Sabeco đang bị nhà đầu tư nước ngoài mạnh tay chi phối

Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã lên trên 51%, chỉ sau chưa đầy một năm kể từ khi việc thoái 53,59% vốn nhà nước được thực hiện.

Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Sabeco đã là 63,35%.

Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Sabeco đã là 63,35%.

Chiếm tỷ lệ chi phối

Ngày 9/1/2019, Sabeco công bố thông tin tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Sabeco là trên 51%. Như vậy, chỉ sau 1 năm kể từ thương vụ thoái 53,59% vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Sabeco từ một công ty không có sở hữu nước ngoài chiếm quá 49% đã trở thành doanh nghiệp có vốn nước ngoài chiếm chi phối.

Tại thời điểm 7/7/2017 và cho tới trước khi thoái tiếp 53,59% vốn tại Sabeco, nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ 9,84% vốn điều lệ. Bởi vậy, tỷ lệ cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài được phép tham gia buổi chào bán cổ phần tối đa là 38,59% vốn điều lệ. Điều này nhằm đảm bảo quy định của Nhà nước về tỷ lệ nắm giữ của nước ngoài là không quá 49% vốn điều lệ của Sabeco.

Tháng 12/2017, nhà đầu tư chiến thắng trong đấu giá mua cổ phần của Sabeco là Công ty TNHH Vietnam Beverage (nắm 53,59% là pháp nhân Việt Nam) mới được thành lập trước phiên đấu giá trị giá 5 tỷ USD chỉ 2 tháng, với số vốn điều lệ vỏn vẹn 682 tỷ đồng.

Tuy nhiên, “đằng sau” doanh nghiệp mới thành lập và có văn phòng trong ngõ nhỏ này lại là một ông lớn quen thuộc - tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi (Thái Lan). Trong cơ cấu cổ đông của Vietnam Beverage có sự góp mặt của BeerCo Limited (BeerCo) - công ty mà ThaiBev sở hữu 100% vốn điều lệ.

BeerCo nắm giữ 49% vốn điều lệ của VietBev. Tỷ lệ sở hữu này vừa đủ để giúp VietBev không bị áp “room” 49% đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Sabeco, trong khi vẫn giúp ThaiBev thâu tóm tới hơn 53% vốn điều lệ.

Ngày 28/12/2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho Vietnam Beverage khi BeerCo góp thêm 111.209 tỷ đồng, qua đó tăng vốn của Vietnam Beverage lên 111.890 tỷ đồng. Sau đợt tăng vốn, Vietnam Beverage trở thành doanh nghiệp có vốn nước ngoài, khi tỷ lệ sở hữu trực tiếp của BeerCo là 99,39% và đương nhiên phần vốn mà Vietnam Beverage nắm giữ tại Sabeco cũng chuyển thành do người nước ngoài nắm giữ.

Như vậy, cùng tỷ lệ 9,76% trước đó, cộng thêm phần sở hữu của Vietnam Beverage, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Sabeco đã là 63,35% - bỏ xa yêu cầu giới hạn về tỷ lệ nắm giữ đối với người nước ngoài tại Sabeco là dưới 49%.

Quy định có bị lách?

Bình luận về câu chuyện nhà đầu tư nước ngoài nắm tới hơn 63% vốn tại Sabeco, một chuyên gia ngành thực phẩm cho rằng, dường như đã có những kẽ hở để nhà đầu tư lách luật và các cơ quan chức năng “không tuýt còi”.

Cụ thể, tháng 7/2018, Vietnam Beverage đã gửi văn bản tới Bộ Công thương và bộ phận đại diện phần vốn nhà nước tại Sabeco với đề xuất sửa đổi điều lệ Sabeco theo hướng bỏ một số ngành nghề kinh doanh nhằm nới room ngoại lên 100%. Theo đề xuất, Sabeco quyết định bỏ “gạo”, “đường mía”, “đường củ cải” khỏi ngành nghề kinh doanh thuộc mã 4632 để không chịu sự hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Sabeco, qua đó tăng tính hấp dẫn của cổ phiếu, cũng như dễ dàng thu hút thêm dòng vốn ngoại.

Tuy nhiên, khoản b, Điều 2a, Nghị định 60/2015/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung Nghị định 58/2012/NĐ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán) lại quy định rõ: “Đối với công ty đại chúng hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài mà chưa có quy định cụ thể về sở hữu nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa là 49%”.

Đáng nói là, việc nhà đầu tư nước ngoài nắm tới trên 63% vốn điều lệ tại Sabeco diễn ra trong điều kiện Dự thảo sửa đổi Luật Chứng khoán đang được trình Quốc hội lấy ý kiến vào kỳ họp đầu tiên và xem xét thông qua vào kỳ họp thứ hai trong năm 2019.

Bộ Tài chính - cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Chứng khoán sửa đổi đang đề xuất, với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện chưa cam kết về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, hoặc không đưa vào Biểu cam kết của Việt Nam trong WTO và các điều ước quốc tế khác, thì chỉ nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên 100% trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành không hạn chế sở hữu nước ngoài.

Hiện tại, Sabeco vẫn có ngành nghề kinh doanh sản xuất đồ uống với mã ngành 1101, trong đó có rượu. Trong danh mục 23 công ty con và 20 công ty liên doanh, liên kết tính tới ngày 30/6/2018, ngoài sở hữu 93,32% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Rượu Bình Tây (93,32%), Sabeco còn có 10 công ty con và không dưới 5 công ty liên kết liên quan đến sản xuất và kinh doanh rượu.

