Sách vàng cổ nhất của triều Nguyễn

Trong 94 kim sách triều Nguyễn lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, kim sách tấn phong Quốc mẫu Vương Thái phi có niên đại sớm nhất.

Kim sách tấn phong Quốc mẫu Vương Thái phi Nguyễn Thị Hoàn có niên đại Cảnh Hưng thứ 57 (1796) - tức là khi Nguyễn Ánh chưa lên ngôi, và mới chỉ khôi phục được vùng đất Gia Định.

Kim sách sớm nhất triều Nguyễn

Theo thông tin từ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, hiện đơn vị đang lưu giữ 94 bảo vật hoàng cung kim sách triều Nguyễn - một loại thư tịch cổ đặc biệt, được làm từ các kim loại quý, dùng để ghi lại việc chính sự, lễ nghi triều đình như sự kiện các hoàng đế lên ngôi, lập thái tử, hoàng hậu hoặc ghi công, phong tước và dâng, ban tôn hiệu, tôn thụy cho hoàng thân, quốc thích...

Kim sách triều Nguyễn mà bảo tàng đang lưu giữ bằng vàng và bạc mạ vàng. Kim sách làm theo khổ chữ nhật đứng, bìa trước và sau trang trí hình rồng 5 móng hoặc hình phượng, gáy đóng 4 khuyên tròn.

Bối cảnh ra đời, mục đích, nội dung của các quyển kim sách hầu hết được ghi chép trong các tư liệu do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn như: Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện, Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ...

Mỗi hiện vật kim sách không những chứa đựng thông tin giá trị lịch sử - văn hóa triều đại nhà Nguyễn mà còn là di sản rất có giá trị đối với hậu thế. Từ năm 2016, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia từng tổ chức trưng bày 21 kim sách tiêu biểu và 10 kim bảo liên quan.

Trong một nghiên cứu về kim sách của TS Nguyễn Đình Chiến do Cục Di sản Văn hóa công bố, khẳng định Việt Nam đến nay chưa phát hiện được quyển kim sách nào thời Lý, Trần. Nhà nghiên cứu Đinh Khắc Thuân thuộc Viện Nghiên cứu Hán Nôm lại từng công bố một quyển sách đời nhà Mạc, niên hiệu Cảnh Lịch. Tuy nhiên, kim sách thời Mạc lại làm bằng đồng mạ vàng chứ không phải bằng vàng hoặc bạc mạ vàng như của triều Nguyễn.

Sau thời Mạc, giới nghiên cứu còn tìm thấy 2 quyển sách đồng ghi niên hiệu Hồng Đức thời vua Lê Thánh Tông. Trong đó, 1 quyển lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, quyển còn lại bảo lưu trong đền Cầu Không thuộc xã Bắc Lý (Lý Nhân - Hà Nam).

Phóng viên từng tận mắt thấy quyển sách này. Theo văn tự thì sách có tên là Cầu Không từ ký, với tổng số 582 chữ Hán, hai trang ruột có 19 dòng đứng, dòng ít nhất có 1 chữ, dòng nhiều là 37 chữ, mỗi lá đồng khắc chữ Hán nổi áp lại với nhau tạo thành trang. Gáy sách được đóng bằng 4 khuyên tròn, sách ghi rõ ngày làm ra là mùng 6/3 năm Hồng Đức thứ 3 (1472).

Nội dung sách cho biết sự kiện vua Lê Thánh Tông được vị thần ở ngôi đền trên cầu thuộc địa phận Cầu Không ứng mộng giúp đánh thắng Chiêm Thành năm 1470. Sau khi thắng trận, vua ra lệnh làm cầu, trùng tu đền thần, đặc ban việc thờ tự, khắc vào sách đồng để ghi nhớ. Bởi vậy, người địa phương gọi quyển sách này là Khâm ban đồng bài.

