Rút BHXH một lần: Lợi trước mắt, hại lâu dài

Việc nhận BHXH một lần được xem là 'lợi trước mắt, hại lâu dài', bởi khi lựa chọn hưởng BHXH một lần, các quyền lợi của người lao động sẽ bị hạn chế hơn rất nhiều so với hưởng lương hưu. Đó là lý do vì sao người lao động nên tính toán, cân nhắc kỹ trước khi có ý định rút BHXH một lần.

Thực tế cho thấy có nhiều người đã hưởng chế độ BHXH một lần từ rất lâu rồi, khi về già muốn nộp lại khoản tiền trợ cấp BHXH một lần đã nhận để tiếp tục tham gia BHXH cho số năm còn thiếu để hưởng lương hưu nhưng không thể giải quyết được vì pháp luật hiện hành không có quy định.

Rút BHXH vì muốn giải quyết khó khăn trước mắt

Chị Lê Thị Hóa, xã Lý Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình), cho biết đã đóng BHXH được 10 năm. Tuy nhiên, từ khi dịch COVID-19 ập đến, công ty khó khăn, chị mất việc làm. Sau đó, chị lại xin nghỉ hẳn để sinh con, vì vậy trong một thời điểm khó khăn, chị đã quyết định nhận BHXH một lần khoảng 100 triệu đồng.

Việc nhận BHXH một lần được xem là "lợi trước mắt, hại lâu dài".

Việc nhận BHXH một lần được xem là "lợi trước mắt, hại lâu dài".

Chia sẻ với đoàn báo chí trong chuyến thực tế tìm hiểu về thực hiện chính sách BHXH tại Quảng Bình mới đây, chị Hóa bày tỏ, khi rút BHXH một lần, chị cứ nghĩ đơn giản là có một khoản để lo cho cuộc sống, nhưng khi nhìn cha mẹ mình không có lương hưu, không có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh, chị cảm thấy hối tiếc muốn đóng lại toàn bộ khoản tiền đã rút nhưng không được chấp nhận bởi không đúng quy định của pháp luật.

Giải pháp trước mắt, qua tư vấn của nhân viên BHXH huyện Bố Trạch, chị Hóa đã tham gia BHXH tự nguyện. Việc tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện, chị Hóa cũng còn kịp đến khi khoảng 60 tuổi thì có lương hưu. Nhưng đến khi đó, số năm tham gia BHXH tự nguyện của chị ít nên tiền lương hưu thấp.

“Tôi mong muốn Nhà nước có chính sách cho người đã nhận BHXH một lần được trả lại tiền đã nhận cộng thêm với lãi suất nhất định để được tính lại thời gian đã tham gia BHXH bắt buộc trước đây”, chị Hóa bày tỏ.

Trước đó, chị Nguyễn Thị Thúy Hà, công nhân HTX Mây tre lá Ba Nhất, quận Bình Thạnh, TP. HCM, cũng bày tỏ trăn trở của người lao động khi rút BHXH một lần. "Đa phần người lao động đều biết rút BHXH thì về già không có lương hưu, nhưng nhiều anh chị em khó khăn quá và thời gian đóng dài nên vẫn rút", chị nói.

Chị Hà cũng nêu thực trạng Luật BHXH còn nhiều bất cập, nhất là thời gian đóng 20 năm rất dài mới được hưởng lương hưu, trong khi nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách chấm dứt hợp đồng lao động với công nhân 40-45 tuổi. Chị Hà đề nghị sớm sửa luật, bảo đảm quyền lợi của công nhân, hạn chế rút BHXH một lần.

Cân nhắc kỹ quyền lợi

Trước những băn khoăn của người lao động, ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, chưa có quy định nào cho phép người đã nhận BHXH một lần được trả lại số tiền đã nhận và tính lại thời gian đã tham gia BHXH để hưởng lương hưu sau này. Tới đây, dự kiến một số nội dung sửa đổi Luật BHXH sẽ xem xét, nghiên cứu để có thể có quy định như trên nhằm bảo đảm quyền lợi lâu dài cho người lao động cũng như thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Quyền và lợi ích khi tham gia BHXH (Nguồn: BHXH Việt Nam)

Để giải quyết vấn đề trước mắt, BHXH Việt Nam khẳng định sẽ thường xuyên đưa ra khuyến nghị tới người lao động, đó là trước khi rút BHXH một lần, người lao động nên cân nhắc kỹ. Đồng thời tìm hiểu rõ những lợi ích của việc tham gia BHXH. Việc nhận BHXH một lần được coi là “lợi trước mắt, hại lâu dài” bởi khi lựa chọn hưởng BHXH một lần, các quyền lợi của người lao động sẽ bị hạn chế hơn rất nhiều so với hưởng lương hưu.

Cụ thể, khi lựa chọn hưởng BHXH một lần, người lao động sẽ không được cộng nối thời gian đã đóng BHXH, mất đi cơ hội được hưởng lương hưu, không có gì đảm bảo cho cuộc sống lúc tuổi già. BHXH Việt Nam nhấn mạnh thêm, mức lương hưu được hưởng không phải là một mức cố định tại thời điểm nghỉ hưu mà lương hưu định kỳ được điều chỉnh tăng để đảm bảo giá trị, qua đó giúp ổn định cuộc sống.

Về quyền lợi BHYT, người hưởng lương hưu được cấp thẻ BHYT miễn phí từ khi hưởng lương hưu đến khi chết với quyền lợi hưởng cao (mức hưởng BHYT của người nghỉ hưu là 95%, trong khi mức hưởng BHYT của người mua BHYT hộ gia đình là 80%). Trong giai đoạn tuổi già, nguy cơ đối mặt nhiều hơn với ốm đau, bệnh tật nên việc được chia sẻ phần lớn nguồn kinh phí khám chữa bệnh từ quỹ BHYT sẽ giảm bớt áp lực kinh tế cho con cháu của họ.

Về chế độ tử tuất, trong thời gian hưởng lương hưu, không may người hưởng lương hưu chết thì thân nhân sẽ được hưởng đầy đủ chế độ tử tuất.

"Như vậy, có thể thấy, người tham gia BHXH khi hưởng lương hưu được hưởng rất nhiều quyền lợi trong quá trình hưởng lương hưu và ngay cả khi chết thì thân nhân của họ cũng được hưởng chế độ tử tuất với quyền lợi cao", BHXH Việt Nam cho biết.

Đồng thời, riêng đối với người lao động đang đóng BHXH hoặc đang bảo lưu thời gian đóng BHXH mà bị chết thì thân nhân cũng được hưởng chế độ tử tuất (hằng tháng hoặc một lần).

Vì vậy, trước khi quyết định hưởng BHXH một lần, người lao động hãy cân nhắc nghĩ đến các quyền lợi được hưởng chế độ hưu trí khi hết tuổi lao động; nhất là trong thời gian tới đây, người lao động dễ dàng được tiếp cận và thụ hưởng lương hưu khi Nhà nước sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm và xây dựng hệ thống BHXH đa tầng nhằm tạo điều kiện tối ưu cho người lao động dễ dàng tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi của chế độ hưu trí lâu dài.

Phương Lan

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//an-sinh/rut-bhxh-mot-lan-loi-truoc-mat-hai-lau-dai-1086928.html