Sắc mới trên vùng đất Đồng Hỷ

Những cánh đồng lúa chín ôm lấy các con đường bê tông hóa nối liền thôn xã; những nhà văn hóa vang vọng tiếng nhạc ca; những trường học mới ê a lời cô trò... là một trong những nét vẽ làm nên bức tranh về cuộc sống mới tại huyện Đồng Hỷ sau 10 năm xây dựng nông thôn mới.

Đổi thay không chỉ về diện mạo...

Là một huyện miền núi của tỉnh Thái Nguyên, Đồng Hỷ bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) với vô vàn gian khó. Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thủy – Chủ tịch UBND huyện cho biết, Đồng Hỷ xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2019 với xuất phát điểm thấp do điều kiện kinh tế khó khăn, lại thêm những xáo trộn vì việc chia tách địa giới hành chính.

Khó khăn là thế nhưng ý thức được đây là nhiệm vụ tối quan trọng, là tiền đề cho Đồng Hỷ phát triển bền vững trong tương lai, nên cấp ủy chính quyền và nhân dân huyện đã nỗ lực không ngừng trong công tác xây dựng NTM. Khi ý Đảng hợp lòng dân, chương trình được sự đồng thuận to lớn của nhân dân. Nhờ vậy, tạo nên sức sống mới cho cả vùng đất này.

Lễ công bố quyết định và đón bằng công nhận xã Văn Hán đạt chuẩn NTM

Theo lãnh đạo huyện, 10 năm qua, từ chỗ bình quân mỗi xã chỉ đạt 5,4 tiêu chí thì đến nay toàn huyện đã có 8 xã đạt chuẩn NTM; bình quân mỗi xã đạt 16,46 tiêu chí; không còn xã nào đạt dưới 10 tiêu chí.

Một thập kỷ qua, hàng trăm công trình cơ sở hạ tầng đã được xây dựng và đưa vào sử dụng. Giờ đây, bất cứ ai về lại mảnh đất này đều nhận ra diện mạo của Đồng Hỷ đã đổi thay thực sự. Ông Nguyễn Văn Thủy cho biết thêm, về hệ thống giao thông nông thôn, huyện đã tập trung đầu tư, nâng cấp, mở rộng và được xác định là động lực phát triển kinh tế - xã hội theo hướng nhanh và bền vững góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Trong 10 năm, toàn huyện đã tiến hành xây dựng, cải tạo, nâng cấp 161,3km đường trục xã, liên xã; xây mới được 403,7km đường bê tông nông thôn. Số xã có đường đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc đổ bê tông đạt 100%. Đến nay có 10/13 xã đạt tiêu chí giao thông tăng 10 xã so với năm 2010.

Về thủy lợi, qua 10 năm toàn huyện đã kiên cố hóa 44,47km kênh mương nội đồng, tiến hành xây mới, sửa chữa, nâng cấp 43 công trình thủy lợi như: hồ, đập tràn, kênh mương, trạm bơm điện,.. với tổng vốn đầu tư trên 36 tỷ đồng, qua đó đã góp phần tăng cường khả năng cung cấp nước phục vụ sản xuất của nhân dân. Đến nay đã có 11/13 xã đạt tiêu chí về thủy lợi, tăng 08 xã so với năm 2010.

Về điện, trên địa bàn huyện đã xây dựng 108 trạm biến áp; cải tạo, nâng cấp 549,31km đường dây trung thế và hạ thế với giá trị đầu tư 260,78 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện thường xuyên đạt 99,8%. Nâng các xã đạt tiêu chí về điện lên 13/13 xã, đạt 100%.

Trang tại chăn nuôi gà quy mô công nghiệp tại xã Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ

Bên cạnh đó, công tác giáo dục được Đồng Hỷ đặt lên hàng đầu. Trong giai đoạn vừa qua, huyện đã tiến hành đầu tư xây dựng 56 công trình trường học, với tổng vốn đầu tư 143,877 tỷ đồng. Đến nay toàn huyện có 42/47 trường học đạt chuẩn quốc gia (tính trên 13 xã xây dựng NTM), chiếm tỷ lệ 89,36%, nâng tổng số xã đạt tiêu chí về trường học là 12/13.