Nếu như Cầu Không từ ký là kim sách cổ nhất thời Lê thì sách tấn phong Quốc mẫu Vương Thái phi lại được xác định có niên đại sớm nhất triều Nguyễn. Điều đặc biệt, dù được liệt vào triều Nguyễn nhưng kim sách ra đời ngày 7 tháng 10 năm Cảnh Hưng thứ 57 (1796) thời Lê trung hưng - khi Nguyễn Ánh được tôn làm Đại Nguyên soái Nhiếp quốc chính.

Kim sách lưu giữ tại đền Cầu Không (Lý Nhân - Hà Nam).

Hoàng Thái hậu đầu tiên

Kim sách tấn phong Quốc mẫu Vương Thái phi là 1 trong 27 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia vào ngày 30/1 vừa qua. Theo hồ sơ bảo vật, kim sách này có hai tờ bạc mạ vàng, nặng 3,475 kg. Mặt trước và mặt sau kim sách để trơn, bên trong khắc 254 chữ Hán.

Bà Nguyễn Thị Hoàn là ai, và vì sao được tấn phong Quốc mẫu Vương Thái phi? Các nguồn sử liệu cho biết, bà Nguyễn Thị Hoàn (1736 - 1811) là con gái Diễn quốc công Nguyễn Phúc Trung. Bà là chính thất phu nhân của Nguyễn Phúc Côn và sinh được bốn người con - trong đó, Nguyễn Ánh (tức Gia Long) là con thứ hai.

Bà đã theo Nguyễn Ánh phiêu dạt nay đây mai đó trong các cuộc chiến với quân Trịnh và quân Tây Sơn. Giai thoại kể rằng bà luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho con trai nuôi ý chí khôi phục giang sơn. Khi Nguyễn Ánh đi thuyền đến đảo Côn Lôn, trôi dạt ngoài biển 7 ngày, trên thuyền hết nước uống thì bỗng có dòng nước nhạt chảy ra, có thể uống được. Khi gặp lại mẹ, Nguyễn Ánh thuật lại chuyện, bà nói: Gió lớn ở đảo Côn Lôn, giữa biển có nước ngọt, có thể biết là lòng trời ngầm giúp cho con, con chớ nên lấy sự khó nhọc ấy mà tự nản chí.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đang lưu giữ 94 bảo vật hoàng cung kim sách triều Nguyễn.

Nhớ công lao người mẹ, và thể hiện sự hiếu lễ của một người con, tháng 10/1796 Nguyễn Ánh dẫn quần thần dâng sách và ấn vàng tôn phong bà làm Quốc mẫu Vương Thái phi. Khi chiếm được Phú Xuân (1801), Nguyễn Ánh lại ra ơn miễn mọi dịch thân thuế cho làng An Du - nơi từng cưu mang mẹ ông.

Năm 1802 sau khi lên ngôi vua, Gia Long tôn mẹ làm Vương Thái hậu. Năm 1806 lại dâng kim sách tôn bà làm Hoàng Thái hậu. Như vậy bà Nguyễn Thị Hoàn trở thành Hoàng Thái hậu đầu tiên của triều Nguyễn. Có lẽ bởi vậy, kim sách tấn phong cũng có sự khác biệt - khi mỗi tờ dày 0,6 cm, gấp 3-5 lần độ dày của nhiều kim sách khác.

Nghiên cứu của TS Nguyễn Đình Chiến cho thấy kim sách triều Nguyễn do Ngự xưởng chế tạo theo quy chuẩn về kích thước, trọng lượng, với trang trí hoa văn rồng hay phượng dập nổi cùng diềm hồi văn hoa chanh, hoa sen và sóng nước rất chi tiết, tỉ mỉ.

Tuy nhiên, kim sách tấn phong Quốc mẫu Vương Thái phi Nguyễn Thị Hoàn vẫn chưa rõ có phải do Ngự xưởng chế tạo, hay do một cơ quan nào đó là tiền thân của Ngự xưởng triều Nguyễn sau này.

Trần Hòa / Giáo dục Thủ đô - Giáo dục & Thời đại

(Zing đặt lại tiêu đề bài viết)

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/sach-vang-co-nhat-cua-trieu-nguyen-post1400328.html