Sắc thổ cẩm học trò nơi thượng nguồn sông Cu Đê

1. Đã lâu, trang phục truyền thống áo, váy dệt thủ công bằng vải thổ cẩm góp mặt trong đời thường từ các hội diễn văn nghệ, hội trại… Nhưng tại xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thời gian qua, các em học sinh (HS) tiểu học, THCS đã mang trang phục truyền thống đến trường. Cùng với đồng phục HS quần xanh, áo trắng, những chiếc áo, váy thổ cẩm muôn sắc được dệt nên từ tình yêu thương, niềm tự hào về bản sắc văn hóa đã góp phần làm cho trường học, giờ học sinh động hơn.

Năm học 2019 - 2020 là năm học thứ hai, hàng trăm HS con em đồng bào dân tộc Cơ Tu đang sinh sống tại hai thôn Tà Lang, Giàn Bí nơi thượng nguồn sông Cu Đê được xúng xính trong những bộ áo, váy thổ cẩm truyền thống đến trường. Niềm vui này của các em HS là kết quả từ nhiều nỗ lực của các cấp chính quyền, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hòa Vang. Nếu so trước đây, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của phụ nữ đồng bào dân tộc Cơ Tu bị mai một bởi thời gian và điều kiện sống, thì hiện tại, hơi thở của làng nghề bắt đầu dần được hồi sinh. Những tấm áo thổ cẩm dành tặng giáo viên là người dân tộc Cơ Tu và các em HS tiểu học, THCS tại đây được các cán bộ xã vận động từ nhiều nguồn tài trợ. Đó cũng là một cách để hồi sinh những nét văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào trong đời sống hiện đại.

2. Chuẩn bị cho năm học mới, thầy trò Trường tiểu học Hòa Bắc đang hoàn thiện những công việc cuối cùng để đón ngày khai giảng đầu thu ý nghĩa. Hiệu trưởng Nguyễn Thọ cho biết, trong năm học này, toàn trường có 20 lớp với 315 HS, trong đó có 87 em là người dân tộc Cơ Tu. Trường cũng có bảy giáo viên là người đồng bào dân tộc Cơ Tu. “Các giáo viên trong trường là người dân tộc Cơ Tu cùng mặc trang phục truyền thống với các em. Đó cũng là cách để thầy, cô giáo gần gũi hơn với học trò và thêm gắn bó, yêu mến nghề giáo, đặc biệt với mảnh đất khó khăn này của xã vùng núi Hòa Bắc”. Tại phòng sinh hoạt đoàn đội, thầy giáo Trương Văn Hiện, giáo viên nhà trường cùng các em HS đang ôn lại tiết mục đánh trống biểu diễn trong ngày khai giảng. Thầy chia sẻ: Nhìn các em trong trang phục truyền thống đến trường, niềm vui của giáo viên chúng tôi như nhân đôi, thêm vui và yêu mến quê hương mình hơn.

Chị Lê Thị Thu Hà, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bắc là một trong những người có công đầu khôi phục các giá trị văn hóa, truyền thống của đồng bào. Với suy nghĩ thông qua trang phục truyền thống để giúp các HS thêm yêu văn hóa cổ truyền của dân tộc mình, chị Hà đã tích cực đứng ra vận động các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm tặng vải thổ cẩm để các bà, các mẹ trong thôn may 100 bộ áo quần trao tặng HS. Bước đầu, các em HS người Cơ Tu mặc đồng phục truyền thống đến trường trong lễ chào cờ đầu tuần, hoặc trong các buổi giao lưu, sinh hoạt cộng đồng, ngày hội văn hóa dân gian. Chị Hà tâm sự: Giáo dục cho con em đồng bào bằng những việc làm thiết thực, sẽ mang lại hiệu quả, tác động tốt đến nhận thức của các em. Từ đó, góp phần mang lại những đổi thay trong nhận thức của đồng bào, để trân quý, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc cha ông để lại.

Sau những tín hiệu đáng mừng như trên tại xã Hòa Bắc, hiện xã Hòa Phú cũng đang triển khai thực hiện. Nơi thượng nguồn sông Cu Đê, học trò vùng núi, đang “làm mới” hình ảnh của mình bằng những chiếc áo, chiếc váy thổ cẩm đa sắc, với khăn quàng đỏ đón chào “mùa kiến thức”.

Em Bùi Thị Khánh Huyền ở thôn Giàn Bí đang chuẩn bị đồng phục và sách vở để bước vào lớp 6 Trường THCS Nguyễn Tri Phương. Em bộc bạch: “Năm học mới này em được mẹ may hai bộ váy thổ cẩm truyền thống và cả quần áo đồng phục mầu xanh. Em rất vui vì có nhiều bạn trong thôn cùng lên lớp với em và đều mặc đồng phục truyền thống đến trường. Em ước mơ sau này lớn lên sẽ học làm giáo viên và trở về quê hương Hòa Bắc để dạy học”.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/baothoinay/baothoinay-xahoi/item/41448102-sac-tho-cam-hoc-tro-noi-thuong-nguon-song-cu-de.html