Nâng chất cho cuộc sống người dân

Hành trình 10 năm xây dựng NTM đã thực sự đưa Đồng Hỷ sang trang mới với những đổi thay không chỉ về diện mạo, mà sâu sắc hơn, thiết thực hơn chính là cuộc sống của bà con nhân dân đã được cải thiện rõ rệt.

Được biết, chính quyền huyện Đồng Hỷ đã tập trung mọi nguồn lực cho công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo đó, huyện đã triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp có lợi thế trên địa bàn như: Phát triển sản xuất, chế biến tiêu thụ chè, trồng rừng và chế biến lâm sản; phát triển kinh tế HTX, tổ hợp tác và làng nghề ...bên cạnh đó huyện cũng tập trung đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại quy mô công nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa.

Đến nay toàn huyện có 30 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 32 làng nghề, 34 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như sản xuất kinh doanh chè, trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc gia cầm.

Chia sẻ về hướng đi, ông Thủy nhấn mạnh, huyện tập trung chuyển đổi bố trí cây trồng, vật nuôi lợi thế của vùng, chú trọng đầu tư thâm canh tăng vụ, tăng sản lượng trên một đơn vị diện tích; chăn nuôi theo hướng tập trung gắn với bảo vệ môi trường; theo hướng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của huyện. Nhờ vậy, sản xuất nông, lâm, thủy sản phát triển đúng hướng. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp thủy sản năm 2018 đạt 1.231 tỷ đồng, tăng 945,8 tỷ so với năm 2010. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất nông nghiệp trồng trọt năm 2018 đạt 95,6 triệu đồng, tăng 39,6 triệu đồng so với năm 2010.

Đặc biệt, Đồng Hỷ đã thực hiện chăn nuôi trong khu quy hoạch, từng bước chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung công nghiệp, trang trại, gia trại. Hiện nay trên địa bàn huyện, có 89 trang trại, nhiều hộ chăn nuôi gia trại quy mô vừa và nhỏ … tạo việc làm, tăng thu nhập cho hộ gia đình. Xây dựng, hình thành vùng chuyên chăn nuôi gà theo hình thức bán chăn thả tại các xã Hợp Tiến, Tân Lợi, Nam Hòa với quy mô 500-1.000 con/lứa. Các trang trại, gia trại chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, liên doanh, liên kết, từng bước hình thành các chuỗi trong sản xuất chăn nuôi.

Từ kết quả triển khai các chương trình, dự án và các mô hình sản xuất đã góp phần quan trọng vào việc thu hút tạo việc làm cho lao động nông thôn, thúc đẩy phát triển sản xuất, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Sau 10 năm thực hiện, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đã tăng từ 13,7 triệu đồng/người (năm 2010) lên 32,3 triệu đồng/người/năm (năm 2018) và ước đạt 34 triệu đồng năm 2019. Đến nay, toàn huyện có 13/13 xã đạt tiêu chí về lao động có việc làm; 9/13 xã đạt tiêu chí về thu nhập; 8/13 xã đạt tiêu chí về hộ nghèo; 10/13 xã đạt tiêu chí về tổ chức sản xuất.

Với những kết quả tích cực trong giai đoạn vừa qua, Đồng Hỷ đang tiếp tục phấn đấu cho mục tiêu của giai đoạn mới 2021-2030. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030 có từ 5 xã trở lên đạt chuẩn “xã NTM kiểu mẫu”. “Để thực hiện điều đó, huyện sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM đối với các xã được công nhận đạt chuẩn, trong đó tập trung thực hiện các nội dung: Tổ chức sản xuất, tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển ngành nghề, năng lực sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng môi trường sống xanh - sạch - đẹp, đảm bảo trật tự ngày càng tốt hơn để NTM phát triển bền vững”- đại diện huyện Đồng Hỷ khẳng định.

Từ năm 2011 đến nay, Đồng Hỷ đã huy động được 1.570,377 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới, trong đó vốn huy động từ nhân dân, doanh nghiệp đạt 534,336 tỷ đồng cùng 96ha đất được nhân dân hiến.

Lan Phương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/sac-moi-tren-vung-dat-dong-hy-126643.html