Sà lan trôi dạt trên biển: Ai có quyền sở hữu?

Cơ quan chức năng nhận bàn giao sà lan trôi nổi trên biển do ngư dân lai dắt vào bờ, sau đó đem bán đấu giá. Nhóm ngư dân không đồng ý nên quyết định khiếu nại rồi sau đó khởi kiện.

Trong lúc đánh bắt trên biển, ông Phan Bá Tầm (47 tuổi, ngụ thôn Đông Tuần, xã Tam Giang, huyện Núi Thành, Quảng Nam) và 10 ngư dân trên tàu phát hiện một sà lan trôi dạt trên biển.

Ngư dân cho rằng sà lan thuộc về mình

Ông Tầm cho biết ngày 26-4-2020, khi ông và các ngư dân phát hiện sà lan trôi dạt trên Biển Đông đã cho tàu chạy lại gần để kiểm tra thì không thấy có người và không xác định được chủ sở hữu sà lan này. Ông gọi điện thoại về cho vợ nhờ thông báo cho cơ quan chức năng. Sau đó, ông Tầm cùng các ngư dân bỏ dở chuyến biển, lai dắt chiếc sà lan vào bờ.

Chiếc sà lan do ông Tầm và 10 ngư dân phát hiện, lai dắt vào bờ nằm ở cảng Kỳ Hà. Ảnh: THANH NHẬT

Chiếc sà lan do ông Tầm và 10 ngư dân phát hiện, lai dắt vào bờ nằm ở cảng Kỳ Hà. Ảnh: THANH NHẬT

Ngày 30-4-2020, Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà lập biên bản kiểm tra, biên bản bàn giao phương tiện. Từ đó về sau, ông Tầm không nhận được thông báo của cơ quan chức năng.

Tháng 7-2021, ông Tầm bất ngờ biết được thông tin Công ty Đấu giá hợp danh Miền Trung ban hành quy chế đấu giá chiếc sà lan này của Cảng vụ hàng hải Quảng Nam.

Cho rằng điều này bất thường, ông Tầm làm đơn gửi cơ quan chức năng khiếu nại việc bán đấu giá chiếc sà lan.

“Sau thời gian thông báo tìm chủ sở hữu nhưng không ai đến nhận, không xác định được ai là chủ sở hữu thì tài sản đó thuộc về người phát hiện. Không hiểu sao các cơ quan chức năng lại mang tài sản này bán đấu giá?” - ông Tầm thắc mắc.

UBND tỉnh xác lập quyền sở hữu toàn dân

Giải quyết khiếu nại lần một, Cảng vụ hàng hải Quảng Nam cho rằng đơn vị đã thông báo theo thủ tục nhưng không tìm được chủ sở hữu. Do đó, Cảng vụ hàng hải Quảng Nam đã lập thủ tục xử lý phương tiện.

Đồng thời, quyết định giải quyết khiếu nại còn dẫn chứng quy định tại khoản 1 Điều 26 Nghị định 05/2017: “Đối với tài sản chìm đắm không xác định được chủ sở hữu thì số tiền thu được từ việc bán tài sản chìm đắm được sử dụng để thanh toán các khoản chi quy định tại Điều 23 của nghị định này…”.

Từ đó, quyết định không chấp nhận khiếu nại việc xác lập quyền sở hữu tài sản của ông Tầm. Không đồng tình, ông Tầm tiếp tục khiếu nại.

Tại quyết định giải quyết khiếu nại lần hai, UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng việc xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản không xác định được chủ sở hữu (sà lan - PV) thực hiện theo khoản 2 Điều 106 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và điểm c khoản 2 Điều 3 Nghị định 29/2018.

“Việc ông Phạm Ngọc Viễn (người đại diện theo ủy quyền của ông Tầm - PV) viện dẫn BLDS năm 2015 để đề nghị xác lập quyền sở hữu cho ông Tầm và các cá nhân thực hiện việc lai dắt sà lan là chưa đúng theo quy định pháp luật” - quyết định nêu.

Sau hai lần khiếu nại, ông Tầm cho rằng việc giải quyết khiếu nại của Cảng vụ hàng hải Quảng Nam và UBND tỉnh Quảng Nam chưa thỏa đáng, không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho ông nên ông tiếp tục làm đơn khởi kiện, yêu cầu TAND tỉnh Quảng Nam hủy các quyết định giải quyết khiếu nại của hai cơ quan trên. Mới đây, TAND tỉnh Quảng Nam đã có thông báo thụ lý vụ án hành chính.

Bên cạnh đó, do chưa giải quyết xong các thủ tục, chiếc sà lan đang nằm ở vùng nước thuộc cảng Kỳ Hà (Quảng Nam). Theo ghi nhận của PV, chiếc sà lan nằm sát bờ, đang trong quá trình hoen gỉ, ngập nước trong các khoang chứa.

Chờ phán quyết của tòa án

Ông Trương Hoàn Lạc, Giám đốc Cảng vụ hàng hải Quảng Nam, cho biết đơn vị đã cung cấp các hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của TAND tỉnh và chờ triệu tập giải quyết vụ việc.

“Mọi thứ căn cứ theo quy định pháp luật. Cảng vụ hàng hải là cơ sở giải quyết khiếu nại lần một, UBND tỉnh giải quyết khiếu nại lần hai nhưng ông Tầm không đồng ý, kiện ra tòa. Hiện tòa đã thụ lý, đơn vị cũng đã cung cấp hồ sơ liên quan. Khi tòa tuyên thắng - thua thế nào, các bên sẽ thực hiện theo bản án của tòa” - ông Lạc nói.

