Sài Gòn hai mươi năm trước qua bút ký của một cựu binh Mỹ

LTS. Robert Olen Butler Jr. sinh năm 1945 tại Illinois. Ông tham chiến ở Việt Nam từ 1967 đến 1971, lúc đầu là nhân viên quân báo sau làm thông dịch. Nhưng chính tại Việt Nam ông đã được hiểu lịch sử và văn hóa của một dân tộc. Ông thú nhận: 'Người Việt Nam là những người nồng nhiệt cởi mở và hiếu khách nhất mà tôi từng gặp, chính họ đã mời tôi bước vào nhà họ, bước vào nền văn hóa và cuộc đời của họ'. Trở về Mỹ năm 1981, Butler bắt đầu viết văn. Đến nay ông đã có hơn mười tác phẩm, gồm tiểu thuyết và truyện ngắn. Năm 1993 tập truyện ngắn A Good Scent from a Strange Mountain của ông viết về những người Việt Nam định cư ở Louisiana đã được trao giải Pulitzer. Bài ký Sài Gòn in lần đầu trong tạp chí du lịch Conde Nast Traveler tháng 10.1995.

Robert Olen Butler

Nếu bạn muốn hiểu người Việt Nam thì không có cách nào tốt hơn là học cách đi bộ băng qua các đường phố ở TP.HCM. Có những trụ đèn giao thông và những đại lộ rộng rãi từ thời thuộc Pháp suốt ngày dài đến đêm thâu chật ních dòng xe cộ, đủ các loại xe máy, xích lô, cơ chừng như không thể nào xuyên qua nổi. Nếu theo như cách bạn thường làm ở hầu hết các thành phố tại Mỹ là đợi cho đến khi có một khoảng không giãn ra đủ để băng qua đường thì bạn phải đứng ở hè đường đợi cho đến lúc mặt trời lặn và rồi bạn phải đợi thêm nữa tới tận lúc người Việt Nam sau một ngày chạy xe mệt mỏi đã lên giường đi ngủ. Nếu bạn đợi, như thể bạn đang ở thành phố New York, có một khoảng hở để lách qua, rồi dấn tới và dừng lại, đợi một khoảng hở nữa và cứ thế, thì bạn luôn phải để ý từng giây từng phút.

Băng qua các đường phố ở TP.HCM bạn phải nhìn vào phía xa xa và nhắm cho mình một cái đích. Sau đó bạn nhìn sang bên trái mình, và hễ thấy có khoảng hở nào lộ ra là bạn nhập vào dòng xe cộ. Bây giờ bạn cần phải tin tưởng vào cách đi của mình. Bạn cứ bước thật khoan thai, đừng bao giờ dừng lại, đừng bao giờ bước chậm. Dòng xe cộ xô đẩy bạn sẽ không bao giờ dừng lại, không bao giờ đi chậm lại. Vậy nhưng chiếc xe tưởng như có thể đâm vào bạn bất cứ lúc nào thì đến phút cuối nó lại chợt quẹo sang phải hay sang trái mà chẳng cần nhìn.

Tất nhiên là lại có một nguy cơ đụng xe khác treo lơ lửng, nhưng một chiếc xe vừa mới trờ tới tưởng đụng ngay vào người thì cũng lại bất thần quẹo đi, và cứ thế dòng xe cộ ầm ì suốt ngày đêm. Bạn cứ chầm chậm thế mà đi tới đích của mình, còn dòng xe cộ thì vẫn chạy tới chạy lui, quẹo phải quẹo trái bất tận. Sự uyển chuyển, nhẫn nại và tính thực tế của người Việt Nam lộ ra hết trong quá trình di chuyển này.

... Trại cải tạo cuối cùng đã đóng cửa, nền kinh tế thị trường đã được chính quyền phê chuẩn chính thức và ngay trong cuộc chuyện trò của các đảng viên trẻ cũng đã nghe thấy nói quá trình tự do hóa chính trị là “tất yếu”. Và với sự dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại của Mỹ và tiếp theo đó là mở cửa văn phòng lãnh sự quán Mỹ tại Hà Nội, thì nhiều điều thích thú lớn của Việt Nam giờ đây đã dễ dàng đến được với các du khách Mỹ.

Ảnh: TL

Tôi nghĩ, nhiều người Mỹ sẽ thấy là kỳ quặc chuyện Việt Nam sẽ đưa lại sự thích thú cho các du khách, vì chúng ta vẫn tiếp tục nhìn đất nước này qua những cặp mắt trợn tròn trên các phương tiện truyền thông đại chúng của hàng triệu khách lữ hành bắt buộc của chiến tranh. Nhưng ngay cả trong thời chiến, đất nước này đã có vẻ đẹp và sự quyến rũ đến kinh ngạc mà nhiều người Mỹ đã có thể thấy.

