Sa thải Bộ trưởng Tư pháp - Nước cờ được tính toán kỹ lưỡng của Tổng thống Mỹ

Việc Tổng thống Donald Trump sa thải Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions ngay sau khi đảng Dân chủ đối lập giành quyền kiểm soát Hạ viện từ phe Cộng hòa được xem là nước cờ 'tiên hạ thủ vi cường' nhằm không chỉ để đối phó với cuộc điều tra chống lại ông.

Việc sa thải Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions có thể mở đầu cho một cuộc “thay máu” Nội các hậu bầu cử giữa kỳ của Tổng thống Donald Trump

Thoạt nhìn, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump sa thải Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions vào ngày 7-11, thời điểm ngay sau khi công bố kết quả của buộc bầu cử giữa kỳ với việc đảng Dân chủ giành chiến thắng tại Hạ viện, có thể gây ngạc nhiên cho không ít người. Thế nhưng, nếu theo sát diễn biến chính trường Mỹ mới thấy đây là nước cờ được tính toán kỹ lưỡng của ông chủ Nhà trắng.

Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions không chỉ đánh mất sự tin tưởng mà còn trở thành “cái gai” trong mắt Tổng thống Donald Trump khi vị Bộ trưởng năm nay 71 tuổi này quyết định đứng ngoài cuộc điều tra bắt đầu từ tháng 3-2017 về cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Cuộc điều tra do công tố viên đặc biệt Robert Mueller đứng đầu, được tiến hành dưới sự giám sát của Bộ Tư pháp Mỹ, đã phủ bóng đen u ám lên thời gian cầm quyền vừa qua của Tổng thống Donald Trump.

Thế nhưng, thay vì đứng ra bảo vệ ông chủ Nhà trắng, vị Bộ trưởng Tư pháp từng kề vai sát cánh cùng ông Donald Trump trong chiến dịch tranh cử trước đây đã chọn giải pháp “tự cứu mình” là “đứng sang một bên” để tránh liên lụy. Điều này khiến Tổng thống Donald Trump vô cùng thất vọng và tức giận, công khai chỉ trích ông Sessions đã bỏ ông để “tự cứu” mình khỏi liên quan đến cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Mueller.

Việc đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát Hạ viện đã đẩy Tổng thống Donald Trump tới nguy cơ phải đối mặt với không chỉ cuộc điều tra Nga can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 mà còn các vụ lùm xùm trước đây vẫn chưa khép lại như vấn đề khai thuế, các xung đột lợi ích của ông chủ Nhà Trắng… Bởi vậy, việc sa thải Bộ trưởng Tư pháp Sessions được xem là cú “ra đòn” mau lẹ của Tổng thống Donald Trump nhằm ứng phó với cuộc điều tra với diễn biến khó lường với bản thân ông.

Điều này càng thấy rõ hơn khi Tổng thống Donald Trump chỉ định ông Matthew Whitaker, Chánh văn phòng của ông Sessions, làm Quyền Bộ trưởng Tư pháp. Hoàn toàn trái ngược với vị sếp trước đây của mình, ông Whitaker là người đã công khai ủng hộ mạnh mẽ Tổng thống Donald Trump khi nhiều lần lên tiếng cho rằng “cuộc điều tra của ông Mueller đối với Tổng thống Donald Trump đi quá xa” hay “ông Mueller đã có quá nhiều quyền hạn trong cuộc điều tra”…

Trong một tuyên bố đưa ra ngay khi ông Sessions bị sa thải, lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện Nancy Pelosi, người nhiều khả năng trở thành Chủ tịch Hạ viện, khẳng định việc sa thải ông Sessions là “âm mưu” nhằm cản trở cuộc điều tra. Với ngôn từ mạnh mẽ hơn, Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Jerry Nadler, người nhiều khả năng đảm nhận chức Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ, nhấn mạnh việc cách chức ông Sessions cho thấy hiện là thời điểm nguy hiểm về mặt hiến pháp đối với nước Mỹ và Tổng thống Donald Trump.

Tổng thống Donald Trump chắc chắn đã lường trước được sự chỉ trích từ phía phe Dân chủ trước việc sa thải ông Sessions, một “nước cờ” nhằm tới không chỉ một đích. Việc sa thải người không còn “toàn tâm toàn ý” phục vụ mình, ông chủ Nhà trắng rõ ràng đã phát đi thông điệp cho thấy sẵn sàng cho một cuộc “thay máu” chính quyền hậu bầu cử giữa kỳ để hướng tới cuộc đua tái tránh cử vào năm 2020.

HOÀNG HÀ

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/sa-thai-bo-truong-tu-phap-nuoc-co-duoc-tinh-toan-ky-luong-cua-tong-thong-my/789330.antd