Theo ông Lạc, việc hỗ trợ cho ông Tầm được thực hiện theo quy định pháp luật chứ không phải không hỗ trợ. Mức hỗ trợ (phần trăm) đã được quy định sẵn, cơ quan quản lý, chính quyền địa phương căn cứ để giải quyết. Tuy nhiên, ông Tầm không đồng ý, khởi kiện ra tòa thì phải chờ phán quyết của tòa.

Xác định quyền sở hữu ra sao?

Nêu quan điểm về vụ việc trên, ThS Huỳnh Thị Nam Hải, giảng viên Khoa luật Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết: Hiện nay, việc xác lập quyền sở hữu đối với tài sản bị chìm đắm được quy định tại nhiều văn bản như BLDS năm 2015; Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2015; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017; Nghị định 05/2017, Nghị định 29/2018 của Chính phủ.

Trong đó, Điều 276 Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2015 quy định: Tài sản chìm đắm được hiểu là thuyền, hàng hóa hoặc vật thể khác chìm đắm hoặc trôi nổi trong vùng nước cảng biển, vùng biển Việt Nam hoặc dạt vào bờ biển Việt Nam. Đồng thời, khoản 2 Điều 1 Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2015 còn quy định trong trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2015 với quy định của luật khác về cùng một nội dung liên quan đến hoạt động hàng hải thì áp dụng quy định của bộ luật này.

Do đó, theo ThS Nam Hải, trường hợp ông Phan Bá Tầm cùng các ngư dân phát hiện sà lan trôi dạt trên biển và đã lai dắt vào bờ sẽ thuộc phạm vi áp dụng của Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2015 và Nghị định 05/2017 quy định về xử lý tài sản chìm đắm trên tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam.

Cụ thể, tổ chức, cá nhân khi phát hiện tài sản chìm đắm có trách nhiệm thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền biết về địa điểm và loại tài sản chìm đắm.

Người ngẫu nhiên trục vớt được tài sản, người tìm thấy, cứu được hoặc tham gia cứu được tài sản của người khác đang trôi nổi trên biển hoặc dạt vào bờ biển Việt Nam, trong vùng nước cảng biển hoặc trên các tuyến đường thủy nội địa có trách nhiệm bảo quản các tài sản đó cho đến khi giao lại cho cảng vụ hoặc UBND cấp tỉnh để tổ chức bảo quản tài sản.

Đối với tài sản chìm đắm không xác định được chủ sở hữu thì số tiền thu được từ việc bán tài sản chìm đắm được sử dụng để thanh toán các khoản chi quy định như: Chi phí trục vớt, giám định tài sản chìm đắm; chi phí vận chuyển, trông coi, bảo quản tài sản chìm đắm; chi phí thông báo tìm chủ sở hữu tài sản, chi phí chuyển giao tài sản, chi phí tiêu hủy tài sản, chi phí định giá, bán đấu giá tài sản…

Ngoài ra, người phát hiện tài sản chìm đắm sẽ được thưởng một tỉ lệ phần trăm giá trị tài sản chìm đắm. Mức chi thưởng và thủ tục chi thưởng được thực hiện theo quy định của pháp luật.

“Ông Tầm cùng các ngư dân sẽ được trả công hợp lý bao gồm các chi phí liên quan đến việc lai dắt, thời gian, chi phí và các tổn thất liên quan mà ông Tầm và các ngư dân đã bỏ ra để thực hiện việc lai dắt sà lan vào bờ… và tiền thưởng công theo một tỉ lệ phần trăm mà pháp luật quy định trên giá trị của chiếc sà lan do hội đồng định giá xác định” - ThS Nam Hải nêu quan điểm.

Luật sư Nguyễn Quốc Cường, Đoàn Luật sư TP.HCM, cũng cho rằng quyền lợi của ông Tầm và các ngư dân khác được xác định theo Nghị định 05/2017 gồm tiền thưởng, chi phí trục vớt, vận chuyển, trông coi, bảo quản và các loại chi phí hợp lý khác.

Ngoài ra, theo luật sư Cường, việc UBND tỉnh Quảng Nam xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với chiếc sà lan và tiến hành xử lý là hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật.

Tùy từng trường hợp mà áp dụng luật

Việc người dân ngẫu nhiên phát hiện tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu không hiếm gặp. Tuy nhiên, tùy vào việc tài sản đó là gì, tìm thấy ở đâu mà sẽ áp dụng quy định pháp luật khác nhau.

Đơn cử như vụ chị Huỳnh Thị Ánh Hồng phát hiện được hơn 5 triệu yen khi tháo thùng loa cũ trong đống ve chai xảy ra vào năm 2014. Ngay sau đó, vợ chồng chị Hồng giao số tiền nhặt được cho cơ quan công an.

Trong vụ việc này, tài sản mà chị Hồng phát hiện được là tiền, trong thùng loa cũ ở TP.HCM nên sẽ căn cứ theo quy định của BLDS để giải quyết.

Cụ thể, đến ngày 28-4-2014, cơ quan Công an quận Tân Bình (TP.HCM) làm thủ tục thông báo công khai để ai là người sở hữu số tiền đến nhận. Sau thời hạn thông báo theo luật định nhưng không xác định được ai là chủ sở hữu, ngày 2-6-2015, chị Hồng đã nhận được toàn bộ 5 triệu yen trước đó đã giao cho công an tạm giữ.

THANH NHẬT - MINH CHUNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/sa-lan-troi-dat-tren-bien-ai-co-quyen-so-huu-post689721.html