Rút ngắn tối đa thời gian sản xuất vaccine COVID-19 của Việt Nam

Thời gian nghiên cứu, sản xuất vaccine Nano Covax đã rút ngắn đến mức tối đa có thể, nhưng vẫn đảm bảo tính khoa học, an toàn, nhằm mục tiêu sớm có vaccine ngừa COVID-19 hiệu quả cho người dân Việt Nam.

Sáng 26/3, tại Hà Nội, Học viện Quân Y, Bộ Quốc Phòng, tiếp tục tiêm thử nghiệm mũi 2 giai đoạn 2 vaccine ngừa COVID-19 Nano Covax.

Có mặt tại buổi tiêm thử để động viên các tình nguyên viên và các y bác sĩ tại Học viện Quân y, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 bày tỏ tin tưởng vào đội ngũ các nhà khoa học tham gia phát triển vaccine của Việt Nam. Phó Thủ tướng khẳng định, về lâu dài, người dân sẽ được tiêm miễn phí giống như trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam động viên tình nguyện viên tiêm thử vaccine COVID-19.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam động viên tình nguyện viên tiêm thử vaccine COVID-19.

“Tất cả các cơ quan, lực lượng thúc đẩy tối đa việc nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước theo đúng quy trình, quy chuẩn, khẩn trương, rút ngắn thời gian, nhưng không bỏ qua bất cứ giai đoạn nào, đảm bảo các điều kiện khoa học”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Thông tin cụ thể về tiến trình thử nghiệm vaccine Nano Covax, Trung tướng, GS.TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viên Quân y cho biết, giai đoạn 1 thử nghiệm an toàn, tạo ra kháng thể và khả năng trung hòa virus tốt, đã có kháng thể chống lại virus biến chủng mới tại Anh (BN117).

Giai đoạn 2 thử nghiệm vaccine với số lượng mẫu lớn hơn giai đoạn 1 (tiêm cho 560 tình nguyện viên), tiếp tục làm thử nghiệm ngẫu nhiên, mù đôi, đa trung tâm, nhằm đánh giá tính an toàn, chú trọng hơn đến hiệu quả, sinh kháng thể và khả năng diệt virus của kháng thể đó. Dự kiến cuối tháng 4/2021 sẽ kết thúc mũi tiêm thử nghiệm thứ 2 của giai đoạn 2.

Theo GS.TS Đỗ Quyết, với tiến độ như hiện nay, đến cuối tháng 6, đầu tháng 7/2021 có thể trình Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia thông qua giai đoạn 3, có thể cấp phép tiêm thử nghiệm trên diện rộng hơn. Theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về nghiên cứu, thử nghiệm vaccine, điều quan trọng nhất phải đánh giá được hiệu quả của vaccine trong việc bảo vệ người dân không bị nhiễm bệnh trong môi trường có thể có lây nhiễm trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, khi có một vaccine được WHO công nhận, cho phép lưu hành như AstraZeneca, có thể cho phép đối chứng nhằm “thử nghiệm hơn kém” so với vaccine đó, xem hiệu lực bảo vệ của sinh kháng thể, khả năng diệt virus của vaccine thử nghiệm. Nếu tương đương, vaccine được cấp phép và sử dụng.

Trung tướng, GS.TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viên Quân y.

GS.TS Đỗ Quyết cho biết, giai đoạn 3 của quá trình tiêm thử nghiệm, sẽ tiêm vaccine AstraZeneca cho 5.000 người và tiêm vaccine Nano Covax cho 5.000 người để đối chứng: “Chúng ta hoàn toàn có cơ sở khoa học để so sánh về tác dụng phụ, tác dụng không mong muốn, hiệu quả sinh kháng thể và hiệu quả diệt virus. Với phương pháp này, đến tháng 9/2021, Việt Nam sẽ có vaccine ngừa COVID-19 tự sản xuất”./.

Thiên Bình/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tin-24h/rut-ngan-toi-da-thoi-gian-san-xuat-vaccine-covid-19-cua-viet-nam-845983.vov