Rút ngắn khoảng cách nhờ công nghệ

Các ngân hàng đang nỗ lực đổi mới quy trình, đầu tư thêm công nghệ để giúp cho việc tiếp cận tín dụng thuận lợi hơn.

Ngành ngân hàng đang nỗ lực để giảm thiểu thủ tục, thời gian cho DN trong hoạt động vay vốn.

Hỗ trợ quản lý hồ sơ, thông tin khách hàng

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong những năm qua, chỉ số tiếp cận tín dụng đã được cải thiện, nhờ cả hệ thống đã tập trung cắt giảm, bãi bỏ nhiều thủ tục hành chính trong giao dịch, vay vốn. Các ngân hàng cũng đã cải thiện việc thu thập, khai thác thông tin về đánh giá tín nhiệm, để nâng cao hiệu quả thẩm định, qua đó tăng cường cho vay không có tài sản đảm bảo – nỗi lo lớn nhất của DN khi vay vốn. Ngoài ra, hệ thống ngân hàng và các DN đã và đang cố gắng tạo ra cơ chế, chính sách, thậm chí là sáng kiến để giúp DN tiếp cận vốn vay tốt hơn. Phổ biến nhất là các ngân hàng thương mại tung ra nhiều gói tín dụng cho từng loại hình DN đặc thù với lãi suất ưu đãi, thủ tục thuận lợi. Một giải pháp được xem là hữu hiệu nhất để rút ngắn khoảng cách giữa ngân hàng với DN là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý hồ sơ, thông tin khách hàng.

Về vấn đề này, ông Tạ Quốc Đan, Phó Giám đốc Khối Hành chính, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho biết, ngoài việc đầu tư công nghệ cho vận hành bộ máy, giúp xử lý công việc nhanh chóng, tiết kiệm chi phí nhân lực, văn phòng phẩm, MB đang từng bước chuyển mình với giải pháp bán hàng thông minh “Smart RM”. Phương châm của giải pháp này là “Mang ngân hàng đến với khách hàng”, nên nhân viên của ngân hàng chỉ cần dùng máy tính bảng là có thể hỗ trợ khách hàng trong việc mở tài khoản, đăng ký các dịch vụ điện tử, phát hành thẻ ghi nợ, đăng ký việc vay vốn mua ô tô, nhà đất… một cách nhanh chóng, chỉ mất khoảng 15 phút. Ngoài ra, sản phẩm còn cung cấp công cụ bán hàng: Quản lý thông tin khách hàng, tính toán lãi suất, biểu phí… để thuận lợi tra cứu, tư vấn cho khách hàng phương thức sử dụng tài chính hiệu quả…

Cũng áp dụng công nghệ vào quy trình phê duyệt và giải ngân tín dụng, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) đã đưa vào sử dụng hệ thống LOS (Hệ thống Khởi tạo khoản vay) với kinh phí đầu tư lên tới 2 triệu USD. Nhờ đó, việc vay vốn không chỉ được giảm bớt quy trình cho khách hàng mà còn đảm bảo quản lý hiệu quả rủi ro tín dụng, nâng cao tính minh bạch và an toàn hệ thống. Ngoài ra, nhiều ngân hàng còn áp dụng các phương thức như đăng ký vay vốn online trên website của ngân hàng, sử dụng các phần mềm chuẩn hóa dữ liệu khách hàng…

Các bên vào cuộc quyết liệt hơn

Mặc dù có những thay đổi như trên, các DN vẫn còn không ít “than thở” khi tiếp cận tín dụng khó khăn. Thực tế là hiện vẫn chỉ có khoảng 30% DN tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng. Nguyên nhân được cho là đến từ hai phía. Một số tổ chức tín dụng chưa có sản phẩm, dịch vụ chuyên biệt cho từng nhóm khách hàng, thủ tục tín dụng rườm rà; trong khi, phía DN gặp vấn đề khi không đạt tiêu chí xếp hạng tín dụng nội bộ của tổ chức tín dụng, thông tin thiếu minh bạch, thiếu chính xác dẫn đến điều kiện về tài sản đảm bảo cao. Do đó, để cải thiện vấn đề này hiệu quả hơn nữa, các DN, ngân hàng và cơ quan quản lý phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa.

Theo ông Nguyễn Đình Vinh, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), hạn chế lớn nhất của DN khiến ngân hàng băn khoăn nằm ở năng lực quản trị và năng lực tài chính. Vì thế, DN phải nỗ lực cải thiện cũng như tham gia vào các chuỗi giá trị, giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh, tạo thêm niềm tin để ngân hàng chấp thuận rót vốn vay. Ngoài ra, ông Vinh cũng đưa ra kiến nghị về sự liên thông thông tin giữa các bộ, ngành giúp ngân hàng hiểu về DN hơn. Các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của các quỹ bảo lãnh tín dụng, trong đó xây dựng cơ chế chia sẻ rủi ro, lợi nhuận giữa các bên tham gia, giúp DN có thêm nhiều kênh để tiếp cận tín dụng…

Về phía DN, ông Nguyễn Du, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xây dựng và Lắp đặt viễn thông kiến nghị, các cơ quan quản lý cũng như ngân hàng cần xem xét việc gia hạn thời gian hoàn trả vốn vay đối với các khoản vay ngắn hạn mà DN không thể thu hồi trong 12 tháng. Bên cạnh đó, để tăng tốc độ tiếp cận vốn, ông Du đồng tình với cách cải tiến về công nghệ, hướng tới nền tảng công nghệ 4.0 của hệ thống ngân hàng, đồng thời cho rằng nên giảm thiểu hồ sơ cũng như thời gian phê duyệt phương án tổng thể…

Để cải thiện việc tiếp cận tín dụng, các ngân hàng và DN còn nhiều việc phải làm. Có những việc đã được nói đến từ lâu nhưng chưa có hiệu quả trong sửa đổi, nhưng có những việc đã được cải tiến theo kịp công nghệ cũng như tiêu chuẩn quốc tế giúp nâng cao hiệu quả tín dụng để nền kinh tế phát triển bền vững hơn.

Hương Dịu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/rut-ngan-khoang-cach-nho-cong-nghe.aspx