Không chỉ có mặt hàng rượu, việc sản xuất - kinh doanh bia của Sabeco cũng thuộc Danh mục 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định hiện hành, với vị trí số 54 “kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực chuyên ngành của Bộ Công thương”. Dẫn chiếu Danh mục các sản phẩm/nhóm sản phẩm thực phẩm, hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công thương kèm theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, mặt hàng bia và rượu đứng ngay đầu danh sách.

Có vẻ như không cần chờ sửa Luật Chứng khoán và quên soi chiếu quy định hiện hành, tại Văn bản số 7987/UBCK-PTTT ngày 3/12/2018, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xác nhận “không hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại đây. Điều này đã mở đường cho nhà đầu tư ngoại hoàn tất việc nâng sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Sabeco lên mức tổng cộng là 63,35%, thay vì chỉ cho phép giới hạn ở tỷ lệ 49% trước đó.

Chi phối nên mạnh tay

Vào tuần trước, hơn 900 người lao động không thời hạn tại Sabeco được yêu cầu ký lại phụ lục hợp đồng với lý do thay đổi cơ cấu lương. Đại diện Sabeco khẳng định, tất cả người lao động khi được mời lên tái ký hợp đồng “đều đã được truyền thông đầy đủ, cũng như có thời gian để hiểu rõ nội dung hợp đồng”.

Dẫu vậy, phụ lục hợp đồng cũng có quy định: “Trong thời gian thử việc 60 ngày, mỗi bên có quyền lựa chọn chấm dứt hợp đồng lao động này mà không cần báo trước và không phải trả bất cứ khoản bồi thường nào”, hay “công việc cụ thể là theo hợp đồng hoặc phân công của người sử dụng lao động tại từng thời điểm, nếu không hoàn thành đúng thời gian quy định thì là cơ sở để đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quy định của luật Việt Nam”. Điều này tạo ra tâm lý lo ngại có thể bị mất việc ở nhiều lao động tại Sabeco.

Trên thực tế, việc giảm bớt lao động để nâng cao năng suất và hiệu quả tại Sabeco đã được các chuyên gia đề cập khi biết người mua 53,59% vốn điều lệ tại Sabeco cuối cùng là một doanh nghiệp nước ngoài.

Tính tới ngày 30/6/2017, tổng số lao động của hệ thống Sabeco là 4.649 người, trong đó tổng số lao động của Công ty mẹ là 820 người. Ngoài tổng số lao động nêu trên, Sabeco còn có đội ngũ bán hàng tiếp thị khoảng 3.500 người.

Đã có những quan điểm cho rằng, khi Nhà nước không còn chi phối tại Sabeco, hiệu quả của doanh nghiệp chắc chắn sẽ cao hơn. “Chỉ cần định danh rõ công việc của từng vị trí cụ thểm đã có thể giảm được lượng lao động không nhỏ tại Sabeco, chưa kể việc đưa thêm máy móc, thiết bị chuyên dùng vào một số bộ phận vốn đang sử dụng nhiều lao động chân tay như khâu bốc vác”, một chuyên gia nhận xét.

Ngoài ra, khi trở thành thành viên có vốn chi phối của phía ThaiBev, nhiều bộ phận như mua hàng đầu vào, lên kế hoạch đầu tư, sản xuất hay quảng bá… có thể không còn do bản thân Sabeco đảm nhiệm như trước khi bán tiếp vốn, mà chỉ đơn thuần thực hiện theo lộ trình của tập đoàn nước ngoài.

Điều cũng được nhiều người lo ngại là, với việc nước ngoài nắm chi phối, lợi nhuận của Sabeco sẽ không còn nằm ở Sabeco nữa. Việc mua sắm nguyên vật liệu đầu vào sẽ có thể thực hiện thông qua một công ty của ThaiBev và giá cả luôn ổn định. Đầu ra sẽ do hệ thống phân phối mà người Thái nắm chi phối thực hiện. Sabeco sẽ chỉ còn thuần túy là doanh nghiệp sản xuất bia, các công ty thành viên có vốn góp của Sabeco cũng sẽ trở thành đơn vị gia công thuần túy hay nhận nhượng quyền kinh doanh thương hiệu Sabeco và trả thương quyền.

“Khi đó, Sabeco mà Nhà nước đang nắm 36% vốn điều lệ vẫn sẽ có lợi nhuận nhất định để chia phần cho các cổ đông. Song rất có thể, phần lớn lợi nhuận vốn có của Sabeco sẽ được dồn về phía nhà cung cấp nguyên vật liệu đầu vào và đơn vị bán hàng do phía nước ngoài quản lý”, những chuyên gia am hiểu thị trường bia phân tích.

Có vẻ như lộ trình để thu lợi tối đa từ Sabeco sẽ còn khiến nhiều người “mắt tròn, mắt dẹt”, nhất là khi thị giá của Sabeco đã giảm 22% trong vòng 1 năm sau thương vụ M&A đình đám nhất năm 2017 tại khu vực châu Á.

Biến động trong kết quả kinh doanh của Sabeco

Theo tài liệu gửi các cổ đông, năm 2018, Sabeco có mức lợi nhuận sau thuế là 4.402 tỷ đồng và kế hoạch của năm 2019 là 4.716 tỷ đồng. So với mức 4.949 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế của năm 2017 được thông báo trong Đại hội đồng cổ đông thường niên hồi tháng 7/2018, có thể thấy, năm đầu tiên hoạt động với sự biến động mạnh mẽ về cổ đông và Ban Điều hành đã có những tác động không nhỏ tới kết quả kinh doanh của Sabeco.

Thanh Hương

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/sabeco-dang-bi-nha-dau-tu-nuoc-ngoai-manh-tay-chi-phoi-d97970.html