S-400 của Nga trên đất Thổ Nhĩ Kỳ

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 19/11 khẳng định Ankara sẽ không từ bỏ thương vụ mua tên lửa S-400 của Nga có nghĩa là S-400 sẽ có mặt trên đất nước này.

Hệ thống tên lửa phòng không S-400.

Hệ thống tên lửa phòng không S-400.

Không từ bỏ

Hãng thông tấn RT của Nga dẫn lời nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cho hay nếu lập trường của Mỹ trong chương trình chiến đấu cơ tàng hình F-35 vẫn không thay đổi, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tìm kiếm phương án phòng thủ thay thế chứ không bao giờ từ bỏ thương vụ hệ thống phòng không tối tân S-400 với Nga.

Trước đó, ông Donald Trump tuyên bố đội ngũ an ninh quốc gia hai nước sẽ bắt đầu hợp tác tìm kiếm giải pháp cho việc Ankara mua các hệ thống S-400 của Nga cùng như tác động của S-400 có thể gây ra đối với máy bay F-35 do Mỹ sản xuất.

Trước đó, hôm 14/11, phát biểu với các phóng viên trên chuyến bay về nước sau cuộc gặp với ông chủ Nhà Trắng, Tổng thống Erdogan cho biết phía Thổ Nhĩ Kỳ đã nói rõ có thể mua các hệ thống Patriot của Mỹ, song cho rằng việc yêu cầu Ankara bỏ hoàn toàn các hệ thống S-400 là can thiệp vào các quyền chủ quyền của Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Erdogan nhấn mạnh ông “muốn cả Mỹ và Nga đều là bạn”, và tất cả nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ hướng tới điều này. Cũng theo nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Trump đã tham gia “các nỗ lực chân thành” để giải quyết những tranh cãi giữa 2 nước đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Giải thích lý do muốn mua cả hai hệ thống trên, ông Erdogan khẳng định việc đa dạng hóa các hệ thống phòng thủ là cần thiết.

Mỹ không muốn bán vũ khí của mình và yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ việc mua S-400 của Nga, nhưng giờ đây họ đang làm điều này, bởi họ lo ngại rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ xích lại gần hơn với Nga - chuyên gia nhận định. Theo thỏa thuận với Mỹ, ông Erdogan chỉ đồng ý không tích hợp S-400 vào lực lượng vũ trang của quốc gia này.

Tuy nhiên, chúng vẫn sẽ ở lại trong các kho quân sự, nơi chúng sẵn sàng được sử dụng nếu có chuyện gì xảy ra. Người Mỹ rất không hài lòng với tình trạng như vậy, nhưng họ không còn cách nào khác.

Theo giới phân tích, mặc dù việc mua Patriot trông có vẻ như là một sự nhượng bộ đối với người Mỹ, nhưng trên thực tế, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đang chiến thắng trên tất cả các mặt trận. Việc mua các hệ thống phòng không của Mỹ sẽ không chỉ mua cho có - mà chúng vẫn có đất để sử dụng, tuy nhiên, S-400 mới đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì nền tảng Hiến pháp của Nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ.

Bất chấp đòn cấm vận

Nga đã hoàn thành chuyển giao lô hệ thống phòng không S-400 đầu tiên cho Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối tháng Bảy năm nay theo bản hợp đồng được hai bên ký kết vào năm 2017, bất chấp Mỹ yêu cầu Ankara từ bỏ thương vụ mua S-400.

Hoạt động chuyển giao lô S-400 thứ hai đã kết thúc vào cuối tháng Chín. Thậm chí, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu cho biết, ông không loại trừ khả năng Ankara sẽ còn đặt mua thêm tổ hợp S-400 của Nga nếu như cần thiết.

Trước khi khởi hành tới Washington để gặp Tổng thống Trump, ông Erdogan còn ra tuyên bố về khả năng Ankara sẽ mua các chiến đấu cơ Sukhoi do Nga sản xuất thay vì tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ.

Sau cuộc gặp với ông Trump vào ngày 13/11, Tổng thống Erdogan cho hay, thái độ của nhà lãnh đạo Mỹ liên quan tới chương trình F-35 là “khá tích cực”. Song liên quan tới thương vụ mua S-400, ông Erdogan không nói cụ thể.

Mỹ nhiều lần lên tiếng đe dọa áp đặt lệnh trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới thương vụ mua S-400 chiểu theo Đạo luật Chống lại các đối thủ của Mỹ bằng lệnh trừng phạt (CAATSA).

Do Thổ Nhĩ Kỳ nhất quyết không từ bỏ thương vụ mua S-400 của Nga, Nhà Trắng đã ra tuyên bố tạm thời loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình sản xuất tiêm kích F-35, cũng như dừng chuyển giao các tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 này cho Ankara.

Khánh Duy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tin-tuc/s-400-cua-nga-tren-dat-tho-nhi-ky-tintuc452797