Rút khỏi IWC, Nhật Bản tiếp tục đánh bắt cá voi vào tháng 7/2019

Hôm nay (26/12), Yoshihide Suga, phát ngôn viên của chính phủ Nhật Bản cho biết, quốc gia này chính thức rút khỏi Ủy ban Săn bắt Cá voi Quốc tế (IWC) và sẽ nối lại hoạt động săn bắt cá voi vì mục đích thương mại từ tháng 7 năm sau.

Yoshihide Suga nói với các phóng viên, Nhật Bản tiếp tục cuộc săn bắt cá voi giới hạn trong vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của nước này từ tháng 7/2019, đồng thời dừng đánh bắt số lượng lớn cá voi ở Nam Đại Dương và nam bán cầu.

Ông cho biết thêm, Nhật Bản sẽ chính thức thông báo quyết định này cho IWC vào cuối năm nay.

Ngư dân vận chuyển cá voi trên cảng biển ở Kushiro, Nhật Bản

Thực tế, Nhật Bản đã thông báo kế hoạch sắp rút khỏi ủy ban 89 thành viên vào tuần trước. Động thái ngay sau đó đã vấp phải không ít sự chỉ trích từ quốc tế, trong đó có các nhóm bảo tồn và chính phủ Úc.

Bộ trưởng Ngoại giao Marise Payne và Bộ trưởng Môi trường Melissa Price cho biết chính phủ Úc vô cùng thất vọng khi Nhật Bản quyết định tiếp tục săn bắt cá voi nhằm mục đích thương mại và rút khỏi IWC, đây là một điều "đáng tiếc". Họ kêu gọi nước này quay trở lại ủy ban và thực hiện theo Công ước Quốc tế về săn bắt cá voi.

Sam Annesley, giám đốc điều hành của Greenpeace Japan (Tổ chức Hòa bình Xanh) cho biết: "Tuyên bố này không phù hợp với cộng đồng quốc tế, chứ đừng nói đến việc bảo vệ đại dương và những loài động vật lớn như cá voi trong tương lai. Chính phủ Nhật Bản phải khẩn trương hành động để bảo tồn hệ sinh thái biển, thay vì tiếp tục đánh bắt cá voi thương mại".

Việc đánh bắt cá voi quá mức ở vùng biển Nhật Bản đã dẫn đến sự cạn kiệt. Hầu hết các quần thể cá voi vẫn chưa phục hồi. Tuy nhiên, các quan chức ngành thủy sản Nhật Bản lại cho rằng một quần thể cá voi đã phục hồi đủ để cho phép họ nối lại hoạt động săn bắt.

Giám đốc điều hành Hiệp hội bảo tồn biển Úc, Darren Kindleysides, cho biết, người dân nước này đã chiến đấu trong nhiều thập kỷ để bảo vệ cá voi. Tuy nhiên, mọi nỗ lực này sẽ trở về con số 0 nếu như Nhật Bản không được kiểm soát việc săn bắt cá voi trong vùng biển của họ và việc rút khỏi IWC có thể phá hủy tương lai của chính tổ chức này khi mà Iceland và Na Uy cũng phản đối lệnh cấm và ủng hộ việc bắt cá voi thương mại.

Sau chiến tranh thế giới thứ 2, cá voi từng là nguồn cung cấp protein quan trọng, không những vậy, nó còn đem lại nhiều lợi ích khác, giúp người dân Nhật Bản kiếm thêm thu nhập, phát triển cuộc sống khi đất nước này đang còn rất nghèo khó. Nhưng trong những thập kỷ gần đây, nhiều người không còn hứng thú với sản phẩm này, họ nói rằng hiếm khi hoặc không bao giờ ăn thịt cá voi. Theo thống kê của chính phủ Nhật Bản, nước này đã tiêu thụ 200.000 tấn thịt cá voi mỗi năm, nhưng nhu cầu tiêu thụ đã giảm mạnh xuống còn khoảng 5.000 tấn trong những năm qua.

IWC được thành lập vào năm 1946, đóng vai trò quan trọng trong hợp tác quốc tế về bảo tồn và quản lý loài cá này. Đây là cơ quan dẫn đầu các nỗ lực quốc tế chịu trách nhiệm giải quyết hàng loạt mối đe dọa đối với quần thể cá voi trên toàn cầu. Năm 1982, tổ chức này đã ban hành lệnh cấm đối với hoạt động đánh bắt cá voi nhằm bảo vệ loài động vật này nhưng Nhật Bản luôn nỗ lực vận động săn bắt cá voi trong suốt hơn 30 năm qua, kể từ năm 1987. Theo đất nước mặt trời mọc, hoạt động này hợp pháp nhằm phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học.

Tháng 9/2018 vừa qua, phần lớn các quốc gia thành viên tại hội nghị thường niên của IWC được tổ chức ở Brazil đã bỏ phiếu phản đối việc Nhật Bản tiếp tục đánh bắt cá voi. Nó không còn là hoạt động kinh tế hợp lệ hay cần thiết cho mục đích nghiên cứu khoa học.

HOÀI AN (Theo Theguardian)

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/rut-khoi-iwc-nhat-ban-tiep-tuc-danh-bat-ca-voi-vao-thang-7-2019-21400.html