Sắc màu hội trại văn hóa

Hội trại văn hóa của các huyện, thị, thành, các đơn vị trên địa bàn tỉnh trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng được xem là bức tranh khái quát, tái hiện lại những phong tục tập quán truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Thời điểm này, các đơn vị đang gấp rút thực hiện những công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hội trại phục vụ các hoạt động văn hóa, quảng bá du lịch trong khuôn khổ Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm nay.

Điểm nhấn của Hội trại văn hóa huyện Lâm Thao là thiết kế mái sảnh với hình ảnh mũ cùng các họa tiết hoa văn thời đại Hùng Vương.

Hội trại văn hóa được diễn ra từ ngày 20/4 đến hết ngày 29/4 (tức ngày 1/3 đến ngày 10/3 âm lịch) tại khu vực Đồi Phú Bùng - Khu di tích lịch sử Đền Hùng với sự tham gia của 13 huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh, với các nội dung gồm: Trình diễn diễn xướng dân gian, trò chơi dân gian; tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, hát Xoan, hát Ghẹo, Ca trù, dân ca…; triển lãm trưng bày giới thiệu về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, quảng bá tiềm năng du lịch của địa phương; giới thiệu sản vật, hàng hóa đặc trưng của địa phương, trình diễn thực hành quy trình sản xuất sản phẩm, nghề truyền thống địa phương phục vụ nhân dân, du khách tại trại.

Trại văn hóa của các đơn vị đều khai thác những đường nét, kiến trúc mô phỏng nhà truyền thống địa phương hoặc sáng tạo trên cơ sở họa tiết hoa văn, văn hóa thời đại Hùng Vương thông qua kiểu dáng, bố cục và trang trí nội thất hài hòa, mang đậm bản sắc văn hóa của từng địa phương. Bố cục chung của các trại gồm: Nhà trại, cổng trại, gian trưng bày giới thiệu sản vật đặc trưng, tuyên truyền, quảng bá phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, du lịch và khuôn viên chung.

Huyện Tân Sơn đang hoàn thiện những công đoạn cuối cùng của trại văn hóa.

Là vùng đất cổ còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa mang đậm dấu ấn của Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương, Hội trại văn hóa huyện Lâm Thao mang đến những kiến trúc độc đáo, đặc trưng của cư dân nông nghiệp đồng bằng Bắc bộ và những sản phẩm đặc trưng của vùng “Đất lúa, đất văn”. Giám đốc Trung tâm văn hóa, thể thao, du lịch và truyền thông huyện Nguyễn Thị Minh Xuân cho biết: “Năm nay, điểm nhấn của hội trại văn hóa huyện là tái hiện kiến trúc nhà truyền thống của người dân đồng bằng Bắc bộ xưa, rào bao quanh là những họa tiết, hoa văn thời đại Hùng Vương trên nền đá ong, lấy cảm hứng từ những ngôi nhà cổ, những bức tường đá ong còn xót lại tại xã Sơn Vi. Đặc biệt, trên cơ sở khai thác tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, chúng tôi đã thiết kế mái sảnh của trại là tạo hình của chiếc mũ đội đầu thời đại Hùng Vương”.

Trại văn hóa huyện Yên Lập đã cơ bản hoàn thiện sẵn sàng chào đón du khách đến thăm quan.

Đến với hội trại văn hóa năm nay, huyện Tân Sơn đã mang đến kiến trúc nhà sàn đặc trưng của người Mường với cột gỗ, mái lá, vách nứa cùng các vật dụng sinh hoạt, công cụ lao động sản xuất của người vùng cao như: Đó, nơm đánh bắt cá; ống bương đựng nước, cọn nước… Với, huyện Yên Lập, trại văn hóa vẫn là ngôi nhà sàn đặc trưng của đồng bào vùng cao tuy nhiên điểm mới năm nay là cải biên hệ thống vách bằng các hình tượng trống đồng, thêm vào đó đây cũng là một trong số ít các đơn vị có thêm máy chiếu nhằm quảng bá tiềm năng du lịch của huyện và những nét văn hóa truyền thống như: Lễ Cấp sắc của người Dao, múa trống đu…

Thăm quan các hội trại văn hóa tại Lễ hội Đền Hùng năm nay, du khách sẽ có những trải nghiệm về các nét văn hóa đặc trưng của các địa phương; chiêm ngưỡng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, ẩm thực truyền thống; nghe Hát Xoan, Ghẹo, diễn xướng dân gian, góp phần tôn vinh các giá trị văn hóa vùng Đất Tổ; quảng bá, thu hút đầu tư phát triển du lịch, tạo cơ hội giao lưu, học hỏi, thúc đẩy tinh thần đoàn kết và gắn bó giữa các địa phương; quảng bá hình ảnh du lịch tỉnh đến đồng bào và du khách.

Thu Hương

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//den-hung/sac-mau-hoi-trai-van-hoa/192316.htm