Sắc đào phai no ấm

Cuối năm về thôn Đồng Cống, xã Bảo Sơn, huyện Lục Nam (Bắc Giang) bắt gặp bạt ngàn hoa đào chúm chím nụ hồng. Đào 'tràn' trên mặt ruộng, lan ra các triền đồi.

Thấp thoáng bên những ngôi nhà khang trang, nhiều cây đào phai đã trổ bông, khoe sắc, vươn cành hoa ra đường thôn mới được trải bê tông phẳng, rộng, tạo nên bức tranh quê đầy màu sắc. Mới đến đầu làng đã nghe người dân xôn xao về chuyện năm nay nhiều hộ trong thôn được thương nhân về đặt mua cả vườn đào với giá cao.

Đào Đồng Cống “bay” vào miền Nam

Theo các nghệ nhân sinh vật cảnh và lãnh đạo thôn Đồng Cống, chúng tôi băng qua quãng đường nội đồng mới trải bê tông, bên đường là 2 hàng hoa đào thẳng tắp tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Phiên (SN 1972), một trong những hộ có diện tích hoa đào lớn nhất thôn. Bao quanh ngôi nhà 3 tầng khang trang của ông Phiên cũng là những thửa ruộng, vạt đồi trồng kín hoa đào. Ông Phiên đưa chúng tôi lên đồi thăm vườn đào phai. Hàng nghìn gốc đào hiện ra trước mắt. Cây nào cũng được uốn theo dáng “huyền” đều tăm tắp. Ông Phiên không giấu nổi niềm vui, khoe:

- Vườn nhà tôi có 2,4 nghìn gốc đào. Trong đó có 2 nghìn gốc 2 năm tuổi, đã đến kỳ xuất bán. Cuối tháng 12/2022 khách đến mua xô 1 nghìn gốc (cành) với giá 800 nghìn đồng/cành (chỉ cắt cành, trả lại gốc) để chuyển máy bay vào TP Hồ Chí Minh tiêu thụ dịp Tết Nguyên đán tới. Với giá này, trừ các khoản chi phí, tôi thu lãi bình quân hơn 500 nghìn đồng/gốc. Tôi đang tăng cường tưới nước để cây bật hoa sớm, kịp cho khách cắt cành vào dịp sau Tết ông Công, ông Táo. Vụ tới tôi thuê thêm 3 sào ruộng để mở rộng diện tích.

Nhiều hộ dân xã Bảo Sơn (Lục Nam) phấn khởi vì đào được khách hàng đặt mua.

Nhiều hộ dân xã Bảo Sơn (Lục Nam) phấn khởi vì đào được khách hàng đặt mua.

Theo ông Phiên, việc trồng đào ở trên đồi khó và tốn kém hơn vì cây đào chỉ sống khỏe ở nơi có nhiều đất màu, chi phí khoảng 250 nghìn đồng/gốc, cao hơn trồng dưới ruộng khoảng 100 nghìn đồng/gốc. Với 2 nghìn gốc đào phai, gia đình ông đã đầu tư gần 100 triệu đồng mua 140 xe ô tô đất bùn, vận chuyển lên bón cho cây.

Không chỉ gia đình ông Phiên, vừa qua, hộ ông Phạm Văn Hôm, Nguyễn Hữu Bắc,… cũng được khách đến đặt mua mỗi nhà từ 300 đến hơn 500 gốc đào. Ông Hôm cho biết, cuối tháng 11/2022, gia đình ông bán 1/3 vườn đào (550 cành đào) cho thương nhân, thu về 312 triệu đồng, lãi 250 triệu đồng sau 2 năm trồng. Ngay đầu tháng Chạp họ đã bán toàn bộ số đào mua của gia đình ông với giá gần 900 nghìn đồng/cành.

Ông Nguyễn Văn Nên (cùng thôn Đồng Cống), Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh huyện Lục Nam cho biết, nắm bắt được nhu cầu thị trường, mấy năm nay các hộ đã chuyển từ trồng đào thế dáng “trực”, “ngũ phúc” sang dáng “huyền” để phù hợp bài trí của các gia đình sống ở chung cư cao tầng nên được khách hàng rất ưa chuộng. Ông Nên chia sẻ: “Tiêu chí của cành đào phai đẹp, đó là: Vỏ cành sạch, nụ mập, lộc tươi, dăm cành to, được cắt tỉa tạo nhánh nhiều lần. Được chăm sóc tốt nên hầu hết các vườn đào ở Đồng Cống đều đạt các tiêu chí trên. Vì thế, hằng năm, vào khoảng cuối tháng 11 và đầu tháng Chạp, thương nhân lại tìm về Đồng Cống đặt mua đào. Những hộ có kỹ thuật chăm cây tốt thường được đặt mua sớm với số lượng lớn để vận chuyển ra Hà Nội hoặc các tỉnh phía Nam tiêu thụ”.

Đổi thay nhờ trồng đào

Từ đỉnh đồi nhìn xuống, thôn Đồng Cống với nhiều ngôi nhà cao tầng, xây theo lối kiến trúc hiện đại còn tươi màu sơn mới được hàng chục ha đào phai ôm trọn. Đường làng, nội đồng được trải bê tông, rộng rãi, xe ô tô vào tận vườn các nhà chuyển nông sản đi tiêu thụ. Không ai nghĩ Đồng Cống thuộc diện thôn đặc biệt khó khăn. Như đoán được ý tôi, ông Bùi Kế Quảng, Bí thư Chi bộ thôn Đồng Cống bộc bạch:

- Cuộc sống người dân Đồng Cống trước đây khổ lắm. Có được diện mạo khang trang, người dân no ấm như hôm nay, phần lớn là nhờ vào việc trồng đào và cây dứa. Đồng Cống có 275 hộ, hơn 1,2 nghìn nhân khẩu với 5 dân tộc anh em, gồm: Kinh, Tày, Nùng, Sán Chí và Cao Lan sinh sống. Nằm trong xã đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2019 nhưng cùng với các thôn: Hồ Sơn 1 và Quất Sơn, Đồng Cống vẫn thuộc diện thôn đặc biệt khó khăn. Bởi giao thông đi lại khó khăn, người dân chỉ trông vào thu nhập từ 100 ha rừng, vài chục ha lúa, rau màu, cây ăn quả nhưng năm được, năm mất.

