Sách nhiễu giảm, tàu 'lướt' nhanh vì cải cách hành chính trong Hàng hải

Nửa cuối tháng 4/2018, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể tuyên bố Bộ này cắt giảm, đơn giản tới gần 400 điều kiện kinh doanh thuộc ngành quản lý. Trong đó, ngành Hàng hải cắt bỏ, sửa đổi 123 điều kiện, và tiếp tục được ghi nhận là một trong những đơn vị đi đầu trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Áp dụng giấy phép điện tử, các Cảng vụ Hàng hải ít tiếp xúc, giải quyết công việc trực tiếp với thuyền viên, chủ tàu

Thực tế trên rõ ràng đang lợi cho người dân và doanh nghiệp hoạt động, kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải. Nhưng với cơ quan chuyên ngành, cách nào để duy trì được vai trò quản lý Nhà nước đối với một lĩnh vực vốn rộng lớn như… biển khơi?

“Cắt giảm nhưng không buông lỏng quản lý”

Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang khẳng định điều này trong bối cảnh ngành GTVT nói chung và lĩnh vực hàng hải nói riêng đang hành động theo phương châm vì “người dân, doanh nghiệp phục vụ”, bởi thực tế hàng loạt thủ tục hành chính từng là nỗi sợ hãi một thời của nhiều người đang từng ngày “biến mất”.

“Trước đây, một con tàu nội địa ra, vào cảng thủ tục phải mất từ 3 - 6 tiếng nhưng giờ không quá 30 phút. Các thủ tục thưa, gửi… theo hình thức thủ công đã giảm xuống. Thay vào đó là việc kiểm tra, giải quyết các đòi hỏi hỏi về giấy tờ được thực hiện theo hình thức điện tử trên mạng internet rất nhanh và gọn”, ông Vũ Thế Quang - Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn, dẫn chứng.

Như trên đã nêu, việc cắt giảm, đơn giản thủ tục hành chính, ngành GTVT đang muốn mở toang “cánh cửa” để hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực vận tải đường biển thêm thuận lợi. Nhưng ở một gốc độ khác, việc này với một bộ phận thực thi công vụ, đang bị coi là… mất quyền?

“Trước kia, quy định thủ tục để tàu ra, vào cảng mất hàng giờ đồng hồ. Một số chủ tàu không muốn sốt ruột vì chờ lâu thì phải tìm cách tiêu cực với cảng vụ để được nhanh. Nhưng nay khác, quy định trong chừng ấy phút, “anh” phải kiểm tra dữ liệu trên hệ thống để trả lời đồng ý hoặc không đồng ý với chủ tàu và các bộ phận liên quan”, Cục trưởng Hàng hải Việt Nam nói, đồng thời khẳng định thêm rằng: “Mọi thứ đang mở và dần công khai. Nhưng, chúng tôi vẫn có cơ chế duy trì vai trò quản lý nhà nước bằng việc tăng cường hậu kiểm. Bên cạnh đó, cũng tìm cách đảm bảo thu nhập cho cán bộ làm việc trực tiếp phía dưới để anh, em yên tâm công tác”.

Sau khi kiểm tra hồ sơ trên mạng,trong vòng 30 phút, Cảng vụ Hàng hải phải trả lời đồng ý hoặc không đồng ý đề nghị của các chủ tàu

“Hậu trường” rút ngắt thủ tục từ 6 tiếng xuống 30 phút

“Để có những thay đổi đáng kể trên, hơn chục năm trước, Cục Hàng hải Việt Nam đã xây dựng hệ thống mạng nội bộ intranet kết nối dữ liệu với 23 Cảng vụ hàng hải trong cả nước. Tin học hóa công tác quản lý nhà nước về hàng hải là tiền đề quan trọng để giảm thời gian và thủ tục không cần thiết… cho người dân, doanh nghiệp”, ông Lê Nam Tuấn - Trưởng phòng Khoa học - Công nghệ & Môi trường (Cục Hàng Hải Việt Nam) khẳng định.

Cụ thể, từ năm 2014, Cục là đơn vị đầu tiên của Bộ GTVT tham gia Cổng thông tin điện tử một cửa Quốc gia. Hiện, đang có 9 Cảng vụ Hàng hải là Quảng Ninh, Hải Phòng, Vũng Tàu, TP.HCM, Nha Trang, Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Đà Nẵng đã thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với 3 thủ tục hành chính cho tàu thuyền Việt Nam và nước ngoài xuất, nhập và quá cảnh.

“Chỉ trong 1 năm 2017, tổng số hồ sơ điện tử được tiếp nhận, phê duyệt cho tàu thuyền Việt Nam và nước ngoài xuất, nhập, quá cảnh qua 9 Cảng vụ trên đạt gần 4 vạn hồ sơ (97%). Từ đầu năm 2018 đến nay, chúng tôi đã giải quyết gần 9.000 hồ sơ cấp giấy phép điện tử - ký số.

Có thể nói, việc giải quyết các thủ tục qua mạng đã giúp thuyền viên, chủ tàu ít phải đi lại, còn cơ quan quản lý thì không còn lo mất hộ chiếu khi làm thủ tục theo hình thức thủ công trước đó. Thậm chí, việc kê khai, đăng ký qua mạng còn triệt tiêu được tiêu cực do không còn chuyện gặp gỡ trực tiếp với cán bộ”, lời Cục trưởng Sang.

Ngoài ra, Cục Hàng hải Việt Nam cũng triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng chính thức phần mềm ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 (18 thủ tục) đối với nhóm thủ tục hành chính đăng ký tàu biển.

“Hiện nay, cơ sở dữ liệu điện tử về đăng ký tàu biển đang được cung cấp công khai để phục vụ người dân, doanh nghiệp trên website của Cục, với số lượng tàu biển treo cờ Việt Nam được cập nhật trong cơ sở dữ liệu này là 1.585 tàu biển”, ông Lê Nam Tuấn dẫn chứng.

Rõ ràng, với quyết tâm chính trị và sức mạnh của tin học, những thủ tục rườm rà, nhiêu khê, tạo kẽ hở cho tiêu cực và sách nhiễu… trong quản lý nhà nước về hàng hải đã và đang được đẩy lùi.

“Tàu thuyến vì thế được lưu thông thông suốt hơn, hàng hóa luân chuyển nhanh hơn, kinh tế vận tải biển dần có điều kiện bật lên và khai thác hết dư địa... Đấy chính là mục tiêu cuối cùng của việc đơn giản, cắt giảm thủ tục hành chính”, lời Cục trưởng Sang.

Kiến Giang

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/chinh-sach/sach-nhieu-giam-tau-luot-nhanh-vi-cai-cach-hanh-chinh-trong-hang-hai-402715.html