Sắc mới trên bản làng vùng biên

So với cách đây dăm năm, nhiều bản làng miền Tây Nghệ An đã có sự đổi thay vượt bậc. Người dân ở các cộng đồng dân tộc Thái, Mông hay Khơ mú cũng cho thấy sự nỗ lực vượt qua khó khăn để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Ghi nhận ở bản Huồi Mới 1 (xã Tri Lễ, huyện Quế Phong) và bản Cằng (xã Môn Sơn, huyện Con Cuông).

Bản Huồi Mới 1 là nơi cư trú của cộng đồng người Mông với những ngôi nhà lợp gỗ samu đặc trưng.

Bản Huồi Mới 1 là nơi cư trú của cộng đồng người Mông với những ngôi nhà lợp gỗ samu đặc trưng.

Huồi Mới 1 đã đổi mới

Chúng tôi đến bản Huồi Mới 1 khi mặt trời sắp đứng bóng. Không lẫn vào đâu được tiết cuối thu ở miền Tây xứ Nghệ, trong làn heo may, nắng vẫn vung vẩy trên dãy Phà Ca Tún – nơi có đỉnh núi Pù Hoạt cao nhất khu vực Tây Bắc Nghệ An. “Chặn” chúng tôi ngay đầu bản là một người đàn ông bận bộ quân phục rằn ri lá cây. Sau một hồi tra hỏi, cật vấn, kiểm tra kỹ căn cước anh cởi mở mời cả đoàn vào nghỉ chân tại Trạm Biên phòng Huồi Mới. Anh là Nguyễn Đăng Việt -Thiếu tá – một trong những cán bộ biên phòng thực hiện nhiệm vụ tại đây. Chúng tôi được Thiếu tá Việt dẫn thăm bản Huồi Mới 1.

Nói như anh Quang Văn Tuấn – Đội phó đội Cơ động Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt thì “Huồi Mới 1 là bản dân cư người Mông đẹp nhất miền Tây Nghệ An”. Hơn 80 nóc nhà ngói lợp sa mu của bản được dựng theo độ dốc mái núi, trong ánh nắng giữa trưa Huồi Mới 1 đúng là sở hữu nét đẹp hiếm thấy. Ngôi nhà đầu tiên chúng tôi đến là gia đình anh Và Bá Thái – Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Huồi Mới. Trong tâm trạng phấn chấn, người trưởng bản 35 tuổi có nụ cười ấn tượng với chiếc rang vàng chóe cho hay, cụm Huồi Mới có 2 bản dân cư, trong đó Huồi Mới 1 có 83 hộ dân, gần 500 nhân khẩu. “Bản ta vẫn còn nghèo đấy, nhưng đã đổi khác so với trước nhiều lắm. Năm ngoái tỷ lệ hộ nghèo của bản hơn 50%, cuối năm nay đã giảm nhiều, theo chỉ tiêu của xã Tri Lễ, năm 2019 bản sẽ giảm hộ nghèo xuống 42%. Cũng mừng”.

Trưởng bản Huồi Mới 1 Và Bá Thái (bìa trái) trò chuyện với phóng viên

Nằm trên địa hình cao hơn 1.000m so với mực nước biển, là điểm giáp ranh biên giới với nước bạn Lào, việc đổi thay ở Huồi Mới 1 có thể xem là sự “lột xác” của cộng đồng dân tộc Mông nơi đây. Dân bản không có nương rẫy, cuộc sống phụ thuộc vào một ít ruộng nước phải đi hết nửa ngày đường mới tới nơi; giao thông đi lại cũng hết sức khó khăn, hiểm trở. Ấy vậy mà dân bản vẫn không ngừng nỗ lực.

