Sách lậu, sách giả: Lãi to nhưng phạt nhẹ

Nạn sách giả, sách in lậu tại Việt Nam đang ngày một lộng hành trên quy mô cả nước theo cả chiều sâu lẫn chiều rộng với những phương thức, thủ đoạn tinh vi; đặc biệt, tập trung tiêu thụ trên các trang thương mại điện tử (TMĐT) để hạn chế sự kiểm soát của các cơ quan pháp luật.

Thủ đoạn tinh vi

Theo số liệu của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong 2 năm 2017 -2018, đơn vị này đã xử phạt 838 triệu đồng đối với 13 tổ chức và 6 cá nhân vi phạm pháp luật về xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm. Ngay trong tháng 5/2019, Đoàn liên ngành phòng, chống in lậu trung ương đã phát hiện và xử lý một cơ sở kinh doanh sách ở phố Trần Bình (quận Cầu Giấy, Hà Nội) tàng trữ trên 16.500 bản sách không có hóa đơn, chứng từ thể hiện nguồn gốc hợp pháp.

Theo ông Lê Thành Anh - Phó Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, các đối tượng tổ chức in lậu, làm giả thường sử dụng các quyết định xuất bản đã hết hiệu lực để in vượt số lượng hay in xuất bản phẩm không có quyết định xuất bản của cơ quan có thẩm quyền…; có sự cấu kết chặt chẽ với nhiều thủ đoạn tinh vi, kinh nghiệm đối phó với cơ quan chức năng như: Phân chia các công đoạn làm sách thực hiện ở địa điểm khác nhau, sau đó gia công, hoàn thiện ở nhiều nơi và được phân tán nhanh về các điểm phân phối tung ra thị trường.

Giám đốc First News - Trí Việt Nguyễn Văn Phước đưa ra một ví dụ đáng giật mình: 128 đơn hàng mua sách ngẫu nhiên công ty thử đặt hàng từ tất cả các sàn, công ty TMĐT bán sách online đều có kết quả là sách in lậu, sách giả. "Ngoài 128 đơn hàng này, chúng tôi có trên 500 chứng cứ bán sách giả, sách in lậu của các công ty, các sàn TMĐT bán sách trong cả nước do bạn đọc gửi về" - ông Phước cho biết.

Mức xử phạt chưa đủ sức răn đe

Chia sẻ về vấn nạn sách lậu, ông Nguyễn Ngọc Bảo - Phó cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành - cho rằng, một trong những nguyên nhân là do hệ thống văn bản, chế tài xử lý của pháp luật chưa thật đầy đủ; khung hình phạt đối với hành vi này thấp, chưa nghiêm khắc.

Đơn cử, theo quy định của Bộ Luật Hình sự hiện hành có cả khung hình phạt tù lẫn phạt hành chính khiến cho việc áp dụng, xử lý thường được chuyển sang phạt hành chính (từ 20 triệu đến 200 triệu đồng). Đồng thời, mới chỉ có chế tài đối với hành vi in lậu mà chưa quy định đối với hành vi phát hành sách in lậu, sách giả. Trong khi lợi nhuận từ việc in và tiêu thụ sách lậu là hàng chục, hàng trăm tỷ đồng mỗi năm thì những khoản phạt này là không đáng kể.

Chính vì thế, tại Hội thảo Chống Xuất bản phẩm lậu do Đại sứ quán Anh tại Việt Nam và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phối hợp tổ chức mới đây, đại diện các nhà xuất bản đã đề xuất giải pháp với các cơ quan quản lý nhà nước về việc tổ chức rà soát, bổ sung các quy định, chế tài xử lý hành vi in lậu, in trái phép, tàng trữ, tiêu thụ sản phẩm in giả… sao cho đầy đủ, bao quát được thực tiễn, với chế tài xử phạt nghiêm khắc, có tính răn đe cao để các đối tượng không dám vi phạm.

"Việc phòng, chống in và tiêu thụ sách lậu cần có sự góp sức chủ động, tích cực của toàn xã hội" - ông Nguyễn Văn Phước nhấn mạnh.

Theo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, từ năm 2010 đến nay, có gần 500.000 bản sách giáo dục và hơn 8 tấn thành phẩm sách giáo dục in lậu dở dang đã bị phát hiện và xử lý tại hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước.

Thu Hà

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/sach-lau-sach-gia-lai-to-nhung-phat-nhe-121813.html