-dieu-luat-du-suc-kiem-soat-616012/