Sách với chao đèn

Sách bây giờ in quá đẹp. Đẹp không thua gì được xuất bản ở các nước G7. Giấy ấm không hại mắt, lại nhẹ tênh một cách đáng yêu.

Mùi giấy mùi mực muôn đời thân thiết, dễ chịu, như mọi thứ từng thân thiết trên đời. Riêng thứ sách in này ở Việt Nam nhìn chất lượng cũng đủ biết chúng long đong như phận người.

Ảnh minh họa

Thời Việt Nam Sử lược đã giấy ấm nhưng chưa nhẹ; chiến tranh chia cắt sách in ở hai miền nói lên hiện trạng kinh tế của từng miền; sau 1975 đói kém và bị cấm vận sách in trên giấy tái chế thô hết chỗ chê và, kinh tế mở dần dần, giấy in lại được trọng được khoe trong nhà vì sách đẹp cũng hết chỗ chê!

Thói quen tao nhã của một thế hệ sống khoan thai hậu chiến, biết bon chen cũng chẳng để làm gì, thong dong từng ngày với sách để no. Ước một túi tiền để mua bằng đủ những cuốn sách không thể thiếu trong đời sống tinh thần của mỗi con người. Nhưng trời không cho số đông nhiều tiền như họ mong ước, trời chỉ cho tiền vừa đủ song hành với thời gian vừa đủ để mỗi tháng “tiêu hóa” được năm ba đầu sách. Đông và Tây, kim và cổ, Nobel và các giải thưởng dưới đó, sách của những người mới xuất hiện được khen và cả bị chê… Năm liền năm, kệ sách không đủ chứa, mua thêm tủ để giữ sách quý, cũng vẫn không đủ để chứa, ba bốn mươi năm ghiền sách thì hàng mấy ngàn đầu sách, một gia tài đáng để tự hào.

Nhớ mãi thư phòng dưới tầng hầm của một phụ nữ nội trợ Mỹ. Chồng đi làm, vợ ở nhà chăm bầy con năm đứa. Chân dung những con người đáng trọng trên tường, Ghandi, Luther King, Mandela, Dostoievski… Những đứa con của họ được sách nuôi và chắc chắn hành vi với sách sẽ theo chúng suốt đời cùng với hình ảnh gáy sách nghiêm ngắn.

Cũng kiểu sống phong lưu ấy, ở ta là những căn hộ, hoặc biệt thự, hoặc dinh cơ không thiếu thứ gì. Tủ rượu, giàn nghe, phòng hát, piano để bày, đồ gỗ quý cầu kỳ và cả bể bơi… Nhưng tịnh không thấy đội quân sách. Cuộc đời luôn trái khoáy như vậy đó, nhà văn ước sách và thư phòng đẹp nhưng không thể trong khi những người dư thừa tiền của thì lại thấy sách là gánh nặng.

Người sống với sách thường xuyên sẽ thấy từng ý nghĩ như có sức nặng, thấy trọng lượng của mỗi con người hơn nhau ở ý tưởng, hàm lượng trí óc, phát biểu phát ngôn và cả những hành vi. Bước chân như thôi thúc lãng du, ánh nhìn thâm hậu, nói năng lựa lời, phát âm cố chuẩn, cả màu tóc dù trắng phơ nhưng như được tẩm trong suối nguồn. Hàng đêm, hàng đêm trong thanh vắng, thả người xuống giường, kê cao gối, bật đèn bàn, chồng một bên vợ một bên, hai người hai táp-đờ-nuy tự do nhịp nhàng, như một thứ nghi lễ. Thành thói quen, đến nhà ai đó hay thử quan sát họ có hai bàn sách hai đèn đọc riêng ở đầu giường không, hoặc cất lời khen, hoặc lẳng lặng thở dài.

Không hiểu người ta chán sách từ khi nào. Nói nghèo, sách đắt quá - không đúng. Nói bận, người các nước giàu họ đâu có rảnh - không đúng. Nói sách dở - càng không đúng. Vậy tại cái gì? Hình như bắt đầu từ thầy cô giáo, bởi món giáo khoa Văn không hay, không chuẩn, tóm lại không hay và không chuẩn thì dạy làm sao? Biết vậy nhưng thầy cô không dám lên tiếng (không lên tiếng mãi quen rồi). Và chính họ đưa đến cho thế hệ trẻ nỗi chán Văn, dĩ nhiên họ không có hứng thú với sách hay nữa. Bởi vì hay với họ nhưng không hay với truyền thông, không hay với chính thống, suy ra, đọc thấy choáng thấy ảm ảnh mà không chia sẻ với các em học sinh được thì nhấm nháp làm gì! Thêm chủ trương văn mẫu nữa thì môn Văn chết hẳn dẫn đến cái chết của thú vui mua sách và đọc sách.

Không ít người biện minh, sách giấy đã lỗi thời, người ta vẫn đọc sách điện tử ấy chứ. Đành rằng, đọc thế rất tiện, khi xê dịch, nhưng nên nhớ rằng điện tử của công nghệ hiện đại không giúp nâng cao tuổi thọ. Đành rằng sách in cũng khiến phá rừng, quá trình làm ra bột giấy không tốt cho sức khỏe con người. Nhưng sách điện tử nguy hại nhiều hơn, bởi sự thải loại nhanh chóng của mốt miết, của vi mạch, của pin… ấy là chưa nói đến việc lích kích và ngốn điện. Bề nào con người cũng tàn phá thiên nhiên, cũng có tội với môi trường, cũng tiến nhanh tiến mạnh đến chỗ diệt vong nhưng xem ra sách giấy là một lựa chọn tốt hơn.

Sống chậm, để hình thành bầu không khí văn hóa của thế giới riêng mình hoặc gia đình nhỏ của mình. Một chiếc bàn nhỏ xinh xinh mà chúng tôi quen gọi là táp-đờ-nuy thuận với chỗ nằm. Một cái chao đèn ưng ý nữa, bạn ơi, nó có sức quyến rũ không hơn thì cũng ngang bằng những vật dụng khác của phòng ngủ như bàn trang điểm chẳng hạn. Và đừng quên những chao đèn cao chân ở góc salon, ở cạnh sô-pha, ở bất kỳ đâu vừa là vật trang trí, vừa là nơi có thể ngồi duỗi ra với cuốn sách trên tay. Không gì cao quý và bổ ích hơn.

DẠ NGÂN (Kiến thức gia đình số 29)

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/sach-voi-chao-den-post222632.html