Sắc thái mới của xung đột Trung – Ấn

Căng thẳng ngoại giao và quân sự giữa Trung Quốc và Ấn Độ xảy ra hồi giữa tháng 6 đang có dấu hiệu chuyển hướng sang lĩnh vực kinh tế. Ngày 6-7, Reuters trích dẫn nhiều nguồn tin ẩn danh từ Chính phủ Ấn Độ cho biết Trung Quốc bắt đầu cho rút quân dọc biên giới có tranh chấp với Ấn Độ.

3 tuần sau vụ đụng độ đẫm máu làm thiệt mạng 20 binh sĩ Ấn Độ và một số lính Trung Quốc (con số cụ thể không được tiết lộ), nhiều nhóm lính Trung Quốc bắt đầu cho tháo dỡ lều trại và các cơ sở tại vùng thung lũng Galwan, khu vực xảy ra xô xát giữa hai bên, theo sau nhiều vòng đàm phán giữa giới chức quân sự hai nước. Nhiều phương tiện đã được rút ra khỏi khu vực này, cũng như tại hai vùng biên giới khác có tranh chấp là Hotsprings và Gogra.

An ninh Ấn Độ tuần tra gần thành phố Srinagar, Kashmir.

An ninh Ấn Độ tuần tra gần thành phố Srinagar, Kashmir.

Tại cuộc họp ở Bắc Kinh cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết cả hai bên “đang thực hiện các biện pháp hiệu quả để giảm căng thẳng ở biên giới”.

Trước đó, trong chuyến thị sát bất ngờ tại một đơn vị quân đội ở vùng biên giới với Trung Quốc, Thủ tướng Ấn Độ đã gián tiếp gọi Bắc Kinh là quân bành trướng và cổ vũ tinh thần sẵn sàng chiến đấu của binh sĩ. Ông Narendra Modi nói: “Thời kỳ của chủ nghĩa bành trướng đã qua rồi. Chủ nghĩa bành trướng là mối đe dọa cho hòa bình thế giới. Bây giờ là thời kỳ của phát triển. Các thế lực bành trướng hoặc sẽ thua, hoặc buộc phải lùi bước”.

Phát ngôn viên Đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ lên tiếng khẳng định việc thủ tướng Ấn Độ gọi Bắc Kinh là “bành trướng” là không có cơ sở.

Trong khi xung đột với Trung Quốc chưa nguội bớt thì Đường kiểm soát thực tế (LAC) dài 742km giữa Ấn Độ và Pakistan tiếp tục vang lên tiếng súng. Bộ Ngoại giao Pakistan ngày 1-7 cáo buộc Ấn Độ vi phạm lệnh ngừng bắn hơn 1.500 lần, gây nhiều thương vong cho người dân Pakistan sống ở phía bên kia biên giới Kashmir trong năm nay. Còn Ấn Độ cáo buộc phía Pakistan sử dụng súng cối hạng nặng và các vũ khí khác tấn công vào vị trí của binh sĩ nước này.

Hãng India Today của Ấn Độ ngày 1-7 dẫn các nguồn tin nói rằng Pakistan đã di chuyển gần 20.000 binh sĩ tới Gilgit-Baltistan và Kashmir, giáp biên giới Ấn Độ. India Today nói rằng quan chức quân đội, tình báo Ấn Độ đang họp liên tục để thảo luận về các mối đe dọa. Quân đội Pakistan bác bỏ cáo buộc của truyền thông Ấn Độ rằng họ đã triển khai thêm lực lượng tại Kashmir trong bối cảnh căng thẳng Ấn -Trung hay cho phép Bắc Kinh sử dụng căn cứ không quân quan trọng trong khu vực.

Ấn Độ đã trải qua 4 cuộc chiến tranh với Trung Quốc và Pakistan kể từ khi giành được độc lập năm 1947 nhưng New Dehli chưa từng rơi vào tình huống phải bảo vệ cả 2 biên giới cùng một lúc. Không muốn một mình đối mặt với Trung Quốc, New Delhi tiếp tục vận động ngoại giao tìm kiếm ủng hộ. Ngày 3-7, Đại sứ Nhật Bản tại Ấn Độ Satoshi Suzuki đưa lên Twitter một thông điệp khẳng định “phản đối mọi hành động đơn phương thay đổi nguyên trạng” tại LAC khu vực biên giới Ấn - Trung. Tuyên bố được đưa ra sau khi Đại sứ Nhật gặp Ngoại trưởng Ấn Độ Harsh Shringla.

