S-400 đáng sợ hơn cả 'ác mộng': Mỹ phải 'vùi dập' ngay vũ khí Nga giữa ranh giới 'sinh tử'?

Không đơn giản chỉ là có nguy cơ bắn hạ tiêm kích tàng hình F-35, hệ thống phòng không S-400 còn mang đến những nguy cơ 'chết người' hơn đối với Mỹ.

S-400 có thể tổn hại đến lợi ích Mỹ hơn cả những gì nước này tưởng tượng.

S-400 có thể tổn hại đến lợi ích Mỹ hơn cả những gì nước này tưởng tượng.

Khi thảo luận về sự lợi hại của các vũ khí phòng không, người ta thường nhắc đến các thiết bị đến từ Nga đang trở nên nổi tiếng trong những năm gần đây, đặc biệt là S-300 và S-400.

Việc triển khai các hệ thống này ở Syria đã làm giảm đi khả năng của các lực lượng không quân tiên tiến như Mỹ và Israel trong việc thực hiện các cuộc tấn công ở quốc gia Trung Đông, đồng thời khiến các máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư hoặc thứ năm của các nước này có nguy cơ bị bắn hạ cao hơn, theo Strategic Culture.

Cây bút bình luận Federico Pieraccini cho rằng, các hệ thống phòng không có khả năng hạ gục máy bay thế hệ thứ năm sẽ làm tổn hại đến hoạt động bán vũ khí của quân đội Mỹ, đồng thời thúc đẩy hơn nữa sự khao khát của các nước đối với vũ khí của Nga.

Như các phân tích trước đây, điện ảnh Hollywood có vai trò rất lớn trong việc tuyên truyền hình ảnh vũ khí quân sự của Mỹ là không thể đánh bại. Đây được coi là trọng tâm chiến lược của Washington về cách thể hiện sức mạnh với kẻ thù và các đồng minh.

Khi các cuộc đụng độ tại các điểm nóng toàn cầu như Trung Đông gia tăng, khả năng quảng bá của Hollywood sẽ dễ dàng thuyết phục thế giới về hiệu quả và sự vượt trội của các hệ thống vũ khí Mỹ, mặc dù nó vẫn còn nhiều vấn đề thiếu sót.

Hiện tại, Mỹ đang phải đối mặt với một tình huống mà họ đã chưa từng trải qua trong hơn 50 năm qua. Đó là không thể giành được ưu thế trên không vốn được coi là sở trường của mình.

Bất kể sự đe dọa hiện hữu nào đến từ hệ thống phòng không cũng đồng nghĩa với việc Mỹ đã bị vô hiệu hóa một phần sức mạnh.

Có hai ví dụ điển hình đã xảy ra ở Syria vào năm 2018, khi các tên lửa thế hệ mới nhất của Mỹ đã bị chặn lại và bắn hạ bởi các hệ thống của Nga và Syria đã ra đời hàng thập kỷ.

Mặc dù hệ thống S-400 chưa bao giờ được sử dụng ở Syria, nhưng đáng chú ý là các hệ thống S-125 của Serbia đã thành công trong việc xác định và bắn hạ một máy bay tàng hình F-117 của Mỹ trong cuộc chiến ở Balkan.

Theo cây bút Pieraccini, có một khía cạnh bí mật hơn của S-400 mà ít được tiết lộ ngay cả trong chính nước Nga. Đó là thứ mà người Mỹ hay nói đến gần đây: Khả năng thu thập dữ liệu của S-400 thông qua các hệ thống radar.

Điều này đã được phát ngôn viên bộ Quốc phòng Mỹ Eric Pahon cảnh báo trong kế hoạch mua S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ:

“Chúng tôi đã làm rõ quan điểm rằng, mua S-400 sẽ tạo ra rủi ro không thể chấp nhận được, vì radar của hệ thống có thể cung cấp thông tin nhạy cảm cho quân đội Nga về F-35. Vấn đề này không thể bị coi thường. S-400 là một hệ thống được chế tạo ở Nga để bắn hạ máy bay như F-35”.

Chắc chắn, trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang, khả năng bắn hạ máy bay thế hệ thứ năm của S-400 là mối lo ngại lớn đối với Mỹ và các đồng minh đã đầu tư rất nhiều vào loại máy bay như vậy.

Tương tự, một quốc gia NATO mà lại thích các hệ thống Nga hơn so với Mỹ cũng là điều đáng báo động. Có một thực tế đó là, S-400 đang lan rộng khắp thế giới, từ Trung Quốc đến Belarus, với hàng chục quốc gia đang chờ đợi khả năng phong tỏa bầu trời của mình khỏi những mối nguy hại bên ngoài.

