Sắc màu của biển

Nha Trang là một trong 29 vịnh đẹp nhất hành tinh, được Chính phủ chọn làm nơi diễn ra Năm Du lịch quốc gia 2019 với chủ đề 'Nha Trang - Sắc màu của biển'. Qua đây để Khánh Hòa có chiến lược phát triển du lịch biển mang tính bền vững, lâu dài. Các địa phương phát triển du lịch sau sẽ có được những bài học về môi trường sinh thái biển, quản trị kinh tế du lịch, hạ tầng giao thông...

Lặn biển xem sinh vật cảnh là hình thức kinh doanh du lịch dễ “hái” ra tiền tại khu bảo tồn biển Hòn Mun, Nha Trang. Ảnh: Hải Luận

Tại lễ tuyên bố Năm Du lịch quốc gia 2019, ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, Trưởng ban tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2019, cho biết: “Khánh Hòa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn là địa phương tổ chức các sự kiện chính của Năm Du lịch quốc gia 2019 với chủ đề “Nha Trang - Sắc màu của biển”. Tỉnh sẽ quyết tâm làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, bám sát vào chủ đề được xác định cho Năm Du lịch quốc gia 2019. Mỗi hoạt động sẽ được xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể, tập trung tổ chức các hoạt động có tính chất điểm nhấn, hấp dẫn, tạo liên kết chuỗi sự kiện du lịch trong vùng và cả nước”.

Liên kết vùng

Năm Du lịch quốc gia 2019 sẽ có hơn 100 sự kiện gồm: 13 sự kiện do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì tổ chức, 61 sự kiện do tỉnh Khánh Hòa tổ chức và 35 sự kiện hưởng ứng của 14 tỉnh, thành phố sẽ được trải đều trong cả năm. Khánh Hòa sẽ kết hợp với khai mạc Tuần lễ Festival biển Nha Trang - Khánh Hòa 2019. Ngoài ra, trong Năm Du lịch quốc gia 2019, tại Nha Trang còn có nhiều sự kiện lớn tầm quốc tế như: Cuộc thi Hoa hậu Du lịch ASEAN 2019, đua thuyền buồm Hong Kong - Nha Trang 2019...

Ông Trần Việt Trung, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa nêu mục tiêu của tỉnh: “Năm Du lịch quốc gia 2019 vừa mang tính gợi mở, vừa thúc đẩy cạnh tranh trong khu vực. Đây cũng là năm đặc biệt để Khánh Hòa xúc tiến quảng bá, giới thiệu điểm đến và tăng cường các hoạt động phát triển sản phẩm du lịch. Đây được xem một bước ngoặt, tạo tiền đề để Khánh Hòa hướng tới mục tiêu đến năm 2020 đạt 8 triệu lượt khách, trong đó có 3,5 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu 70.000 tỉ đồng, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, bền vững”.

Vấn đề liên kết vùng đã được chính quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở miền Trung và Tây Nguyên bàn thảo lâu nay. Ngoài khai thác thế mạnh du lịch biển đảo, những năm qua, Khánh Hòa đã đóng vai trò giống như “trục xoay” về phát triển du lịch và dịch vụ, kết hợp với nhiều địa phương xây dựng sản phẩm đặc thù với các tour, tuyến du lịch đa dạng, chất lượng cao, mang đậm bản sắc văn hóa địa phương.

Chẳng hạn, Nha Trang đã “hút” hai đầu tàu kinh tế là thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, ngoài ra, Khánh Hòa đã liên kết với Đắk Lắk, Lâm Đồng, các tỉnh Nam Trung bộ và duyên hải miền Trung, tạo nên các sản phẩm du lịch biển đảo, du lịch núi rừng, du lịch sinh thái, du lịch di sản... Ông Trần Sơn Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Khánh Hòa sẽ kết hợp cùng các địa phương tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, du lịch hưởng ứng, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch. Có thể kể đến các sự kiện lớn như: Lễ hội pháo hoa Đà Nẵng, Festival tinh hoa nghề Việt tại Huế, Tuần du lịch Hạ Long - Quảng Ninh, Lễ hội hoa phượng đỏ Hải Phòng...”.

Bảo vệ “linh hồn” du lịch

Du lịch của Việt Nam có thế mạnh rất lớn khi có đường bờ biển dài hơn 3.200km và hàng nghìn hòn đảo, bán đảo, vịnh, đầm phá được xem là “linh hồn” du lịch. Kinh nghiệm cho thấy, Nha Trang nói riêng, Khánh Hòa nói chung đã dựa vào biển, đảo để phát triển du lịch. Bài toán phát triển du lịch bền vững lâu dài, các địa phương nên tập trung bảo vệ, tái tạo, phát triển hệ sinh thái môi trường.

Rùa biển tại Hòn Mun, Nha Trang. Ảnh: Hải Luận

Đã đến lúc, các tỉnh miền Trung cần có biện pháp cấp bách và lâu dài để hạn chế “vấn nạn” rác thải của các gia đình, tàu biển... đổ vô tội vạ xuống sông, xuống biển, đặc biệt rác thải ni lông. Tiến sĩ khoa học Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang nêu lên thực trạng: “Bao nhiêu đời nay, người dân cứ xem biển là “thùng rác” khổng lồ, chính quyền cũng thấy bình thường, nên chưa đưa ra được chương trình cấp bách và dài hạn. Đối với phát triển du lịch, rác thải là “tên trộm” nguy hiểm nhất.

Rác của tỉnh Khánh Hòa, nhưng vài tháng sau, nó trở thành “quà tặng” của biển Bình Thuận. Ngược lại, rác của Bình Định, Phú Yên trở thành “quà tặng” cho vùng biển Khánh Hòa... Vì sao vậy? Bởi vì sóng biển miền Trung đánh vào bờ giống như “đá gà”, kết hợp dòng hải lưu chảy đảo ngược liên tục, rác thải cứ dồn ứ qua lại lẫn nhau. Anh có xây dựng nhiều khách sạn đẳng cấp 5 sao, khi du khách đặt chân xuống bờ biển thấy rác, họ đã muốn quay trở về. Chính vì vậy, các tỉnh, thành miền Trung cần trích lập quỹ bảo vệ môi trường biển, có quyết sách mạnh mẽ và thực hiện lâu dài chương trình bảo vệ hệ sinh thái rừng và biển. Môi trường sinh thái quyết định sự hưng thịnh của ngành du lịch”.

“Cái độc đáo du lịch Nha Trang là biển, đảo. “Độc” hơn là lặn biển xem sinh vật cảnh, đây là điểm nhấn thu hút hàng triệu du khách đến Nha Trang. Biển, đảo đang giảm dần hệ sinh thái độc đáo, đồng nghĩa khách sẽ không đến Nha Trang. Nha Trang “mất” (du lịch) thì dọc các tỉnh duyên hải đều mất theo. Vì vậy, bảo vệ, phát triển hệ sinh thái biển, đảo là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài của tỉnh Khánh Hòa và khu vực miền Trung” - Ông Nguyễn Huy Hân, Giám đốc Công ty Cổ phần Việt Asian Nha Trang, người xây dựng công viên dưới đáy biển đầu tiên ở Việt Nam, chia sẻ thẳng thắn.

Hải Luận

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/sac-mau-cua-bien/