Sách của Giáo sư Hồ Ngọc Đại không đạt thẩm định: Sửa sách hay thông tư?

Hội đồng quốc gia thẩm định SGK lớp 1 đã chỉ ra gần 300 lỗi cần chỉnh sửa ở bộ sách Công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại. Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng cái cần sửa là Thông tư 32 và Thông tư 33 chứ không phải là bộ sách.

Liên quan tới bộ sách Công nghệ giáo dục (CNGD) do GS. Hồ Ngọc Đại làm chủ biên không đạt thẩm định, mới đây Trung tâm Công nghệ giáo dục đã gửi văn bản kiến nghị gửi lên Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ xem xét việc sách giáo khoa công nghệ giáo dục bị loại.

Trung tâm Công nghệ giáo dục cho rằng, ý kiến của hội đồng thẩm định chỉ là những đánh giá trên lý thuyết, theo tiêu chí cứng nhắc, trong khi bộ sách đã được thẩm định nhiều lần và kiểm chứng trong thực tiễn, được cuộc sống đón nhận... Đồng thời, trung tâm này bày tỏ ý kiến không đồng tình với đánh giá của hội đồng thẩm định với các lý do được trình bày, phân tích cụ thể.

Trước đó, vào ngày 12/9, Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK lớp 1 cũng đã thông tin về việc bộ SGK của GS. Hồ Ngọc Đại làm chủ biên không đạt thẩm định với 3 cuốn: Tiếng việt, Toán và Đạo đức. Lý do được đưa ra là không đáp ứng với 13 tiêu chí của Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT, đồng thời chỉ ra gần 300 nội dung, chi tiết cần phải sửa, bỏ. Tuy nhiên, GS. Hồ Ngọc Đại đã lên tiếng sẽ không chỉnh sửa gì.

Vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh bộ sách Công nghệ giáo dục không đạt thẩm định.

Vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh bộ sách Công nghệ giáo dục không đạt thẩm định.

Sau khi nhận được kiến nghị nói trên, Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi Trung tâm Công nghệ giáo dục. Bộ nhấn mạnh, theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được quy định, Bộ GD&ĐT đã ban hành Chương trình giáo dục phổ thông kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT, vì vậy sách giáo khoa do các nhà xuất bản đề nghị thẩm định lần này phải được biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông mới ban hành kèm theo Thông tư số 32.

Theo quy định Thông tư 33, đối với các bản mẫu SGK được đánh giá "Không đạt" (Điểm c, Khoản 6, Điều 20): "Nếu các tổ chức, cá nhân có nguyện vọng tiếp tục biên soạn sách giáo khoa thì bản mẫu sách giáo khoa phải được xây dựng lại để tổ chức thẩm định, như thẩm định lần đầu";

Vì vậy, tập thể tác giả bản mẫu sách "Tiếng Việt 1", "Toán 1" do GS.TSKH Hồ Ngọc Đại chủ biên có thể tiếp tục hoàn thiện các bản mẫu SGK theo Chương trình giáo dục phổ thông ban hành tại Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT và đề nghị thẩm định lại theo quy định.

Không đồng tình với văn bản phúc đáp của Bộ GD&ĐT, PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào, cán bộ đại diện Trung tâm Công nghệ giáo dục đã chia sẻ với báo chí rằng, câu trả lời của Bộ GD&ĐT chưa thỏa đáng. Theo PGS Hào, Câu trả lời ấy mới chỉ nhắc lại các thông tư, nghị quyết mà chưa chạm đến 4 vấn đề trung tâm đã nêu. Chuyện sửa chữa không phải là chuyện đơn giản, trường hợp điều chỉnh Thông tư dễ hơn là sửa sách.

GS. Hồ Ngọc Đại khẳng định sẽ không có bất kỳ sự điều chỉnh nào với bộ sách của mình.

Trước câu chuyện bộ SGK của GS. Hồ Ngọc Đại không đạt thẩm định, Hội đồng thẩm định đề nghị sửa tới gần 300 chi tiết, PSG.TS. Phạm Văn Tình - Tổng thư kí Hội Ngôn ngữ học Việt Nam với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác thẩm định sách cho biết, chúng ta không nên băn khoăn việc phải sửa nhiều chi tiết mà chúng ta chỉ nên băn khoăn việc sửa chi tiết có hướng đến định hướng chương trình mới và có tính khả thi hay không.

"Trên thực tế, đã có những cuốn sách phải điều chỉnh tới cả nghìn chi tiết, sau đó mới hoàn chỉnh. Do đó, tôi nghĩ đánh giá bộ SGK là vấn đề hệ trọng và chúng ta cần đánh giá thật khách quan. Quá trình thực thi sẽ bộc lộ những ưu và khuyết điểm, còn đánh giá của hội đồng thẩm định có thể chưa phải là đáp án cuối cùng. Phản ứng và ý kiến trái chiều của dư luận cũng là việc bình thường, thể hiện sự quan tâm tới giáo dục, đây là điều đáng mừng. Thông tư 33 giống như là đề bài, các nhà viết sách cần thực hiện theo đề bài đó" - PGS. TS Phạm Văn Tình chia sẻ.

Ngô Hoàng Anh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/sach-cua-giao-su-ho-ngoc-dai-khong-dat-tham-dinh-sua-sach-hay-thong-tu-20191001214508152.htm