Dự án F-35 của Mỹ có thể trở nên vô nghĩa vì S-400.

Đó là một khả năng răn đe tuyệt vời đối với một nước Mỹ thường xuyên bị cáo buộc đứng ngoài “rình mò” gây chiến với nước khác.

Nhưng những lo ngại nói trên không là gì khi so sánh với mối đe dọa nghiêm trọng nhất mà S-400 đặt ra cho ngành công nghiệp vũ khí của Mỹ, cụ thể là khả năng thu thập dữ liệu đối với các hệ thống tàng hình của nước này.

Về mặt lý thuyết, lợi thế cuối cùng mà Mỹ đang duy trì so với các đối thủ của mình là công nghệ tàng hình. Hiệu quả của tàng hình đã được tranh luận trong một thời gian dài, do chi phí của chúng có thể vượt quá mục đích ban đầu đặt ra.

Tuy nhiên, với sự lo ngại nghiêm trọng Mỹ đang thể hiện đối với S-400, nó đã cho thấy Moscow dường như có khả năng phát hiện các hệ thống tàng hình của Mỹ bằng cách kết hợp radar của S-400 với các vũ khí khác trên không – điều có thể đã xảy ra ở Syria (mặc dù Washington đã bác bỏ).

Khả năng S-400 thu thập dữ liệu trên cả F-35 và F-22 – biểu tượng của tổ hợp công nghiệp quân sự Mỹ - là nguyên nhân gây ra những đêm mất ngủ cho các nhà hoạch định quân sự nước này.

Điều đặc biệt khiến họ gặp ác mộng đó là - để S-400 hoạt động ở Thổ Nhĩ Kỳ - hệ thống phòng không Nga sẽ phải được tích hợp vào hệ thống nhận dạng địch/ta (IFF), một phần trong mạng lưới liên kết dữ liệu chiến thuật quân sự của NATO, còn được gọi là Link 16.

Hệ thống này sẽ cần được cài đặt trên S-400 để tích hợp nó vào mạng phòng thủ của Thổ Nhĩ Kỳ, có khả năng truyền thông tin dành riêng cho người Nga, giúp tăng khả năng hoạt động chính xác của S-400.

Rủi ro cuối cùng là nếu Thổ Nhĩ Kỳ để F-35 bay gần S-400, hệ thống Link 16 sẽ tiết lộ nhiều thông tin thời gian thực về hệ thống tàng hình của Mỹ. Theo thời gian, Moscow sẽ có thể lập nên hồ sơ tàng hình của hai mẫu máy bay F-35 và F-22, từ đó khiến kế hoạch chi 1,16 nghìn tỷ USD để sản xuất 3.000 chiếc F-35 của Mỹ trở nên vô nghĩa.

Trong thời đại công nghệ hiện tại, một khi đã xác định được dạng sóng radar của F-35, Nga hoàn toàn có thể tiến hành đánh lừa đối phương bằng cách tái tạo lại các tín hiệu giả, mô phỏng F-35 nhằm che giấu máy bay của mình, khiến cho hệ thống nhận dạng địch/ta không thể nào phân biệt nổi.

Cây bút Pieraccini cũng đặc biệt lưu ý về sự hợp tác tích cực giữa Trung Quốc và Nga đối với hệ thống phòng không. S-400 nói riêng đã hoạt động ở Trung Quốc trong vài năm nay và rất có thể hai nước sẽ có sự chia sẻ thông tin tích cực về công nghệ tàng hình.

Hóa ra S-400 là một hệ thống vũ khí nhiều mục đích “chết người” hơn so với tưởng tượng trước đây của Mỹ. Do đó, sẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi những tổ hợp S-400 xuất hiện ở Cuba và Venezuela, những lời tuyên bố hiếu chiến của Washington đối với hai quốc gia này sẽ dừng lại đột ngột.

Nhưng điều mà các nhà hoạch định quân sự Mỹ lo sợ hơn đối với S-400 khi đối đầu với F-35 và F-22, đó là làm dấy lên những nghi ngờ về khả năng của các máy bay này và đánh mất niềm tin nơi đồng minh, cũng như những người mua tiềm năng.

Sự thiếu tự tin này sẽ giáng một đòn chí tử vào ngành công nghiệp vũ khí Mỹ, một mối đe dọa thực sự và tàn phá đối với nước này nhiều hơn là nguy cơ xung đột với Moscow hay Bắc Kinh.

Mạnh Kiên

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/s-400-dang-so-hon-ca-ac-mong-my-phai-dap-tat-ngay-vu-khi-nga-giua-ranh-gioi-sinh-tu-a438224.html