Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản: Trụ cột Mỹ đối phó Nga-Trung-Triều

Cùng với Trung Quốc và Triều Tiên, Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản xếp Nga vào danh sách mối đe dọa nguy hiểm nhất, cần có sự hỗ trợ của Mỹ.

Nhật Bản nhấn mạnh mối đe dọa từ Nga và Trung Quốc, Triều Tiên

Hôm 26/9, Nhật Bản đã công bố Sách trắng Quốc phòng - báo cáo thường niên về tình trạng quốc phòng của đất nước. Ngoài sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc và nguy cơ đến từ Triều Tiên, Sách trắng cũng đề cập đến mối đe dọa lớn đến từ phía Moscow, khi Nga đang tăng cường sự hiện diện quân sự trên Quần đảo Kuril.

"Tại Quân khu phía Đông, Nga tiến hành các cuộc tập trận quân sự Vostok. Ở ‘Vùng lãnh thổ phương bắc’ (Nhật Bản gọi như vậy về quần đảo Kuril), Moscow tiếp tục triển khai các đơn vị quân đội và tăng cường hoạt động quân sự" - Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono nêu rõ khi công bố Sách trắng.

Người Nhật lo ngại về việc Nga đã triển khai các hệ thống tên lửa bờ đối hạm 3K60 Bal và K-300P Bastion-P trên quần đảo Iturup và Kunashir vào mùa thu năm 2016.

Nhật Bản cũng không quên nhắc nhở về một yếu tố đáng báo động khác là Nga và Trung Quốc đang mở rộng quan hệ quân sự. Hai nước này đã ký kết một thỏa thuận 5 năm trước về việc Bắc Kinh mua sắm hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumph của Nga.

Sách Trắng chỉ ra rằng, các cuộc tập trận Nga-Trung ở vùng Biển Nhật Bản là mối đe dọa nghiêm trọng đối với tiềm năng phòng thủ của Nhật Bản. Hơn nữa, máy bay chiến đấu của Nga đã liên tục vi phạm không phận của nước này vào tháng 6 và tháng 7 năm nay.

Tuy nhiên, Sách trắng cũng đề cập đến những thay đổi tích cực. Các tác giả không nói về các vấn đề cụ thể, nhưng lưu ý đến đóng góp cá nhân của Thủ tướng Shinzo Abe vào việc cải thiện quan hệ với chính quyền của ông Vladimir Putin.

Tuy nhiên, cũng như vào những năm trước, Nga cũng chỉ là “mối quan ngại thứ ba”, nguy cơ lớn nhất của Nhật Bản là Trung Quốc và sau đó là Triều Tiên.

Bộ trưởng Kono giải thích rằng, Bắc Kinh đang gia tăng nhanh chóng chi tiêu cho quân sự, đang triển khai các vũ khí trên biển và trên không, đang gia tăng hoạt động gần quần đảo Senkaku (quần đảo tranh chấp với Trung Quốc, có tên gọi là đảo Điếu Ngư). Còn Triều Tiên sở hữu các tên lửa đạn đạo, mà Nhật Bản nằm trong bán kính tấn công, điều đó cho thấy rằng, nước này đang tăng cường sức mạnh công nghệ quân sự.

Dựa trên đánh giá về những mối đe dọa này, Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản 2019 kêu gọi giới lãnh đạo chính quyền Tokyo tăng chi tiêu quốc phòng. Các nhà phân tích cho rằng, 45 tỷ USD được phân bổ cho ngành quốc phòng là không đủ để chống lại các mối đe dọa đó.

Bộ Quốc phòng nước này nhấn mạnh, kế hoạch trước mắt của quân đội Nhật Bản là tạo ra hệ thống theo dõi tình hình trong không gian, và thành lập một tổ hợp để ngăn chặn các cuộc tấn công mạng.

Nguy cơ gia tăng trong tranh chấp lãnh thổ với Nga

Mối đe dọa từ phía Nga cũng đã được đề cập đến trong Sách Trắng Quốc phòng Nhật Bản những năm vừa qua; nhưng trước đây, mối đe dọa này không thu hút sự chú ý lớn như vậy, đặc biệt là khi nó liên quan đến vấn đề tranh chấp lãnh thổ, ở quần đảo Kuril.

Trong cuộc phỏng vấn của Hãng thông tấn Nga Sputnik, các chuyên gia đã nêu lên ý kiến rằng, Nhật Bản có cách tiếp cận khác tới chủ đề này vì đã có những thay đổi trong nhóm các tác giả biên soạn Sách trắng. Năm nay, tân Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono là người công bố Sách trắng Quốc phòng.

Trước đó, ông Kono giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao, đã tham gia giám sát đối thoại với Moscow và từng nhiều lần nhấn mạnh về “sự gắn kết về mặt tinh thần” với người Nga. Nhưng, xét theo những tuyên bố trong Sách trằng, "sự gắn kết đó" không giúp được gì, Nga vẫn được coi là mối đe dọa rất lớn.

Trung tướng nghỉ hưu Evgeny Buzhinsky, CEO Trung tâm PIR của Nga cho biết, trong cuộc đàm phán với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, ông Taro Kono đã mấy lần đề xuất sáng kiến thiết lập sự kiểm soát riêng đối với Kunashir và Iturup. Và trước thềm Hội nghị thượng đỉnh, ông đã quả quyết rằng, "Bộ Ngoại giao Nhật Bản ủng hộ mạnh mẽ các sáng kiến hòa bình của các quốc gia về “Vùng lãnh thổ phương bắc”.

