S-400 chứng minh có thể diệt tên lửa ICBM

Theo truyền thông Nga, việc S-400 đánh chặn thành công mục tiêu là tên lửa Jericho của Israel đã chứng minh khả năng đánh chặn ICBM của tên lửa Nga.

Quả tên lửa được xác định là Jericho do Israel phóng từ bờ Biển Địa Trung Hải (không rõ thời gian cụ thể) hướng về phía Syria đã trở thành mục tiêu đánh chặn của hệ thống S-400 trong lần đầu khai hỏa kể từ khi được Nga triển khai tại Syria.

Hiện không rõ số lượng đạn tên lửa đánh chặn được S-400 phóng đi và loại đạn cụ thể nhưng hệ thống phòng thủ Nga đã kịp thời phát hiện Jericho từ khoảng cách khoảng 400km và kịp thời khai hỏa đánh chặn.

Hiện Nga và Israel vẫn chưa có tuyên bố chính thức nào về vụ đánh chặn. Nhưng nếu được Moscow xác nhận thì điều này cũng đồng nghĩa với việc S-400 đã chứng minh khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của mình.

Hệ thống S-400 khai hỏa.

Hệ thống S-400 khai hỏa.

Bởi theo thông tin được tiết lộ, Jericho bị bắn hạ thuộc phiên bản Jericho III - dòng tên lửa sở hữu những tính năng tương đương tên lửa ICBM. Tên lửa này có chiều dài thân khoảng 15,5-16m, đường kính thân đạt 1,56m và nặng khoảng 29 tấn. Có thể giống như tên lửa đẩy mang vệ tinh Shavit, cung cấp động lực chính cho Jericho III là tầng đẩy đầu tiên, các tầng còn lại chủ yếu giúp tên lửa cơ động và đạt độ cao cần thiết để giải phóng đầu đạn.

Với tỷ lệ tương quan giữa trọng lượng và hình dáng, Jericho III có tầm bắn đạt từ 4.800km tới 9.500km tùy thuộc vào khối lượng đầu đạn mang theo. Nhiều chuyên gia nhận định, ICBM của Israel như truyền thống sẽ dùng hệ thống dẫn đường quán tính kết hợp với hiệu chính pha giữa, nhưng do không có thông tin cụ thể nên CEP của ICBM này không được xác định.

Từ năm 2008 tới nay đã có 4 vụ phóng thử ICBM Jericho III được ghi nhận vào tháng 1 và 2/2008, một vụ trong năm 2011 và gần đây nhất là đầu năm 2013. Và nếu thông tin Jericho III vừa tiếp tục phóng được xác nhận thì Israel đã thêm một lần phóng Jericho III.

Để có được khả năng phát hiện và đánh chặn tên lửa đạn đạo, S-400 được trang bị cực tối tân với nhiều loại radar và đạn tên lửa đánh chặn khác nhau. Trong đó có đài radar đa chế độ 92N6E, phiên bản nâng cấp từ 30N6E2 dùng trên S-300, với chất lượng và tầm quan sát được cải thiện đáng kể.

92N6E có nhiệm vụ theo dõi mục tiêu, phân loại các mục tiêu, tính toán tên lửa cần phải phóng và hướng dẫn cho tên lửa định vị mục tiêu. Ngoài ra, S-400 cũng sử dụng radar tiếp nhận 96L6 với tầm quét 300 km. Một hệ thống radar khác được tích hợp là radar mảng pha 3 chiều 91N6E, phiên bản nâng cấp từ 64N6E2.

Một số loại khác có thể được sử dụng trên S-400 là radar băng tần L 59N6 Protivnik GE và 67N6 Gamma DE, radar tần số rất cao (VHF) 1L119 Nebo SVU, hoặc radar đa tần Nebo M. Người ta hiện đang thử nghiệm các hệ thống định vị phát xạ Topaz Kolchuga M, KRTP-91 Tamara, và 85V6 Orion với nhiệm vụ tìm bắt các mục tiêu đã qua mặt hệ thống radar tiếp nhận hoặc khi bị đối phương gây nhiễu.

Với hàng loạt hệ thống radar được trang bi và có thể hỗ trợ cho S-400 như vậy, việc phát hiện được vụ phóng tên lửa ICBM không phải là chuyện khó khăn với hệ thống. Vấn đề là không rõ trong vụ phóng đạn đánh chặn Jericho III vừa qua, tổ hợp S-400 đã sử dụng loại đạn tên lửa nào.

Ngọc Hòa

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/s-400-chung-minh-co-the-diet-ten-lua-icbm-3392972/