S project với kế hoạch giáo dục giới tính cho trẻ em

Trước vấn nạn xâm hại tình dục đang ngày càng gia tăng, nhiều bậc phụ huynh lo lắng phải bảo vệ con cái như thế nào. Hiểu được những băn khoăn đó, cô gái Nguyễn Thị Song Trà (23 tuổi, tốt nghiệp khoa Thông tin đối ngoại Học viện báo chí và tuyên truyền) đã lập dự án tình nguyện về giáo dục giới tính cho trẻ em mang tên S Project.

Trước vấn nạn xâm hại tình dục đang ngày càng gia tăng, nhiều bậc phụ huynh lo lắng phải bảo vệ con cái như thế nào. Hiểu được những băn khoăn đó, cô gái Nguyễn Thị Song Trà (23 tuổi, tốt nghiệp khoa Thông tin đối ngoại Học viện báo chí và tuyên truyền) đã lập dự án tình nguyện về giáo dục giới tính cho trẻ em mang tên S Project.

Một buổi dạy của S Project tại Trung tâm bảo trợ trẻ em đường phố.

Dự án S project ra đời từ câu hỏi ngây ngô "Em được sinh ra từ đâu?" của một cô bé dành cho Song Trà. "Lúc đó, mình chỉ có thể trả lời một cách thờ ơ với bạn ấy dựa trên những điều mà mình được mẹ dạy. Mãi đến tháng 7-2015, sau khi tìm hiểu ra một khối kiến thức "khổng lồ" về giáo dục giới tính, cũng như thấy được sự cần thiết trong việc mang những hiểu biết này tới cho các bạn nhỏ, mình đã bắt tay vào việc triển khai Dự án Giáo dục giới tính cho trẻ S Project", Trà kể.

S Project được thành lập dưới sự bảo trợ của Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP). Nhân lực chủ chốt của S Project phần lớn đều là sinh viên và đến nay đã có hơn 50 thành viên ở cả 3 TP lớn nhất cả nước là Hà Nội, Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Từ những ngày đầu mới thành lập, Trà và các bạn đã có những kế hoạch trong việc xây dựng bài giảng, các hoạt động phù hợp với các em nhỏ. "Ngoài việc tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu, chúng tớ còn tham khảo thêm ý kiến từ cố vấn và các chuyên gia tâm lý nhằm đảm bảo hiệu quả của hoạt động", Trà cho biết.

Đi đến nhiều vùng miền, đến với các em học sinh tiểu học, THCS, S-project nhận thấy dù ở thành thị hay nông thôn thì kiến thức về giới tính của các em học sinh vẫn rất mơ hồ. Ban đầu, dự án hướng đến giáo dục trực tiếp cho trẻ em từ 6-15 tuổi, lứa tuổi có nhiều sự tò mò về giới tính nhất nhưng lại khó có khả năng nhận thức hay tự bảo vệ bản thân trước những nguy cơ bị xâm hại tình dục.

Tại Đà Nẵng sau khi tuyển các tình nguyện viện tham gia dự án vào cuối năm 2018, Trà cùng các cố vấn có những buổi đào tạo, trang bị các kiến thức cần có để các thành viên có thể trực tiếp giảng dạy cho các em tại thành phố của mình. Có mặt tại buổi dạy ở Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố, Gia đình số 3 tại quận Sơn Trà của S Project, tuy không khí buổi học ban đầu có phần e ngại với những câu hỏi về cơ thể nhưng đã dần sôi động hơn khi được đan xen các câu hỏi tình huống mà các bạn nhỏ là người trực tiếp tham gia trả lời. Em Nguyễn Thị Yến Nhi (14 tuổi) chia sẻ: "Các bài học anh chị đưa ra dễ hiểu và rất bổ ích, nhiều tình huống rất thực tế nhưng em và các bạn đều lúng túng không biết cách phải giải quyết như thế nào để bảo vệ bản thân. Sau buổi học này em có thêm những kỹ năng để vận dụng khi cần thiết".

Không chỉ thu hẹp trong những buổi nói chuyện tại trường học, các thành viên sáng lập S Project còn hướng đến các hoạt động trò chơi và các buổi thảo luận nhóm, sử dụng các kỹ năng tranh biện, thuyết trình, diễn kịch để thu hút các bạn nhỏ. Trước đó, dự án cũng đã có một buổi chia sẻ khác tại Làng trẻ em SOS Đà Nẵng và sắp tới sẽ triển khai nhiều hoạt động hơn nữa để ngày càng nhân rộng kỹ năng đến nhiều trẻ em.

Trước vô vàn những câu hỏi tò mò của trẻ không ít cha mẹ lúng túng trong việc giải đáp thắc mắc, chính vì vậy, S-project còn tổ chức những ngày hội giáo dục giới tính dành cho cả phụ huynh. Việc đưa kiến thức đến bố mẹ nhằm tăng sự gắn kết, xóa bỏ mọi rào cản của trẻ em với bố mẹ, thầy cô, từ đó người lớn có thể trao đổi cách giáo dục giới tính cho các em một cách hiệu quả. Song Trà nhìn nhận: "Ở các nước Mỹ, Anh,... cha mẹ không ngần ngại giáo dục giới tính cho con từ khi còn rất nhỏ, chia sẻ và trò chuyện với con một cách thẳng thắn. Theo mình, để có thể thoải mái trao đổi các kiến thức giới tính với con, trước hết các bậc phụ huynh nên là những người bạn đồng hành với con trẻ. Phụ huynh nên tìm hiểu và quan sát con trẻ để kịp thời có phương pháp phù hợp".

Mới đây, S Project đã ra mắt Bộ quy tắc ứng xử an toàn dành cho trẻ em giúp phòng chống xâm hại tình dục. Trang web chính thức của dự án (sproject.org) có các chuyên mục để mỗi cá nhân, gia đình các trẻ em cùng lên tiếng, bảo vệ chính con em mình và các trẻ em khác.

Diệu Huyền

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/137_212304_s-project-voi-ke-hoach-giao-duc-gioi-tinh-cho-tre-em.aspx