Một số nguồn tin ẩn danh cho biết trước đó, Ngoại trưởng Ấn Độ cũng thông báo chủ đề này với các đặc phái viên hay các đồng nhiệm Mỹ, Nga, Pháp và Đức. Về phần mình, Bộ trưởng Rajnat Singh cùng với các quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã hạ cánh xuống sân bay Moscow ngay sau khi đụng độ với quân đội Trung Quốc tại thung lũng Galvan. Đây không chỉ đơn giản là việc thúc giục Moscow chuyển giao vũ khí mới mà New Delhi còn muốn tăng cường hơn nữa hợp tác toàn diện với Nga.

Ấn Độ đang ở trong thời điểm khó khăn, đặc biệt là khi các va chạm biên giới xảy ra vào lúc tình hình dịch COVID-19 tại nước này đang căng hơn bao giờ hết. Ấn Độ đã là điểm dịch lớn của thế giới nhưng họ cũng làm thế giới bất ngờ và ngạc nhiên với nhiều động thái gần nhất. Dù căng thẳng biên giới đã xuống thang phần nào vào những ngày cuối tháng 6, với việc đạt được một số thỏa thuận về rút quân khỏi khu vực tranh chấp, Ấn Độ dường như đang chọn một hình thức khác để thể hiện sự cứng rắn của mình. Hàng loạt động thái siết chặt và hạn chế về mặt kinh tế với Trung Quốc đã được Ấn Độ tuyên bố tuần qua.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong chuyến thăm vùng Ladakh, giáp biên giới Trung Quốc ngày 3-7.

Đây là động thái đáng chú ý, đặc biệt khi nước này đang phụ thuộc lớn vào thương mại và dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc. Chính phủ của Thủ tướng Modi đã cấm 59 ứng dụng di động của Trung Quốc. Mới nhất, Ấn Độ tuyên bố cấm các công ty Trung Quốc tham gia vào các dự án xây dựng đường cao tốc nước này, bao gồm cả hình thức liên doanh.

Ngày 6-7, Chính phủ Ấn Độ cho biết sẽ không xem xét lại quyết định ngừng tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (RCEP) trong bối cảnh các nước tham gia đàm phán đang phấn đấu hoàn tất thỏa thuận này vào cuối năm nay. Nguyên nhân được khẳng định là do mối quan hệ đang căng thẳng với Trung Quốc, một thành viên tham gia RCEP. Các nguồn tin Chính phủ Ấn Độ còn cho biết, New Delhi quyết định sẽ không tham gia bất cứ thỏa thuận thương mại nào có Trung Quốc là thành viên do những vấn đề nước này đang phải đối mặt đều có liên quan tới Trung Quốc.

Nhà ngoại giao kỳ cựu của Ấn Độ Rajiv Bhatia cho rằng vì quyết định của Ấn Độ, nhiều nước không phải thành viên của ASEAN có thể sẽ xem lại các lựa chọn với RCEP. Theo ông, với các quốc gia như Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand rất khó để có thể tìm được sự gắn kết nội bộ về các vấn đề địa chính trị và thương mại. RCEP hiện có 15 thành viên tham gia đàm phán gồm 10 quốc gia ASEAN cùng 5 đối tác thương mại là Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand.

Một làn sóng tẩy chay hàng hóa Trung Quốc đang lan khắp Ấn Độ sau các vụ đụng độ ở biên giới nhưng các chuyên gia cảnh báo việc này “nói dễ hơn làm”. Về thương mại, Trung Quốc là đối tác lớn thứ hai của Ấn Độ sau Mỹ. Nền kinh tế số hai thế giới chiếm hơn 10% tổng kim ngạch thương mại của Ấn Độ.

Ngược lại, Ấn Độ chỉ là một trong những đối tác thương mại nhỏ của Trung Quốc, chiếm khoảng 2% tổng kim ngạch. Quốc gia Nam Á này là đối tác thương mại thứ 12 của Trung Quốc, theo dữ liệu năm 2018. Hàng hóa Trung Quốc chiếm 23% tổng nhập khẩu của Ấn Độ, bao gồm thiết bị điện tử, dược phẩm, phụ tùng ô tô, đồ nội thất, giày dép, đồ gia dụng. Trong lĩnh vực công nghệ sản xuất, năm 2019, 4 hãng điện thoại Trung Quốc là Xiaomi, Vivo, Oppo và Realme đã chiếm 60% thị trường điện thoại thông minh ở Ấn Độ.

Cứ 30 công ty công nghệ Ấn Độ có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD, thì 18 trong số đó được đầu tư bởi Trung Quốc. Sức ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc thực tế đang tạo áp lực địa chính trị vây quanh Ấn Độ.

Mộc Thạch (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/sac-thai-moi-cua-xung-dot-trung-an-602147/