Đầu tiên phải kể đến sự kề vai, sát cánh của Chi bộ và Ban quản lý bản đối với công tác xóa đói, giảm nghèo. Nhiều mô hình kinh tế, giải pháp giảm nghèo đều được cấp ủy và ban cán sự bản Huồi Mới 1 cùng bàn bạc, hướng dẫn cho các hộ dân. Nhờ vậy, từ 100 con bò, đến nay bản có hơn 300 con, trong đó gia đình ông Thò Bá Sinh có gần 40 con. Ngoài ra mỗi hộ dân ở Huồi Mới nuôi ít nhất 30 con gà đen, 5 con lợn.

Thu nhập của người dân còn đến từ nhiều loại cây trồng được xem là đặc sản của người Mông như: dưa nại, khoai sọ, bí, đào. Theo tính toán của trưởng bản Và Bá Thái, ở Huồi Mới 1 có 2 ha khoai sọ, mỗi mùa một gia đình thu về gần 6 triệu đồng; đến mùa bí, dưa nại mỗi hộ cũng có thêm nguồn thu 2 triệu đồng. Đặc biệt với cây đào, bình quân mỗi gia đình thu từ 10-15 triệu đồng từ tiền bán cành dịp Tết chưa kể bán đào quả. Đây chính là những phương kế để người Huồi Mới 1 thoát khỏi cảnh đói nghèo, lạc hậu.

Mỗi hộ dân ở Huồi Mới nuôi ít nhất 30 con gà đen, 5 con lợn.

Đến Huồi Mới 1, chúng tôi cũng được trưởng bản Và Bá Thái cho xem những cuốn sổ ghi chép mọi việc ở bản. Ví như cuốn nhật ký của bản, bằng những dòng chữ nắn nót và rõ ràng, Và Bá Thái liệt kê rất nhiều “sự kiện” ở bản. Đó là những chuyện như mất gà, vợ chồng mâu thuẫn hay việc bản tổ chức ngày khuyến học, hưởng ứng ngày đại đoàn kết. Đặc biệt, trong cuốn sổ họp bản, được kẻ ô từng hộ và ứng với 12 tháng. Hộ nào không tham gia họp bản hàng tháng sẽ bị đánh dấu và sẽ bị “phạt” từ 5.000 – 10.000 đồng cho một lần vắng họp. Hay chuyện vợ chồng mâu thuẫn, khiến bản “mất công” hòa giải sẽ phải chịu tiền để tổ chức một mâm cơm mời các thành phần tham gia; các biểu hiện, hành vi gây ảnh hưởng đến cộng đồng đều bị khiển trách, phê bình và phạt bằng tiền. Số tiền phạt được xung vào quỹ bản nhằm hỗ trợ hoạt động khuyến học và các hoạt động mang tính phúc lợi cộng đồng. “Ai cũng đồng tình với cách làm này, trước khi thực hiện nội quy, chi bộ và ban quản lý bản đều họp bàn thống nhất với người dân. Nhờ vậy mà bản làng yên vui, đoàn kết” – anh Và Bá Ca, người dân bản Huồi Mới 1 cho biết.

Sự đổi thay của ngôi bản dưới dãy núi Phà Ca Tún có sự đóng góp không nhỏ của 14 đảng viên trong chi bộ bản Huồi Mới 1. “Đây là những nhân tố quan trọng, tất cả phong trào của bản đều được các đảng viên nêu gương đi đầu thực hiện” – Phó Bí thư Chi bộ Và Bá Thái chia sẻ thêm.

Thanh âm Mường Quạ

Giữ gìn văn hóa truyền thống của người Thái

Từ biệt Huồi Mới 1 với người trưởng bản than thiện, chúng tôi tiếp tục có chuyến hành trình đến khu vực Tây Nam xứ Nghệ. Điểm đến là bản Cằng, xã Môn Sơn (Con Cuông). Đang là thời điểm nông nhàn, nên khi đến bản chúng tôi bắt gặp nhiều chị em miệt mài bên khung cửi dệt vải, thêu váy, áo, điều này cho thấy mùa cưới và dịp lễ, tết đang đến gần. Lúc này cánh đàn ông tranh thủ làm thêm nghề xây xùa, bốc vác thuê để có thêm nguồn thu nhập.