Nga và Nhật Bản đang có tranh chấp lãnh thổ ở Quần đảo Kuril (hay “Vùng lãnh thổ Phương Bắc”)

Nga và Nhật Bản đang có tranh chấp lãnh thổ ở Quần đảo Kuril (hay “Vùng lãnh thổ Phương Bắc”)

Mùa đông năm ngoái, "diều hâu của Nhật Bản" - như ông Kono được gọi ở Tokyo - đã gây ra một vụ scandal. Ông đã tuyên bố rằng, Nga nên bồi thường liên quan đến quần đảo Nam Kuril và chỉ sau đó mới có thể ký hiệp ước hòa bình về kết quả Chiến tranh thế giới thứ hai.

Lời tuyên bố của ông Kono đã gây bất ngờ không chỉ cho Moscow. Dường như các nhà ngoại giao Nhật Bản đã nói rằng, họ sẵn sàng từ bỏ quyền đòi bồi thường liên quan đến quần đảo này.

Tuyên bố này đã gây ra rất nhiều sóng gió, đến mức đích thân Thủ tướng Shinzo Abe đã phải can thiệp. Ông cho biết rằng, tại các cuộc gặp với Tổng thống Nga Putin, hai bên không bao giờ nêu lên vấn đề bồi thường.

Điều đáng chú ý là đối với ông Abe, việc giải quyết cuộc tranh chấp lâu dài với Nga là một trong những nhiệm vụ chính trong nhiệm kỳ chức vụ thủ tướng.

Và ông Vladimir Putin cũng nhiều lần nhấn mạnh, Moscow cũng muốn ký kết thỏa thuận hòa bình với Tokyo; tuy nhiên, với một điều kiện là Nhật Bản phải công nhận chủ quyền của Nga đối với các đảo thuộc Quần đảo Kuril.

Nhật Bản đặt niềm tin vào Mỹ

Trong Sách trắng Quốc phòng năm nay, Mỹ - nước đồng minh chủ chốt của Nhật Bản xếp vị trí số 1. Theo đánh giá trong Sách trắng, sự hiện diện và sẵn sàng chiến đấu của quân đội Hoa Kỳ tại Nhật Bản đảm bảo hoạt động đầy đủ của liên minh quân sự Mỹ-Nhật. Hợp tác với Washington vẫn là một công cụ răn đe quan trọng trong khu vực.

Theo ý kiến của ông Rafael Sattarov, chuyên gia về vấn đề đối ngoại, hiện đang sống ở Mỹ, khi giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao, ông Taro Kono đã chủ trương mở rộng liên minh chiến lược với Washington và hiện nay ông sẽ tiếp tục thực hiện chính sách này với tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng.

"Trong Sách trắng có nhiều lời lẽ tán dương Hoa Kỳ. Kết luận chính cho thấy, người Mỹ vẫn là niềm hy vọng chính của Nhật Bản để chống lại hầu hết các mối đe dọa. Bản báo cáo của ông Kono nhắc nhở với Washington rằng, người Nhật sẽ dựa vào Hoa Kỳ" - ông Sattarov nhấn mạnh.

Chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Nga (RISS) là Tiến sĩ Andrei Gubin cho rằng, không chỉ trong Sách trắng, mà cả trong cách tiếp cận chung của người Nhật đến vấn đề phòng thủ, lập trường hướng về phía Mỹ luôn chiếm ưu thế.

Theo ông Gubin, việc Nga đang tăng cường sự hiện diện quân sự ở vùng Thái Bình Dương, trong khu vực quần đảo Kuril và bán đảo Kamchatka là điều khá tự nhiên, bởi chương trình hiện đại hóa nhóm quân Nga ở khu vực này là một phần trong chương trình tái vũ trang cho Lục quân, Hải quân và Không quân của đất nước.

Vị chuyên gia này nhấn mạnh, ở quần đảo Kuril, các công việc này đã bắt đầu vào năm 2010 và hoạt động này không nhằm chống lại Nhật Bản. Dưới thời Liên Xô, quần đảo Kuril đã là một tiền đồn phòng thủ, và bây giờ Nga chỉ đơn giản là đang quay trở lại với điều đó.

Trong khi đó, Tokyo lên kế hoạch triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis của Mỹ trên lãnh thổ nước mình (cả trên bộ lẫn trên biển). Các hệ thống này sẽ nhắm vào ai? Chỉ Trung Quốc hay Triều Tiên? Rõ ràng đây cũng là một mối đe dọa đối với Moscow.

"Nếu Aegis được triển khai ở Okinawa, Nga có thể tin người Nhật tuyên bố rằng, hệ thống này chỉ chống lại Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên. Nhưng, nếu Aegis được triển khai ở Hokkaido, thì việc củng cố biên giới Nga có vẻ hoàn toàn hợp lý" - chuyên gia kết luận.

Nhà phân tích chính trị này kết luận với Sputnik rằng, về mặt chiến lược, ở vùng Viễn Đông, Nga đang đối mặt Hoa Kỳ chứ không phải Nhật Bản.

Sau khi Tokyo và Wshington ký kết hiệp ước an ninh năm 1960, Nhật đã mất độc lập trong lĩnh vực quốc phòng và vị trí của Mỹ không thể lay chuyển cho đến ngày nay. Điều này gây sự lo ngại của Nga, đặc biệt khi hai bên đang đàm phán về một hiệp ước hòa bình.

Nhật Nam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/sach-trang-quoc-phong-nhat-ban-tru-cot-my-doi-pho-nga-trung-trieu-3388780/