S-300 Syria im lặng: Chờ kẻ thù nguy hiểm nhất

Ưu tiên đối phó với Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, Syria quyết không dùng các hệ thống phòng không S-300 Nga bắn hạ chiến đấu cơ F-35I Adir của Israel.

Không bắn không có nghĩa là không phát hiện được

Tình hình ở Syria từ đầu năm 2020 đến nay đã trở nên trầm trọng hơn, khi Israel liên tục mở hàng loạt cuộc không kích vào những mục tiêu mà nước này cho rằng đó là các căn cứ, kho bãi thuộc về lực lượng vũ trang Iran, đang hoạt động trên lãnh thổ Syria.

Theo một báo cáo gần đây của Cơ quan Thông tấn Ả Rập Syria (SANA), vào lúc 10 giờ 32 phút tối ngày 4 tháng 6, một cuộc tấn công quy mô lớn do Không quân Israel (IAF) thực hiện đã xảy ra tại khu vực Masyaf ở tỉnh Hama, nằm ở phía Bắc Syria.

Mặc dù hệ thống phòng không Syria đã phản ứng kịp thời và bắn hạ nhiều tên lửa bay tới, tuy nhiên một số quả đạn vẫn rơi chính xác vào Trung tâm nghiên cứu và phát triển tên lửa, khiến căn cứ này bị hư hại nghiêm trọng.

Báo chí Trung Quốc cho biết, có thông tin rằng một radar quân sự do nước này sản xuất được triển khai gần biên giới Lebanon đã phát hiện máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 F-35I Adir của Israel tiếp cận biên giới, chỉ vài phút trước khi chúng tấn công Syria.

Các nguồn thông tin cho biết, đây không phải tiêm kích F-16I Sufa mà thực sự là máy bay chiến đấu tàng hình F-35I Adir, tuy nhiên thậm chí khi đã có tất cả dữ liệu cần thiết về mục tiêu, tổ hợp phòng không S-300 của Syria vẫn án binh bất động.

F-35I Adir Israel tiến hành nhiều vụ không kích vào Syria

F-35I Adir Israel tiến hành nhiều vụ không kích vào Syria

Theo một số báo cáo, việc trao đổi dữ liệu giữa các trạm radar cảnh giới và radar hỏa lực của tổ hợp phòng không được thực hiện thông qua tổ hợp thông tin liên lạc tầng đối lưu, hệ thống này cũng đã có mặt trên lãnh thổ Cộng hòa Ả Rập.

Câu hỏi đặt ra lúc này là tại sao hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-300 im lặng? Nó không kịp phản ứng hay còn chờ đợi điều gì?

Nhiêu bình luận từ phía Trung Quốc cho rằng, hệ thống S-300 của Nga chỉ là “hổ giấy”, radar của S-300 không phát hiện được F-35, nên nó không có khả năng tấn công các máy bay chiến đấu tàng hình của Israel.

Tuy nhiên, các phân tích của giới chuyên gia cho rằng, việc phát hiện được F-35 mặc dù là một vấn đề khó nhưng S-300 đủ khả năng làm được, tuy nhiên, bắt chết được máy bay không đồng nghĩa với việc Syria sẽ bắn hạ nó.

Theo giới phân tích, việc S-300 Nga ở Syria im lặng xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó yếu tố chính trị là chủ yếu, chứ không đơn thuần nằm ở tính năng của nó.

Thứ nhất: Thỏa thuận giữa Nga với Israel

Trong cuộc chiến ở Syria vô cùng phức tạp với sự can dự của các cường quốc Mỹ, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga đã trở thành ‘người điều hành chiến tranh’, một mặt giúp chính quyền của ông Assad thu hồi các vùng lãnh thổ của đất nước, mặt khác, Moscow còn điều phối hoạt động của các nước ở Syria, đảm bảo chủ quyền và lợi ích của những người tham gia, kể cả Israel.

