Sắc màu lễ hội bên dòng Hương hút du khách

Festival Nghề truyền thống Huế 2019 đang diễn ra đúng dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 nên lượng khách đến với Huế dịp này cũng tăng đột biến. Bên dòng sông Hương, dọc đường Lê Lợi (TP Huế) và phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc, không gian giới thiệu nghề truyền thống đa dạng, phong phú

Du khách được hướng dẫn và tự tay ướp trà sen.

Du khách được hướng dẫn và tự tay ướp trà sen.

Festival Nghề truyền thống Huế 2019 đang diễn ra đúng dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 nên lượng khách đến với Huế dịp này cũng tăng đột biến. Bên dòng sông Hương, dọc đường Lê Lợi (TP Huế) và phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc, không gian giới thiệu nghề truyền thống đa dạng, phong phú đã đưa du khách và công chúng Huế đến với những trải nghiệm mới lạ trong không gian hòa hợp giữa truyền thống và hiện đại. Lần đầu tiên tham gia Festival Nghề truyền thống Huế, tại không gian trưng bày thổ cẩm của người Kho và người Châu Mạ, du khách đi qua không thể không ghé chân lại. Chỉ bằng những bộ khung dệt làm bằng thanh gỗ, thanh tre hay những ống lồ ô, người Kho và Châu Mạ đã tạo ra những sản phẩm thổ cẩm nhiều màu sắc, đẹp mắt với nhiều công dụng như tấm đắp, khố, váy, túi xách, đồ dùng trang trí…

Cũng tại không gian trưng bày, triển lãm nghề thủ công truyền thống, du khách còn được trải nghiệm cùng các nghệ nhân tạo ra các sản phẩm như: ướp trà sen, chằm nón, đan mây tre, dệt thổ cẩm, thêu thùa... Chị Phương Nhi (Hà Nội) chia sẻ: Do kỳ nghỉ dài ngày nên lần đầu tiên, gia đình mình quyết định đến Huế vào dịp Festival nghề truyền thống Huế. Qua đây, mình và các thành viên trong gia đình đã hiểu được phần nào giá trị tinh hoa của các làng nghề truyền thống đặc trưng của Việt Nam”. Lần đầu tiên du lịch đến Việt Nam, chị Julia (du khách Pháp) tỏ ra thích thú trước sắc màu của Festival nghề truyền thống Huế. “Thật trùng hợp và may mắn khi tôi và những người bạn đến Huế du lịch trong dịp festival đang diễn ra. Tôi rất ấn tượng với những sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của đất nước các bạn. Những nghệ nhân Việt Nam rất tài năng. Chúng tôi cũng rất ấn tượng khi xem trình diễn lễ hội áo dài tại Ngọ Môn- Đại Nội Huế vào tối 28-4”- chị Julia chia sẻ. “Áo dài trên con đường di sản” là nơi gặp gỡ của được 17 nhà thiết kế để cùng chia sẻ niềm tự hào và truyền cảm hứng về di sản văn hóa dân tộc qua 16 bộ sưu tập áo dài đặc sắc. Trên chất liệu lụa truyền thống, “Áo dài trên con đường di sản” đã được các nhà thiết kế tên tuổi giới thiệu danh lam thắng cảnh nổi tiếng trên con đường di sản miền Trung. Đó là Thành nhà Hồ của Thanh Hóa, dân ca ví dặm vùng Nghệ - Tĩnh, Phong Nha- Kẻ Bàng của đất Quảng Bình, Quần thể di tích triều Nguyễn của Cố đô Huế và phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn của Quảng Nam. Chiếc áo dài không chỉ thể hiện văn hóa mặc, văn hóa giao tiếp của người Việt mà còn là hình ảnh thiêng liêng đã đi cùng lịch sử dân tộc.

H.LAN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_205599_sac-mau-le-hoi-ben-dong-huong-hut-du-khach.aspx