'Pot-Au-Phở': Nét giao thoa độc đáo trong văn hóa Việt Nam-Pháp

Những tác phẩm được trưng bày lần này lấy cảm hứng từ cuộc sống thường nhật ở Việt Nam và 'bật mí' về mối liên hệ độc đáo trong ngôn ngữ giữa hai nước Việt-Pháp.

Triển lãm sẽ kéo dài từ ngày 7-30/4 tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: BTC)

Triển lãm sẽ kéo dài từ ngày 7-30/4 tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: BTC)

Triển lãm ảnh Pot-Au-Phở sẽ diễn ra từ ngày 7-30/4 tại không gian TOONG Minh Khai (số 126 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh).

Theo đó, triển lãm sẽ giới thiệu tới công chúng 38 tác phẩm lấy cảm hứng từ cuộc sống thường nhật ở Việt Nam và “bật mí” về mối liên hệ độc đáo trong ngôn ngữ giữa hai nước.

“Từ điển tiếng Việt hiện nay có khoảng có khoảng 500 từ có gốc tiếng Pháp hay từ hỗn với tiếng Pháp, ví dụ như từ ‘pâté’ (thịt ba tê), ‘poupeé’ (búp bê), ‘savon’ (xà bông), ‘balcon’ (ban công) hay ‘café’ (cà phê)… Nhan đề ‘Pot-Au-Phở’ được ghép bởi từ ‘Pot-au-feu’ (món súp bò hầm) của Pháp và ‘phở’ của Việt Nam, thể hiện nét giao thoa văn hóa Việt-Pháp, hay dấu ấn từ gốc Pháp trong tiếng Việt,” đại diện ban tổ chức cho biết.

Giải thích rõ hơn về vấn đề này, đại diện ban tổ chức cho hay, từ ngữ gốc Pháp thâm nhập khá nhiều vào tiếng Việt. Sự ảnh hưởng này xuất phát từ việc tiếng Pháp được sử dụng nhiều trong các văn bản, giấy tờ của Nhà nước và việc giảng dạy ở nhà trường cũng như trong các loại sách/báo ở Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ 19-đầu thế kỷ 20.

Ảnh hưởng này kéo theo sự xuất hiện của nhiều từ gốc Pháp trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là trong khoa học-kỹ thuật. Khi được đưa vào tiếng Việt, những từ này được Việt hóa về mặt âm đọc (thêm thanh điệu, thay đổi âm hoặc giảm bớt âm tiết). Cùng với sự phát triển của tiếng Việt, các từ hỗn chủng được tạo ra ngày càng nhiều, đóng vai trò quan trọng trong việc diễn đạt các khái niệm mới trong xã hội hiện đại.

Triển lãm ảnh “Pot-Au-Phở” là dự án hợp tác giữa hai nghệ sỹ Nguyễn Dạ Quyên (Việt Nam) và Julien Brun (Pháp). Đây cũng là sự kiện trong chuỗi hoạt động hướng tới kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Pháp (1973-2018)./.

TOONG Minh Khai được xây dựng trong xưởng in cũ của Thông tấn xã Việt Nam, với thiết kế dựa theo ý tưởng các chữ cái để nhắc về lịch sử của tòa nhà.

Các chữ cái sẽ được đặt theo các góc của những hình lục giác, được khảm trên sàn bêtông dọc lối đi, tạo cảm giác như những chữ cái đó đang phát lộ ra từ dưới thềm nhà. Khi liên kết những chữ cái nằm gần nhau nhất, du khách sẽ thấy đó là những từ có ý nghĩa như: Hợp tác, Collaboration, Sáng tạo, Innovation, Truyền thống, Sharing, Diversity...

An Ngọc (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/potaupho-net-giao-thoa-doc-dao-trong-van-hoa-viet-namphap/495222.vnp