Trung Quốc tuyên bố radar cảnh giới do nước này sản xuất đã phát hiện tiêm kích tàng hình F-35I Adir của Israel

Nga và Israel đã có những thỏa thuận về hoạt động của không quân hai bên ở không phận Syria, để đảm bảo sự an toàn trên không cho các chiến đấu cơ. Ngoài ra, Israel cũng cam kết chi tấn công các mục tiêu của Iran chứ không được tấn công vào các mục tiêu của quân đội Syria. Đây có thể là một sự mặc cả để bảo đảm an toàn cho máy bay Israel và là nguyên nhân khiến S-300 im lặng.

Thứ hai: Ưu tiên thu hồi lãnh thổ phía bắc

Trong bối cảnh ở Syria đang hiện diện rất nhiều vị “khách không mời mà đến”, chính quyền của ông Assad đang phải tập trung ưu tiên cho nhiệm vụ thu hồi lại phần lớn tỉnh Aleppo ở phía bắc đang bị Thổ Nhĩ Kỳ “tạm chiếm” hay vùng lãnh thổ đông bắc đang do người Kurd kiểm soát, cùng với tỉnh tây bắc Idlib đang còn nằm trong tay các nhóm phiến quân đối lập và khủng bố al-Qaeda Syria (Hay’at Tahrir al-Sham - HTS).

Nếu Syria bắn rơi máy bay Israel, xung đột quân sự rất dễ bùng phát, mà đây là điều mà Syria không hề mong muốn trong bối cảnh “tứ bề thọ địch”. Do đó, chính quyền Damascus sẽ tiếp tục nhẫn nhịn trước các đòn đánh của Israel, cho đến khi thu hồi được các vùng lãnh thổ phía Bắc đất nước.

Thứ ba: Syria không xâm phạm không phận Lebanon

Máy bay Israel thường phóng phóng tên lửa vào Syria từ ngoài tầm phóng của hệ thống phòng không S-300 Favorite mà Nga mới cấp cho Syria; hơn nữa, các tiêm kích Israel thường lợi dụng không kích vào Syria từ lãnh thổ Lebanon, mà Syria thì không thể tự do bắn tên lửa sang lãnh thổ nước này.

Syria đã từng bắn nhầm chiếc Il-20 do máy bay Israel núp bóng máy bay Nga

Mặc dù bị Tel Aviv ngang nhiên xâm phạm không phận rất nhiều lần, nhưng điều này không có nghĩa là Beirut dễ dàng mở toang không phận cho Damascus. Nếu Syria có xin phép Lebanon chưa chắc đã đồng ý, bởi họ không có hệ thống phòng không nên không thể chống đỡ đòn đánh trả đũa chắc chắn sẽ diễn ra của Israel.

Thứ tư: Israel sử dụng “chiến thuật độc ác”

Không quân Israel thường lợi dụng sự hoạt động của các loại máy bay khác để thực hiện hành động vô cùng nguy hiểm là không kích vào lãnh thổ Syria. Ít nhất đã 3 lần máy bay tiêm kích Israel đã sử dụng vật che chắn là các máy bay lớn hơn, gồm cả máy bay quân sự và máy bay dân dụng của nước khác để thực hiện các vụ không kích.

“Chiến thuật độc ác” náy đã gây ra nguy cơ rất lớn về an ninh hàng không, các sự cố tên lửa bắt nhầm mục tiêu là rất dễ xảy ra, ví dụ rõ nét nhất là vụ tên lửa phòng không Syria bắn rơi chiếc máy bay trinh sát điện tử Il-20 của Nga hồi tháng 9 năm 2019, khi đáp trả vụ tấn công của các máy bay F-16 Israel, núp sau chiếc máy bay quân sự của Nga.

Lời kết: Với những nguyên nhân này, có thể trong thời gian dài nữa, Tel Aviv sẽ tiếp tục các vụ không kích và Damascus cũng vẫn tiếp tục nhẫn nhịn. Họ sẽ tìm mọi cách để giảm thiểu thiệt hại từ các vụ tấn công của Israel và chờ đợi đến khi đủ điều kiện để có thể giáng trả đích đáng vào đòn đánh trộm của người láng giềng xấu tính.

Thiên Nam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/s-300-syria-im-lang-cho-ke-thu-nguy-hiem-nhat-3405496/