"Tiêu chí của cành đào phai đẹp, đó là: Tạo thế tự nhiên, vỏ cành sạch, nụ mập, lộc tươi, dăm cành to, được cắt tỉa tạo nhánh nhiều lần. Được chăm sóc tốt nên hầu hết các vườn đào ở Đồng Cống đều đạt các tiêu chí trên. Vì thế, hàng năm, vào khoảng cuối tháng 11 và đầu tháng Chạp, thương nhân khắp nơi lại tìm về Đồng Cống đặt mua đào" - Ông Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh huyện Lục Nam.

Với ý chí thoát nghèo, hơn 20 năm trước, nhiều hộ dân trong thôn đã tìm đến nghề sản xuất cây cảnh. Nhờ phát triển nghề trồng cây cảnh, năm 2014, làng Tân Sơn Trong (thuộc thôn Đồng Cống) được UBND tỉnh công nhận là làng nghề sinh vật cảnh. Các ông: Bùi Kế Quảng, Nguyễn Văn Bắc, Nguyễn Gia Mến và Nguyễn Văn Nên được công nhận là Nghệ nhân Sinh vật cảnh. Tuy nhiên, sau khi phát triển được vài năm, do nhiều nguyên nhân, trào lưu mua, bán, chơi cây cảnh chìm lắng. Nhiều hộ chuyển sang trồng dứa, vải thiều, nhãn, ổi.

Để cải thiện cuộc sống, nhiều năm trước, cứ mỗi dịp cận Tết, hàng chục hộ trong thôn lại lên các tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lạng Sơn hay xuống Hà Nội, TP Bắc Giang,… thu mua đào cành, đào gốc mang về Bắc Giang và các tỉnh lân cận bán kiếm lời. Nhận thấy cây đào, đặc biệt là đào phai khá dễ trồng, lại cho thu nhập cao nên năm 2012, ông Nguyễn Văn Bắc, Nguyễn Gia Mến, Khổng Minh Tô (là những người đầu tiên trong thôn) mạnh dạn mua đào thế Nhật Tân (Hà Nội) về trồng thử. Để có kỹ thuật chăm sóc, lai ghép, tạo ra những cành đào đẹp, có giá trị cao, người dân trong thôn xuống xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang) và Hà Nội để học nghề. Các hộ trong thôn chia thành từng nhóm hỗ trợ nhau phát triển sản xuất. Các nghệ nhân làng nghề cũng đến từng nhóm hộ để chia sẻ kinh nghiệm sản xuất. Nhờ đó, năm đầu tiên các hộ đã thu lãi hàng chục triệu đồng. Trồng đào mang lại hiệu quả cao nên từ mấy chục gốc đào ban đầu, đến nay diện tích đào phai của thôn Đồng Cống lên tới gần 20 ha, với hơn 150 hộ trồng. Nghề trồng đào hiện đã lan ra các thôn: Yên Thiện, Tân Sơn, Tiên Gio và thôn Đoái (cùng xã) với khoảng 40 ha, mang lại nguồn thu hàng chục tỷ đồng/năm cho người dân.

Ông Phạm Văn Hôm chăm sóc vừa đào dáng huyền của gia đình.

Có nguồn thu từ trồng đào và cây ăn quả, ngoài xây dựng nhà mới, mua sắm các tiện nghi sinh hoạt đắt tiền, người dân trong thôn đã góp hàng tỷ đồng để cứng hóa hơn 8 km đường giao thông nông thôn, nội đồng. Chỉ tính trong năm 2022, mỗi khẩu đóng 1,7 triệu đồng để cứng hóa 800 m đường thôn, 600 m kênh mương. Gia đình ông Hoàng Văn Phú, Hoàng Văn Trì, Phạm Văn Hôm,… tự bỏ ra từ 40 - 90 triệu đồng/hộ làm đường vào nhà mình và khu trồng đào. Gần 30 con em trong thôn đã tốt nghiệp và đang học ở các trường đại học, cao đẳng, chuyên nghiệp. Số hộ nghèo giảm dần từng năm.

Ông Chu Văn Hợp, Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Sơn cho biết, giúp nghề trồng đào phát triển bền vững, xã có kế hoạch thành lập hợp tác xã trồng đào. Lấy Đồng Cống là nòng cốt để xây dựng thương hiệu cho đào Bảo Sơn trong năm 2023.

Chia tay Đồng Cống, những cánh hoa đào rung rinh trong gió mang vẻ đẹp thuần khiết như níu chân lữ khách. Tôi chợt nghĩ, một ngày kia, những cành đào phai mang thương hiệu “Đào Bảo Sơn” sẽ đưa vẻ đẹp dịu dàng ấy cùng mùa xuân tới những vùng quê xa xôi, mang theo niềm hy vọng và đem về niềm vui, no ấm không chỉ cho người dân Đồng Cống mà cả xã Bảo Sơn.

Bài, ảnh: Thế Đại

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/397811/sac-dao-phai-no-am.html