Bản Cằng 165 hộ dân tộc Thái với gần 650 nhân khẩu, nguồn thu nhập chính từ bao đời nay là làm ruộng nước. Cánh đồng Mường Quạ được dòng sông Giăng và khe Mọi tưới tắm nên quanh năm tươi tốt, giúp cư dân dân nơi đây luôn có đủ cái ăn, không mấy khi rơi vào cảnh túng thiếu. Ông Lương Văn Thủy – một người dân bản Cằng cho biết: “Ruộng tốt, có nước tưới quanh năm nhưng trước đây lương thực chỉ làm đủ ăn, không mấy nhà có dư giả. Khoảng 10 năm trước, nhờ thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, trước tiên là thay giống lúa cũ bằng giống lúa lai nên năng suất, sản lượng tăng vọt. Các hộ gia đình đều có lúa dư thừa để bán hoặc phát triển chăn nuôi để nâng cao thu nhập”.

Cùng với giống lúa, bà con nông dân còn chuyển đổi giống ngô lai, năng suất tăng lên rõ rệt, là điều kiện cơ bản để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi. Cùng với việc nuôi trâu, bò lấy sức kéo, đáp ưng nhu cầu sản xuất, hầu như nhà nào cũng nuôi 3-7 con lợn và hàng chục, hàng trăm con gà. Bình quân thu nhập 720.000 đồng/người/tháng. Đặc biệt, một số gia đình mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển kinh tế trang trại, đem lại nguồn thu nhập cao, trở thành hộ khá và giàu, sắm được ô tô. Điển hình như hộ ông Hà Đức Lợi, Lô Văn Tư, Lương Văn Định có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Một buổi sinh hoạt của CLB Dân ca - dân vũ bản Cằng, xã Môn Sơn

Khi đã có của ăn của để, bà con bản Cằng có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang, kiên cố và đóng góp tiền của, công sức làm đường giao thông nông thôn và nhà văn hóa cộng đồng. Các tuyến đường nội bản đã được đổ bê tông, thuận tiện và an toàn cho việc đi lại, góp phần tạo cảnh quan làng bản sạch đẹp. Đồng thời, khi không còn phải lo đến cái ăn, bà con người Thái ở bản Cằng có thời gian chăm lo việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống.

Cùng với duy trì nghề dệt thổ cẩm, CLB Dân ca – dân vũ bản Cằng được thành lập từ hơn 10 năm trước và được công nhận là mô hình cấp tỉnh. Đây là nơi tập hợp những thành viên có năng khiếu sáng tác, biểu diễn các làn điệu dân ca Thái (khắp, lăm, nhuôn, xuối); các điệu dân vũ (xòe, nhảy sạp, lăm vông) và chế tác, sử dụng các loại nhạc cụ cổ truyền (khèn bè, pí, đàn tập tinh…). CLB là hạt nhân của phong trào văn hóa – văn nghệ địa phương, đại diện cho xã, huyện tham gia các chương trình liên hoan, hội diễn và giành được giải cao. Bà con bản Cằng càng thêm tự hào khi ông Lương Văn Nghiệp – Chủ nhiệm CLB được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Ông Nghiệp chuyên về dàn dựng chương trình văn nghệ và chế tác, sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc Thái.

Trao đổi với chúng tôi, Trưởng bản Lô Thị Hương cho biết: “Nguồn thu nhập từng bước ổn định, bà con bản Cằng đang hướng tới nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. So với 10 năm trước, bộ mặt cuộc sống làng bản hôm nay có thể xem là một bước tiến vượt bậc”.

Đào Tuấn – Nhật Lân – Công Kiên

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/sac-moi-tren-ban-lang-vung-bien-223208.html