Sách giáo khoa Vật lý: Sai đến độ chỉ còn cách... viết lại

Cuối tháng 8/2005, một cuộc họp về sách giáo khoa (SGK) Vật lý của các nhà sư phạm và khoa học được tổ chức tại Viện Vật lý để thảo luận về những sai sót của SGK Vật lý phổ thông.

Ý kiến nhà “LED học”

Về kiến thức, tiến sĩ Vật lý Nguyễn Văn Khải đưa ra nhiều ví dụ, trong đó có chuyện hết lớp 9, rất nhiều học sinh ta phải đi làm, phải học nghề nhưng về điện họ mới biết dòng điện trong kim loại, còn học sinh nước ngoài, cụ thể ở Nga, lớp 8 đã biết bản chất dòng điện trong chất điện phân, trong chất khí, trong chân không, trong bán dẫn cũng như nguyên lý hoạt động và ứng dụng trong thực tế của các linh kiện điện tử, diod bán dẫn chỉnh lưu, đèn điện tử chân không 2 cực, 3 cực, bóng bán dẫn 3 cực, quang tử, pin mặt trời... Công nhân của Việt Nam chưa được học hết lớp 12 sẽ xử sự như thế nào trước những linh kiện này?

Đã nhiều năm nghiên cứu về LED (light emitting diodes), TS Khải cho rằng "có thể cười và khóc chảy nước mắt khi SGK Vật lý lớp 7 bài 22 trang 61 gọi LED là đèn có cấu tạo gồm hai bản kim loại to, nhỏ khác nhau. Đặt trong 1 hình trụ nhựa, hai bản này cách nhau 1 khoảng khá xa. Vậy tại sao LED phát sáng khi có dòng điện chạy qua và chỉ cho dòng điện đi theo chiều từ cực nhỏ đến cực lớn? Rất nhiều giáo viên và học sinh cho rằng giữa 2 cực là chân không có cho khí có thể phát sáng các màu đỏ, lá cây, vàng giống như người ta cho khí neon vào bóng đèn bút thử điện (cũng cùng bài). Họ nghĩ rằng nước từ ống nhỏ sang ống lớn thì dễ, ngược lại thì khó cho nên dòng điện chỉ đi từ cực nhỏ sang cực lớn. Đây là sai lầm cơ bản.

TS Nguyễn Văn Khải đang thực hiện vai trò chủ biên từ điển Vật lý nhằm sửa lại những điều sai trong SGK Vật lý. Ông công bố các số điện thoại cá nhân: 04 6645023 và 0904183670 để giải đáp cho bất cứ ai thắc mắc những chỗ sai sót của SGK Vật lý phổ thông.

Theo TS Khải, LED được chế tạo, đưa ra thị trường năm 1970, trong thực tế không bao giờ có đầu bằng, vì điểm phát sáng rất bé nên phía trên phải có dạng nửa hình cầu để có thể phát ánh sáng tán xạ trong phạm vi 180 độ về mọi hướng giúp người ta nhìn thấy nó. LED là dẫn điện 1 chiều, phần tử dẫn diện trong LED và phát sáng trong LED là lớp bán dẫn P - N được tạo từ 2 chất bán dẫn (AlInGaP và InGaN) dòng điện chỉ chạy theo chiều từ bán dẫn P sang bán dẫn N và ở giữa miền tiếp xúc giữa 2 lớp bán dẫn này có ánh sáng phát ra. Để có màu sáng khác nhau, người ta sẽ đưa thêm một số tạp chất khác nhau vào hoặc là trong lớp "nhựa" cho thêm các chất huỳnh quang. Với các tư liệu đã quá cũ, SGK lớp 7 trang 67, bài 24 giới thiệu rằng dòng điện qua LED từ 1mA, thực tế từ năm 1995, tức là trước lúc cuốn SGK này được viết, LED có dòng định mức cực đại là 350mA và có hiệu điện thế định mức là 10V.

TS Khải còn nhận xét: Do bài đầu tiên của SGK Vật lý lớp 7, dòng 11 trang 5 đã sai nên sau 2 năm học, tất cả học sinh và các giáo viên dạy Vật lý đều ghi trong SGK hoặc trong vở bài tập: dây tóc bóng đèn tự nó phát ra ánh sáng gọi là nguồn sáng vì ở dòng 7 (dưới lên, trang 5) có ghi nguồn sáng là vật tự nó phát ra ánh sáng. Nghĩa là chỉ cần mua bóng điện về treo mà không cần mua dây điện! Bài 16 dùng bình nhiệt lượng kế có dây đốt điện trở 5W. Ở bài 18, dây đốt lại phải có điện trở 6W mà trong danh mục thiết bị giáo dục của Bộ lại là 6,5W. Giữa người làm thiết bị và người viết sách đã lệch pha.

Ý kiến các nhà sư phạm vật lý

Theo GS-TS Nguyễn Xuân Chánh: SGK Vật lý có nhiều kiến thức sai, thí nghiệm không làm được. Sau quá trình giảng dạy, thầy và trò gặp rất nhiều khó khăn. Điều quan trọng nhất là SGK không giúp học sinh tự học được. GS Đàm Trung Đồn đồng ý với ý kiến của TS Khải, đó là phải định nghĩa thế nào là giảm tải. Vì ít kiến thức quá mà lại dàn trải khiến học sinh ức chế. PGS-TS Lê Ngọc Long thì cho rằng sau khi đọc xong nhiều bài vật lý, ông chẳng thể hiểu học sinh nên làm cái gì? GS-TS Phan Hồng Khôi góp ý rằng cần khảo sát, điều tra một cách nghiêm túc xem hiện nay học sinh học, làm thí nghiệm như thế nào.

Vậy phải xử lý những cái sai như thế nào? Cuộc họp đã đi đến kết luận sách có quá nhiều điểm sai nên không thể đính chính, bổ sung mà phải viết lại SGK Vật lý từ lớp 6 trở lên. Bởi tiền chi cho viết lại sách sẽ rất nhỏ so với cái nguy là tư duy, kiến thức học sinh đều sai. Năm 2000, GS-VS Nguyễn Văn Hiệu đã nói Hội Vật lý sẽ đề nghị Bộ Giáo dục - Đào tạo phát động mọi người viết sách rồi chọn ra những quyển hay nhất để dạy. Song, kết quả là Bộ chỉ chọn một số người chưa dạy học sinh phổ thông mà chỉ dạy giáo học pháp với những kiến thức quá lạc hậu để viết sách. Do đó, khi viết lại SGK phải tập hợp được các nhà khoa học, sư phạm và thực nghiệm giỏi, lý thuyết sâu để trình bày đơn giản và đề ra những thí nghiệm đơn giản với một chương trình, kiến thức chuẩn.

Kiều Hương

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/giao-duc/sach-giao-khoa-vat-ly-sai-den-do-chi-con-cach-viet-lai-159797.html