S-400 của Nga 'bắn phá' mối quan hệ giữa Mỹ với đồng minh

Thổ Nhĩ Kỳ đã lên án quyết định của Mỹ trong việc loại bỏ họ ra khỏi chương trình chiến đấu cơ F-35 để đáp trả việc Ankara mua các tên lửa phòng không S-400 của Nga. Thổ Nhĩ Kỳ coi đó là một sai lầm có thể gây tổn thương lâu dài cho mối quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ.

 Tên lửa S-400

Tên lửa S-400

“Bước đi đơn phương này không thích hợp với tinh thần của liên minh và không có bất kỳ lý lẽ hợp pháp nào”, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết trong một tuyên bố chứa đựng nhiều lời lẽ mạnh mẽ nhằm vào đồng minh Mỹ. Tuyên bố này được phát đi ngày hôm qua (17/7) ngay sau khi Nhà Trắng thông báo chính thức loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ năm.

“Chúng tôi kêu gọi Mỹ quay đầu trở lại, không mắc sai lầm có thể gây ra những vết thương không thể hàn gắn trong mối quan hệ chiến lược của chúng ta”, tuyên bố của Ankara nhấn mạnh.

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng bác bỏ lập luận của Mỹ cho rằng tổ hợp phòng không S-400 mà Ankara mua của Nga sẽ gây phương hại đến chiến đấu cơ F-35 và an ninh của NATO.

Mọi nỗ lực của Ankara nhằm tiếp xúc với Washington để giải quyết vấn đề S-400 một cách hài hòa đều bị Mỹ phớt lờ và Washington không đếm xỉa gì đến đề nghị thành lập một nhóm làm việc trong NATO để tháo gỡ tình hình, phía Ankara nói.

Thực tế việc Mỹ không sẵn sàng đàm phán “là chỉ dấu rõ ràng nhất cho thấy sự định kiến của phía Mỹ cũng như việc Mỹ thiếu ý chí để giải quyết vấn đề một cách thiện chiến.”

Sau nhiều lần đe dọa loại bỏ Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình F-35 nếu nước này theo đuổi hợp đồng mua các tên lửa S-400 của Nga, Washington cuối cùng đã thẳng thừng ra tay với đồng minh với lý do F-35 không thể tồn tại song hành với S-400.

Động thái của Mỹ đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ có phần ngỡ ngàng bởi chính quyền của Tổng thống Erdogan vẫn hy vọng vào một lập trường hòa dịu của Washington trong vấn đề này. Ông Erdogan nhiều lần phát biểu rằng, Tổng thống Trump đã ám chỉ không tung ra các đòn trừng phạt nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ vì hợp đồng S-400 bởi điều đó là “bất công”.

Thổ Nhĩ Kỳ năm 2017 đã ký hợp đồng mua các hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-400 của Nga sau tiến trình đàm phán kéo dài. Kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc mua các tên lửa S-400 của Nga đã nhanh chóng vấp phải sự chỉ trích gay gắt và phản đối quyết liệt từ các đồng minh NATO, đặc biệt là Mỹ. Mỹ liên tục đe dọa sẽ tung ra các biện pháp trừng phạt, thậm chí còn cảnh báo sẽ không cho Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào chương trình F-35, nếu đồng minh của họ tiếp tục theo đuổi kế hoạch mua S-400 của Nga. Giới chức Mỹ và NATO không ngừng nói đến những nguy cơ gây ra từ việc Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400. Phương Tây tin rằng, hệ thống S-400 không tương thích với mạng lưới phòng thủ của NATO và S-400 của Nga có thể gây nguy hiểm đối với chiến đấu cơ tàng hình thế hệ mới F-35 của họ.

Sau những lời cảnh báo, đe dọa, Mỹ thậm chí còn xuống nước đề nghị bán các tên lửa Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ để thay thế S-400 của Nga.

Tuy nhiên, bất chấp mọi lời cảnh báo, đe dọa và cả lời đề nghị Patriot hấp dẫn của Mỹ, Ankara vẫn quyết tâm theo đuổi đến cùng hợp đồng mua các hệ thống phòng không S-400 của Nga.

S-400 Triumph là thế hệ tên lửa chiến thuật hiện đại nhất của Nga và cũng là một trong những loại tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại nhất thế giới hiện nay. Nó là thứ vũ khí phòng không được rất nhiều nước thèm muốn. S-400 được phát triển và cải tiến từ hệ thống tên lửa phòng không S-200 và S-300. NATO gọi S-400 của Nga bằng cái tên SA-21 Growler.

S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao từ 5m đến 27km trong phạm vi 400km. Những mục tiêu mà tên lửa S-400 có thể tiêu diệt là các thiết bị bay, tên lửa có cánh kích thước nhỏ và tên lửa hỏa tiễn có tầm hoạt động không quá 3.500km và tốc độ bay tối đa 4,8 km/s. S-400 Triumph có thể tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, trong môi trường có nhiễu cường độ mạnh và chế áp điện tử cao.

Kiệt Linh (tổng hợp)

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/quan-su/201907/s-400-cua-nga-ban-pha-moi-quan-he-giua-my-voi-dong-minh-637028/