Sắc xuân

Sau hơn 70 năm mai một, tranh dân gian Kim Hoàng nổi tiếng được khôi phục với sắc diện mới. Những hình ảnh mộc mạc, giản dị trên dòng tranh xưa được tiếp cận đời sống hiện đại, góp phần làm sống lại một làng nghề tưởng đã tàn phai…

Mừng xuân, mừng đất nước, mừng Đảng

trên tranh dân gian Kim Hoàng Tranh dân gian Kim Hoàng trên một số ứng dụng hiện đại.

Không gian phố cổ Hà Nội ấm áp những ngày đầu năm mới, buổi ra mắt cuốn sách Dòng tranh dân gian Kim Hoàng của nhóm tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa, Trịnh Sinh và Lê Bích đã giúp công chúng có cái nhìn đầy đủ về một món ăn tinh thần của người dân xứ Đoài và vùng đồng bằng Bắc Bộ một thời. Cuốn sách nằm trong dự án “Khôi phục tranh dân gian Kim Hoàng” triển khai từ năm 2016 đến nay, tập hợp nhiều nghệ nhân, nhà sưu tầm tranh dân gian Việt Nam, các họa sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử mỹ thuật, nhiếp ảnh gia… cùng tham gia, thể hiện tâm huyết của nhóm tác giả trong việc bảo tồn di sản tranh dân gian của cha ông xưa.

Kim Hoàng là một trong những dòng tranh dân gian nổi tiếng của nước ta và cũng giống như các dòng tranh Đông Hồ, Hàng Trống, tranh Kim Hoàng đang đứng trước nguy cơ thất truyền nếu như không phục hồi kịp thời và phát huy giá trị của di sản này. Mang nhiều giá trị dân gian đặc sắc, song tranh Kim Hoàng chỉ tồn tại trong khoảng thời gian ngắn. Trận lũ năm 1915 khiến đê Liên Mạc bị vỡ và cuốn trôi nhiều ván in của làng, rồi theo năm tháng thú chơi tranh cũng dần mai một… khiến nghề làm tranh ở Kim Hoàng gần như biến mất. Trong quá trình khôi phục dòng tranh này, các thành viên dự án đã về lại thôn Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội khảo sát thực tế, tiếp cận một số bậc cao niên đã trực tiếp chứng kiến việc làm và bán tranh. “Nghe các cụ kể lại, nhờ các cụ giám định mầu tranh cơ bản của Kim Hoàng, cách làm, cách phân phối tranh qua hệ thống chợ quê xứ Đoài… chúng tôi đã dựng lại được hình ảnh của làng nghề này ở buổi hoàng kim của nó” - chị Nguyễn Thị Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội, chủ dự án chia sẻ. Và cuốn sách Dòng tranh dân gian Kim Hoàng khẳng định vị trí của dòng tranh Kim Hoàng trong dòng chảy chung của tranh dân gian Việt Nam đã ra đời như thế.

Theo chị Hòa, hiện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam còn lưu lại tranh đôi gà, hay còn gọi là Thần kê và tranh lợn của Kim Hoàng. Ngay chính tại làng Kim Hoàng cũng không còn nhiều sản phẩm của dòng tranh được mệnh danh “tranh đỏ Kim Hoàng” một thời như vậy, có chăng chỉ còn lưu lại tranh khổ lớn Đức Lưu Quang, Phúc Mãn Đường và một vài bức tranh dân gian khác. Sau một thời gian nỗ lực, dự án đã phục hồi được 33 mẫu tranh khắc gỗ và 19 mẫu được vẽ tay. Ngoài ra dự án cũng tạo mới được một số mẫu như: tranh Nghê (lấy mẫu từ đền vua Đinh - vua Lê, Ninh Bình), và ba bức tạo mẫu mới theo họa tiết hoa văn trang trí ở đình làng Kim Hoàng hay tranh: Em bé bắn cung, Em bé cưỡi phượng, Đấu vật…

Với quan niệm tranh dân gian cần sự tiếp biến và sáng tạo chứ không chỉ khuôn định theo những gì cha ông đã tạo ra, dự án mạnh dạn sáng tạo thêm những mẫu tranh Kim Hoàng mới, bởi có như vậy, sức sống của tranh Kim Hoàng mới khởi sắc và lan tỏa giá trị truyền thống đến giới trẻ. Từ suy nghĩ này, chị Hòa và nhóm nghệ nhân mạnh dạn ứng dụng những họa tiết tranh Kim Hoàng trên các chất liệu khác nhau, như những viên chặn giấy in hình chú lợn, bộ lịch Xuân Kỷ Hợi, bao lì xì, phối hợp với nghệ nhân trong làng gốm Biên Hòa để làm đàn lợn rất ngộ nghĩnh…

Với ý thức trân trọng vốn cổ, cuốn sách Dòng tranh dân gian Kim Hoàng ra mắt vào dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 như lời tri ân vị tổ nghề tranh dân gian làng Kim Hoàng cũng như các nghệ nhân xưa đã có công giữ nghề để lưu truyền cho con cháu đến ngày nay. Không chỉ mong muốn góp phần khôi phục và phát triển dòng tranh Kim Hoàng, cuốn sách còn có giá trị như tư liệu khảo sát dân tộc học, khảo cổ học, thư tịch học, sử học, văn học dân gian của một ngôi làng thuần Việt, nổi tiếng xưa nay ở châu thổ sông Hồng.

Bài và ảnh: NGỌC LIÊN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/item/39148102-sac-xuan.html