Sài Gòn - cuộc thi văn chương đầu thế kỷ 20

Lịch sử báo chí Việt Nam, tờ Nông Cổ Mín Đàm có thể xem là tờ báo thứ nhất của tư nhân xuất hiện ở nước ta. Mặc dù trước đó đã có tờ Phan Yên báo do Diệp Văn Cương biên tập nhưng chỉ tồn tại 2 tháng.

Tờ Nông Cổ Mín Đàm ra đời ngày 14/2/1901, giấy phép do Paul Doumer ký - Toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ. Tên tờ báo này diễn nôm có nghĩa là: “uống trà bàn chuyện làm ruộng, đi buôn”; phụ chú bằng tiếng Pháp ghi dưới tên báo cũng viết: “Causeries aux l’Agriculture et le Commerce”. Do một viên quan Tây chánh gốc có chân trong Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ là Canavaggio làm chủ bút.

Tờ báo ra hàng tuần có 8 trang, ngoài 2 trang để quảng cáo thuê cho các nhà buôn tư nhân và trang 7 dành để cổ động cho việc thành lập vựa và độc quyền bán muối của chủ bút (!). Còn lại chủ yếu xoay quanh mục “Nông Cổ” và “Kiến văn”. Tờ Nông Cổ Mín Đàm đã tồn tại gần hết phần tư đầu thế kỷ này. Và qua nhiều tay chủ bút, đáng kể nhất là thời gian (1906-1907) do Trần Chánh Chiếu làm chủ bút.

“Tuy là điền chủ giàu có ở Rạch Giá (Kiên Giang) lại nhập tịch làng Tây với tên Gilbert nhờ gặp Phan Bội Châu ở Sa Đéc, Trần Chánh Chiếu càng hăng hái, hoạt động đưa phong trào lên cao (…) yểm trợ tích cực các chiến sĩ yêu nước qua Nhật, Hương Cảng, đồng thời vận động giới điền chủ đưa con em học bên Nhật” (1).

Trên phương diện “kiến văn” đặc biệt lý thú và đáng ghi nhớ trong lịch sử văn học Việt Nam - là chính trên tờ báo này số 262 ra ngày 23/10/1906, Trần Chánh Chiếu đã khởi xướng ra cuộc thi tiểu thuyết đầu tiên trong lịch sử nền văn học quốc ngữ nước ta.

Ngày nay, tìm hiểu lại cuộc thi “tiểu thuyết” cách đây tròn 80 năm không phải là chuyện vô bổ. Tôi nghĩ, đó cũng là cái mốc đáng chú ý cho tất cả những ai quan tâm tìm hiểu quá trình hình thành nền tiểu thuyết Việt Nam cận đại, nhất là loại tiểu thuyết ở miền Nam. Để bạn đọc có đầy đủ tư liệu tham khảo và nghiên cứu, tôi xin dẫn lại nguyên văn như sau:

QUỐC ÂM THÍ CUỘC

Trong lục tỉnh càng ngày nhân dân bỏ dần chữ nho, đâu đâu cũng đều dùng chữ quốc ngữ mà thôi. Phải nhờ có chữ nho thì tiếng nói An Nam mới thông, cho nên phần đông hãy còn nói nhiều tiếng sai, trật. Vậy muốn cho lê thứ thấm nhuần cách giáo huấn của chữ nho còn lại trong lục châu thì nhà Nông Cổ Mín Đàm không tiếc công, chẳng tiếc của, một mực xin chư nho gia hết lòng trợ lực.

Bởi vậy nên Bổn quán bày cuộc thi này ra với giải thưởng 150 đồng, sách vị nào điểm cao được thưởng:

Đậu đầu thì thưởng 100 đồng.

Đậu thứ nhì thì thưởng 30 đồng.

Đậu thứ ba thì thưởng một năm nhật trình.

Các cuốn đậu thấp thì sẽ thưởng bằng cấp mà thôi. Sách nào đạt điểm đậu thì Bổn quán sẽ dành vào đây, hoặc in riêng mà bán lấy tiền phòng mở hội thi khác. Khi in sách bán thì ngoài bìa sách cứ vị nào đề tên vị ấy chẳng sai.

Cách nạp đơn

Kể từ ngày nay cho đến ngày 15 tháng Novembre 1906 vị nào chịu ra thì phải vào đơn cho Bổn quán chấp. Quá hạn thì không chấp đơn nữa. Vào đơn rồi phải công ra diễn dẫn, hạn đến Fevrier 1907 nạp vở.

Cách nạp vở

Phải phong cuốn sách của mình lại cho kỹ. Ngoài bì, trên đầu đề một câu chữ riêng của mình ngụ ý, kế đó đề: “Nhựt trình Nông Cổ Mín Đàm, no 199 đường Bourdais - Sài Gòn”.

Gởi theo nhà thơ lấy biên lai.

Đoạn phải lấy một cái thiệp đề tên họ, chỗ ở cho rõ ràng bỏ vào bao thơ niêm lại.

Ngoài bao thơ cũng đề như mình đề ngoài cuốn sách vậy rồi gởi theo. Đến kỳ, Bổn quán sẽ mời các ông danh sĩ trong Nam kỳ đến mà khảo chánh. Điểm dượt rồi mới gởi thơ ra coi tên họ người đậu, người rớt, đấy là việc văn hoành công khí đó.

Vậy Bổn quán khuyên chư nho lục tỉnh phải ráng ra công mà giúp cho thành việc thì rất toại chí với nhau.

Vở đậu, vở rớt đều thuộc về nhà Nông cổ không trả lại cho ai. Như trong liệc quý cô, mà cô nào muốn vào thì cũng được.

Giải thưởng 25 viên bạc và một năm báo biếu

Và trên số báo ngày 5/3/1907 cuộc thi kết thúc với kết quả được công bố như sau: “Nguyên khi mở hội thi thì có 3 vị vào đơn xin. Song đến hạn nạp thì có 1 vị nạp mà thôi là M. Pierre Eugene Nguyễn Khánh Nhương ở Thủ Đức, tỉnh Gia Định. Truyện của thầy này đặt tên là Lương Hoa truyện, lời nói vừa phải dễ nghe, không cao không thấp. Song việc tiền căng báo hậu còn sơ một thứ. Bổn quán nghĩ vì còn một vị nạp vở thì khó mà sánh tài lắm, cho nên Bổn quán định thưởng “khuyến công” cho M.N.K Nhương là 25 viên bạc (tức 25 đồng) và một năm nhật trình”.

Đây là “Quốc âm thí cuộc” đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam, nhưng Lương Hoa truyện có phải là “tiểu thuyết” đầu tiên của Việt Nam? Điều này còn phải bàn thêm.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Huệ Chí (2) ngay từ năm 1887 đã xuất hiện cuốn tiểu thuyết mới “Truyện thầy Lazoro Phiền” của P.J.B Nguyễn Trọng Quản, nhà xuất bản J. Linage ấn hành tại Sài Gòn (3). Và theo ông thì “hình như sau khi in ra đã bị mất hút trong im lặng”. Tuy vậy, qua những tư liệu trên, bước đầu chúng ta có thể ghi nhận: Phong cách viết tiểu thuyết mới làm đảo lộn lối viết tiểu thuyết truyền thống ở nước ta, lần đầu tiên xuất hiện ở miền Nam. Dù mới hình thành ở đời sống tân văn, báo chí nhưng nó đã báo hiệu cho một phong trào viết tiểu thuyết rầm rộ sau này.

Lê Minh Quốc

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/sai-gon--cuoc-thi-van-chuong-dau-the-ky-20-d65374.html