Rượu, bia làm chậm phản xạ khi lái xe thế nào?

Rượu làm chậm phản ứng của não trước các tình huống cần đưa ra quyết định và phản ứng tức thời nên người uống rượu điều khiển xe rất dễ gây TNGT

CSGT Cần Thơ kiểm tra nồng độ cồn người đi xe máy

CSGT Cần Thơ kiểm tra nồng độ cồn người đi xe máy

Cần Thơ: 1 năm xử phạt hơn 5.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn

Thượng tá Lê Vũ Tiến, Phó trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an TP Cần Thơ cho biết, từ ngày 12/12/2018 đến ngày 14/12/2019 đơn vị mở hơn 43.500 đợt tuần tra kiểm soát, phát hiện hơn 43.400 trường hợp vi phạm Luật GTĐB. Trong đó, vi phạm nồng độ cồn là 5.459 trường hợp.

Còn trong 8 ngày ra quân (15 - 22/12) cao điểm Tết, lực lượng chức năng đã kiểm tra và lập biên bản hơn 800 trường hợp vi phạm giao thông, trong đó vi phạm về nồng độ cồn hơn 60 trường hợp.

Quảng Ninh: Xử lý nghiêm để tăng tính răn đe

Trung tá Lê Văn Tuyền, Đội phó Đội CSGT, Công an TP Hạ Long cho biết: “Xử lý vi phạm nồng độ cồn thường khó khăn hơn so với các vi phạm khác, do những trường hợp sử dụng rượu, bia thường có nhận thức và hành động không thực sự chuẩn mực. Nhiều trường hợp khi bị kiểm tra còn chống đối, có hành vi lăng mạ, xúc phạm lực lượng chức năng làm nhiệm vụ”, Trung tá Tuyền nói và cho biết, tới đây, lực lượng CSGT sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát, lập chốt xử lý nghiêm lái xe vi phạm về nồng độ cồn để tăng tính răn đe, góp phần kéo giảm TNGT, đặc biệt là những vụ do tài xế say xỉn gây ra.

Đồng Nai: Lập nhiều tổ chuyên đề kiểm tra nồng độ cồn

Thống kê của Ban ATGT tỉnh Đồng Nai cho thấy, trong năm 2019, lực lượng CSGT đã lập nhiều tổ chuyên đề kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe trên đường. Chỉ tính riêng trên QL1, QL20 và 51 điểm đã phát hiện và xử lý 4.045 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (trong đó có 174 xe ô tô, 3,871 mô tô). Tạm giữ 4.045 phương tiện, nộp Kho bạc Nhà nước hơn 11 tỷ đồng.

Một trong nững điểm nóng, xảy ra nhiều vụ TNGT thương tâm liên quan đến lái xe sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông là trên tuyến QL51.

Thanh Hóa: Thường xuyên xử lý vi phạm nồng độ cồn trên quốc lộ

Phòng CSGT Thanh Hóa cho biết, hiện nay, các tổ TTKS trên tuyến quốc lộ thường xuyên triển khai tuần tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn. Với các trường hợp vi phạm đều kiên quyết lập biên bản, tạm giữ phương tiện. Qua thống kê, chỉ tính từ ngày 1/12/2019 đến nay, lực lượng chức năng đã kiểm tra xử lý 233 trường hợp, phạt tiền trên 660 triệu đồng, tước GPLX 216 trường hợp.

Hà Tĩnh: Tuyên truyền cho lái xe, doanh nghiệp

Trong năm 2019, Công an TP Hà Tĩnh thường xuyên tổ chức tuần tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn. Theo số liệu thống kê, năm 2019, Công an TP Hà Tĩnh xử lý hơn 5.869 trường hợp vi phạm ATGT, có đến 1.052 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện.

Thượng tá Phạm Hồng Thái, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh cũng cho biết, thời gian tới sẽ xây dựng kế hoạch tuyên truyền cho các doanh nghiệp, lái xe… không điều khiển phương tiện khi đã uống rượu, bia.

Bình Định: Tăng thời gian kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn

Theo Đội CSGT Công an TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), để hạn chế, giảm thiểu số vụ TNGT liên quan đến tình trạng lái xe sử dụng rượu, bia, từ ngày 15/12/2019 đến ngày 14/2/2020, ngoài việc tăng cường nhân lực, phương tiện nghiệp vụ, bố trí các tổ tuần tra kiểm soát, đơn vị còn tăng thời gian kiểm tra và xử lý vi phạm nồng độ cồn gấp đôi so với các ngày thường. Các đợt ra quân của lực lượng sẽ gắn với từng địa bàn, khu vực có tình hình TNGT phức tạp, các tuyến đường trọng điểm, nội thành thành phố. Năm 2019, CSGT TP Quy Nhơn đã xử lý hơn 600 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

Xử phạt 6 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Sau 2 tuần ra quân thực hiện cao điểm đảm bảo ANTT, ATGT dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý cũng như các lễ hội đầu năm 2020, đội TTKS giao thông số 2, Cục CSGT đã phát hiện xử lý 150 trường hợp vi phạm, trong đó phát hiện 6 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Rượu, bia làm chậm phản xạ khi lái xe thế nào?

Theo các chuyên gia y tế và thần kinh, rượu làm chậm phản ứng của não trước các tình huống cần đưa ra quyết định và phản ứng tức thời (phản xạ bị chậm) nên người uống rượu điều khiển xe rất dễ gây ra TNGT. Giả sử, một ô tô đang lưu thông với tốc độ 50km/h và chỉ cần phản ứng chậm một giây (chậm rời chân ga để đạp chân phanh trong một giây) thì xe đã trôi về phía trước được 13,8m (50.000m/3.600 giây). Đó chính là sự nguy hiểm khi lái xe mà có một lượng cồn trong cơ thể.

Cần quy định cụ thể việc lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia

Theo tài xế Lê Văn Chung, điều khiển taxi BKS 30A-832…, cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia là nội dung tiến bộ, cần thiết được Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia quy định. Tuy nhiên, để quy định cấm này không trở thành quy định chung chung, không khả thi thì cần có hướng dẫn cụ thể để nhận diện như thế nào là xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc…

“Trong thực tế, hành vi lôi kéo, ép buộc thường được nhận biết bằng cảm quan, định tính và nếu không có hướng dẫn cụ thể sẽ khó “khép tội” này cho ai đó”, anh Chung nói.

Nhóm P.V

Nguồn ATGT: https://www.atgt.vn/ruou-bia-lam-cham-phan-xa-khi-lai-xe-the-nao-d447013.html