Sa thải Bộ trưởng Tư pháp ngay sau bầu cử, ông Trump có ý đồ gì?

Chỉ một ngày sau khi diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ tại Mỹ, Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions đã đệ đơn từ chức theo yêu cầu của Tổng thống Trump. Liệu đằng sau sự thay đổi bất ngờ này có ẩn chứa ý đồ sâu xa của ông Trump?

Một ngày sau khi kết quả bầu cử Quốc hội giữa kỳ Mỹ được công bố với kết quả chia đều cho hai phe Dân chủ và Cộng hòa, Tổng thống Trump đã có một động thái được cho là “cảm tính” và bất ngờ như ông vẫn làm trong 2 năm qua, đó là ngay lập tức sa thải Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions.

Theo CNN, với việc sa thải ông Jeff Sessions, Tổng thống Trump gần như chắc chắn sẽ kiểm soát được hoạt động của công tố viên đặc biệt Robert Mueller trong quá trình điều tra việc Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016.

Bên cạnh việc sa thải ông Sessions thông qua Twitter, ông chủ Nhà Trắng còn tuyên bố rằng Matt Whitaker, Chánh văn phòng Bộ Tư pháp sẽ thay thế ông Sessions để giữ vị trí quyền Bộ trưởng, vị trí có thời hạn tối đa 200 ngày cho đến khi được Thượng viện chính thức thông qua.

Tổng thống Trump và Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions. Nguồn: WP

Tuy nhiên, theo CNN, chỉ cần ông Whitaker giữ vị trí này trong vòng 100 ngày tới là đủ cho ông Trump. Trước đó, ông Whitaker đã công khai chỉ trích quá trình điều tra của công tố viên Mueller và từng trả lời phỏng vấn CNN rằng: “Tôi có thể thấy viễn cảnh ông Jeff Sessions sẽ bị thay thế bởi ông ấy dù không sa thải Bob Mueller nhưng lại cắt giảm ngân sách khiến quá trình điều tra bị trì trệ”.

Hãng tin RT cũng có cùng nhận định như CNN khi cho rằng việc sa thải Sessions và bổ nhiệm Whitaker đã báo động cho đảng Dân chủ, những người lo ngại rằng ông Trump đang thực hiện các động thái để đóng lại cuộc điều tra của Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller về mối quan hệ giữa Nga với chiến dịch tranh cử của Trump.

Còn theo Reuters, việc ông Sessions bị sa thải có thể là diễn biến đầu tiên trong nỗ lực thay đổi nhân sự cấp cao Nhà Trắng của ông Trump nhằm tăng cơ hội tái đắc cử trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020. Đây sẽ là cuộc bầu cử mà độ khó cho ông Trump tăng lên rất nhiều sau khi Hạ viện thuộc quyền kiểm soát của đảng Dân chủ.

Ngay sau khi tuyên bố sa thải Tổng chưởng lý Jeff Sessions, ông chủ Nhà Trắng đã gặp phải những chỉ trích từ các nghị sĩ gạo cội của Hoa Kỳ. Trên Twitter, Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện Nancy Pelosi cho rằng việc ông Sessions bị sa thải là một “âm mưu rành rành” nhằm hủy hoại cuộc điều tra Nga. Đồng thời bà Pelosi đề nghị ông Whitaker không tham gia âm mưu này.

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders đã lập tức cảnh báo Tổng thống Trump không nên can thiệp cuộc điều tra Nga xen vào bầu cử Mỹ năm 2016 sau khi Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions từ chức.

“Tổng thống Trump phải cho phép cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller tiếp tục mà không bị ngáng trở. Bất kỳ nỗ lực nào của Tổng thống hoặc của Bộ Tư pháp nhằm can thiệp vào cuộc điều tra của Mueller sẽ là sự cản trở công lý và phạm tội”, ông Sanders viết trên Twitter.

Tuệ Minh (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/sa-thai-bo-truong-tu-phap-ngay-sau-bau-cu-ong-trump-co-y-do-gi-post281217.info