Sắc xanh nơi 'những người nằm lại phía chân trời'

Cỏ cây, hoa lá trong Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma hòa cùng sóng biển Bãi Dài như muốn ru giấc an lành của 64 cán bộ, chiến sĩ đang yên nghỉ giữa lòng biển khơi của Tổ quốc.

Đứng trên triền cát, trong lòng vịnh Cam Ranh, Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma tọa lạc tại trung tâm của Bãi Dài (thuộc xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa).

Khởi công xây dựng năm 2015, khánh thành vào năm 2017, Khu tưởng niệm Gạc Ma có nhiều hạng mục: Tượng đài, bia tưởng niệm, khu trưng bày ngầm, mộ gió, quảng trường hòa bình, khuôn viên cây xanh.

Tượng đài các chiến sĩ Gạc Ma - trái tim của Khu tưởng niệm sừng sững thế đứng hiên ngang - trên đó có tên “Những người nằm lại phía chân trời”, khắc họa hình ảnh 64 người con quả cảm của Tổ quốc, trong giây phút cuối cùng, vẫn giữ chặt lá cờ Tổ quốc trên tay để đánh dấu mốc chủ quyền trên đảo đá Gạc Ma.

Những ngày giữa tháng Ba này, nhiều người khắp nơi đã đến dâng hương ở Khu tưởng niệm Gạc Ma. Những ai đến đây đều xúc động, tự hào, tưởng nhớ 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh, vĩnh viễn nằm lại giữa biển khơi vào ngày 14/3/1988, trong trận chiến đấu với kẻ thù trên đảo Gạc Ma (quần đảo Trường Sa).

Được xây dựng trên vùng bờ biển cát trắng, nhưng chỉ trong thời gian ngắn, cây cối đã phủ xanh Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma. Có được màu xanh ấy, rất nhiều cây ở khắp nơi đã được các tổ chức, cá nhân đem về trồng và chăm sóc. Để hôm nay, lá hoa hòa cùng sóng biển ru giấc cho các anh.

Đã hơn ba năm nay, anh Trần Minh Quân (ở xã Cam Hòa, huyện Cam Lâm), công nhân của Khu tưởng niệm, vẫn miệt mài với việc tưới, cắt tỉa cho những cây đang được trồng tại nơi này. “Mỗi cành cây, bông hoa, ở đây đều kết tinh tình cảm của mọi người nên mình phải chăm sóc chu đáo để cây phát triển tốt”, anh Quân nói.

Là người tham gia vào những ngày đầu tiên trong xây dựng, ông Võ Duy Trúc, Giám đốc Ban Quản lý Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma cho biết, Khu tưởng niệm rộng 2ha, trong thiết kế đã dành 1,1ha để trồng cây xanh. Thời điểm khánh thành (2017), mới có 64 cây (đa, lộc vừng,..) tượng trưng cho 64 cán bộ chiến sĩ đã hi sinh bảo vệ đảo. Hiện nay, màu xanh của cây cối đã phủ xanh khắp Khu tưởng niệm.

Cây ở đây được bố trí từng khu vực, phù hợp với thiết kế. Hai bên trồng cây cảnh, cây lâu năm trên nền cỏ; quanh các hạng mục và dọc lối đi được trồng hoa.

Năm 2017, Khu tưởng niệm đã tiếp nhận 20 cây bàng vuông từ Quân chủng Hải quân trao. Đây là những cây do cho cán bộ, chiến sĩ Vùng 4 Hải quân ươm, chiết, chăm sóc ở các đảo: An Bang, Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông, Phan Vinh và đảo Trường Sa rồi đưa về đất liền.Đến nay, cây đã lớn, hoa bàng vuông đã khoe sắc cùng với nhiều loài hoa khác trên Khu tưởng niệm.

Khi bàng vuông đã trưởng thành, kết trái, mỗi năm, Ban Quản lý Khu Tưởng niệm đã ươm, chiết hàng trăm cây đem tặng nhiều cơ quan, trường học, đơn vị… trong và ngoài địa bàn tỉnh Khánh Hòa để góp phần lan tỏa lịch sử, gương hi sinh của những chiến sĩ Gạc Ma ngày ấy.

Nhiều tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho Khu Tưởng niệm đã đưa cây trồng tại khuôn viên. Qua thời gian, cây đã lớn, thẳng hàng ngay ngắn như những tiêu binh xanh canh giấc cho những anh linh của những người con đã hi sinh vì biển đảo của Tổ quốc.

Cũng theo lãnh đạo Ban Quản lý Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, những năm trở lại đây, nhiều loại hoa đã được trồng như: giấy, ngâu, sứ, bát tiên, hoàng anh, mười giờ,…Tất cả như thi nhau khoe sắc như kết thành vòng hoa chiến thắng khoác lên mình những người con đã hi sinh vì Tổ quốc.

Ông Jeff Galle, quốc tịch Mỹ, là người lần đầu đến Khu tưởng niệm này cho biết, xúc động khi được thấy những hình ảnh, hiện vật của bộ đội Hải quân Việt Nam đã hi sinh được trưng bày nơi đây. “Nơi đây có nhiều hiện vật khiến tôi rất xúc động. Xung quanh lại còn có rất nhiều hoa, cây xanh khiến tôi cảm thấy thoải mái và gần gũi với thiên nhiên. Nếu có dịp trở lại Việt Nam, đến Nha Trang - Khánh Hòa, nhất định tôi sẽ trở lại”, ông Jeff Galle nói.

Khu tưởng niệm Gạc Ma giờ đây đã xanh ngát màu của cỏ cây, hoa lá. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Gạc Ma đã đón hàng chục nghìn đoàn khách tham quan và gần 500 nghìn lượt khách đến viếng. Khu tưởng niệm Gạc Ma đã trở thành một địa chỉ hiện hữu để tưởng nhớ, một địa chỉ đỏ để khơi dậy niềm tự hào dân tộc, bồi đắp, giáo dục lòng yêu nước, tình yêu biển đảo cho các thế hệ - nơi đến để về.

Tưởng Cao Sơn

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/sac-xanh-noi-nhung-nguoi-nam-lai-phia-chan-troi-192240313191705661.htm