S-300 tới Syria: 'phép thử' của Nga hay Israel đã sẵn sàng?

Quan hệ đối tác Nga và Israel tiếp tục đứng trước sóng gió với quyết định của Moscow cung cấp hệ thống tên lửa S-300 cho quân đội Syria.

Vụ việc máy bay Nga Il-20 bị bắn rơi tại Syria khiến toàn bộ 15 quân nhân có mặt trên máy bay bị thiệt mạng, được coi là một phép thử cho quan hệ giữa Moscow và Israel. Giới lãnh đạo Israel hiện đang lo lắng liệu Tổng thống Nga Vladimir Putin có tìm cách hạn chế các hoạt động của quân đội nước này tại Syria hay không.

Theo nhiều nhà phân tích, Nga và Israel sẽ dàn xếp sự kiện trên một cách êm đẹp nhất có thể, mà không gây ảnh hưởng đáng kể tới hành động quân sự của Israel tại Syria. Tuần trước, trong một cuộc không kích của Israel vào thành phố Latakia, máy bay Nga tình cờ bị lực lượng phòng không của Syria nhắm trúng. Giới quốc phòng Nga đã chỉ trích mạnh mẽ Israel sau sự kiện này. Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Soigu gây bất ngờ khi tuyên bố sẽ cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 cho quân đội Syria.

Cho tới thời điểm hiện tại, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vẫn đang nỗ lực tìm kiếm sự “cân bằng”, giữa một mặt, thể hiện sự chia buồn với những mất mát của Nga và nhấn mạnh cam kết hợp tác với Moscow; mặt khác, khẳng định tiếp tục chống lại Iran và Hezbollah tại Syria.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục hành động để ngăn cản Iran mở rộng hiện diện quân sự tại Syria và tiếp tục hợp tác an ninh giữa Lực lượng Quốc phòng Israel và quân đội Nga”, ông Netanyahu phát biểu hôm thứ Ba (25/9).

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, chính phủ ông Netanyahu không có nhiều sự lựa chọn ngoài việc “chịu đựng” cơn giận dữ của Nga và những nguy cơ mà không quân nước này sẽ phải đối mặt sắp tới đây.

Quyết định trang bị hệ thống S-300 cho Syria của Nga đã đặt dấu chấm hết cho nhiều năm phản đối từ phía Israel.

Eran Lerman, cựu Phó giám đốc về chính sách đối ngoại tại Hội đồng An ninh Quốc gia Israel gọi đây là “một vấn đề rất nghiêm trọng”, có thể dẫn tới “tình huống không chấp nhận được nếu nhìn từ lập trường của Israel”.

Mặc dù vậy, ông chỉ ra, các kênh đối thoại “vẫn được mở ra và hoạt động bình thường”.

“Chúng tôi không làm việc vì cùng mục đích, nhưng chúng tôi có lợi ích chung là ngăn ngừa xung đột”, Lerman nói, đồng thời cho biết, vẫn có “những sự thấu hiểu chung” giữa Nga và Israel.

Kể từ năm 2015, hai nước đã thiết lập một đường dây nóng để tránh những vụ đụng độ ngoài dự kiến tại Syria. Trong những năm gần đây, Israel liên tục thực hiện các cuộc tấn công vào các mục tiêu của Iran tại Syria, cũng như những phái đoàn mà Israel cho rằng vận chuyển vũ khí tới Hezbollah. Cả Iran và Hezbollah – hai đối thủ chính của Israel, đều ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Tuy nhiên, đường dây nóng hay còn gọi là “cơ chế chống xung đột”, đã không thể giúp ngăn cản máy bay Il-20 của Nga bị bắn hạ vào ngày 17/9. Các quan chức quốc phòng Nga cáo buộc phi công Israel sử dụng máy bay Nga làm lá chắn và chỉ đưa ra thông báo về cuộc tấn công của mình trước 1 phút.

Trong khi đó, Israel kịch liệt phản đối lời buộc tội của Nga. Trước khi bay tới New York (Mỹ) để tham dự cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp quốc, Thủ tướng Netanyahu có cuộc họp khẩn với Hội đồng an ninh Israel và kết luận, đội ngũ quân sự Israel và Nga sẽ sớm gặp mặt để thắt chặt hợp tác.

Hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 do Nga sản xuất

Israel đã chuẩn bị để đối phó với S-300?

Theo một số nhà phân tích, đối với Israel, việc chấp nhận bị hạn chế hành động trước Iran và Hezbollah tại Syria – có quá nhiều nguy cơ.

Kevrok Almassian, người sáng lập trang web Syrianan Analysis (chuyên đăng tải các bài phân tích về tình hình Syria) cho rằng, trong trường hợp Syria sở hữu S-300, Israel sẽ không thể không kích Syria từ những địa điểm gần như Lebanon, hay ngay bên ngoài bờ biển Syria – nơi các phi cơ chiến đấu Israel không nằm trong tầm ngắm của hệ thống phòng không trước đây của Syria. “Nếu S-300 được lắp đặt tại Latakia”, ông Almassian dự đoán, “Israel sẽ phải chuyển sang tấn công từ Cyprus hoặc từ địa điểm cách Syria chừng 200km, và điều này sẽ khiến họ gặp nhiều khó khăn hơn”.

Ông cũng nói thêm: “Đó là lý do tại sao tôi tin rằng, người Israel sẽ bắt đầu đưa vào vận hành các máy bay tối tân như F-35, vốn sở hữu nhiều năng lực hơn so với thế hệ máy bay F-15 đang trở nên lạc hậu mà quân đội nước này đang sử dụng”. Các phi công của Israel được cho là đã trải qua huấn luyện để đối phó với các tên lửa S-300.

Về phần Nga, ông Lerman đánh giá, Moscow không muốn tình huống căng thẳng tiếp tục bị leo thang. Tuy nhiên, Nga sẽ sử dụng sự kiện 17/9 như một “quân bài mặc cả trong một trò chơi lớn hơn, nơi họ đang đối mặt với Mỹ và cộng đồng quốc tế”.

Tương tự, chuyên gia người Nga Vladimir Sotnikov cũng không tin rằng, quan hệ Nga – Israel sẽ có “bước lùi” lớn. “Mối quan duy nhất của Nga bây giờ là đạt được một dàn xếp trong cuộc xung đột Syria”, ông Sotnikov nhấn mạnh. “Israel là một đối tác rất quan trọng của Moscow. Đó là một đồng minh của Mỹ, quốc gia mà Nga đang muốn tái khởi động đối thoại”.

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/s300-toi-syria-phep-thu-cua-nga-hay-israel-da-san-sang-366693.html