Bản thân tôi đã thấy điều đó dưới những hàng cây đẫm sương ở Sài Gòn, nơi vào năm 1971 khi còn là một quân nhân hầu như đêm nào trong nhiều tháng tôi đều lang thang đến tận nửa đêm tới một nơi tối tăm mù mịt hơi nước sực nức mùi nước mắm và hương thơm, hoa và khói xe, rồi tôi cúi mình bước qua ngưỡng cửa những ngôi nhà gặp những con người nồng nhiệt và cởi mở mà truyền thống ham trò chuyện, ham học hỏi của họ đã kết thành một tinh thần trung dung. Quả thực, một phần tôi thấy được là người Việt Nam có những phẩm chất mà người Mỹ chúng ta vốn có là tôn kính lịch sử và yêu mến đất nước mình. Trong các sắc dân châu Á, người Việt Nam rõ ràng có tính cách gần với chúng ta nhất. Và giờ đây họ đang chờ đợi những người Mỹ mà họ muốn làm bạn.

Thành phố Sài Gòn cũ đã hồi sinh. Cái tên này thậm chí lại được dùng rộng rãi như một từ đồng nghĩa ngẫu nhiên với tên gọi “Thành phố Hồ Chí Minh”. Tất cả các loại xe cộ chạy trên những đường phố của một thành phố mọc đầy cây cối như me, chuối, đa, mận và một không khí gợi nhắc Paris ở những con đường mát bóng cây, ở những dãy nhà hẹp có ban công, ở những bức tường vôi vữa và những tòa nhà hành chính hào nhoáng.

Và đâu đâu cũng bắt gặp những hình ảnh của dân chúng sống cởi mở đời mình trong các vườn hoa, dưới những hàng cây và trước các dãy cửa hàng: một bà lão đội nón có hàm răng đỏ vì nhai trầu đang san bát canh cho một phụ nữ trẻ xinh xắn, mái tóc cô cắt ngắn, cô mặc chiếc áo dài truyền thống vì đang làm việc tại một khách sạn mới; một hàng người đạp xích lô vắng khách đang ngồi đọc báo và trò chuyện cởi mở về những chính sách mới; một vòng đông chật các ông già ngồi trên những chiếc ghế nhựa thanh mảnh uống cà phê đá và chơi bài; những người phụ nữ mặc quần đen quét vỉa hè; một người đàn ông cụt tay bán các thứ hàng linh tinh; một nhà sư mặc áo vàng đi khất thực với chiếc bát để ngửa trên bàn tay; một người mẹ đang cho con ăn.

Thành phố này tràn sức sống; nhìn đi đâu bạn cũng thấy ra những câu chuyện riêng trong dòng chảy vô hình. Sài Gòn là một thành phố giống như tấm thảm phương Đông, mỗi khoảng không gian đều được chạm trổ tỉ mỉ, công phu, rối rắm. Không có những khoảng để trống nào trong thành phố này.

***
Có một quán phở ở số 9 Lý Chính Thắng, nơi trong chiến tranh là đại bản doanh che giấu của “Việt cộng” ở Sài Gòn. Tại đây vẫn bán những bát phở to (một món ăn tuyệt vời, giá chưa đến một đô la Mỹ) và vẫn do ông Ngô Toại làm chủ, ông nay đã 81 tuổi, và quán này đã được gắn biển ghi công là di tích lịch sử cách mạng. Khi tôi cùng vợ là nhà tiểu thuyết Elizabeth Dewberry vào quán, người hướng dẫn của Saigon Tourism đã chỉ cho tôi thấy ông Ngô đang ngồi bên chiếc bàn nhỏ ngay cửa quán đang mở. Ông đang nói chuyện với bạn và không để ý đến những người Mỹ vừa bước vào.

Chúng tôi bước lại chiếc bàn phía trong và ở phía cuối quán có đặt một bộ bàn ghế khảm sơn trước một cái tivi và một đầu máy video đang mở một băng nhạc rock. Chúng tôi ngồi xuống nơi từng là hang ổ “Việt cộng” này trong giai điệu bản “Band on the Run” của Paul McCartney. Lúc sau ông Ngô đứng lên và đi qua bàn chúng tôi. Tôi nói câu chào bằng tiếng Việt khiến ông giật mình vồn vã ngoảnh lại. Nhưng ông không dừng bước. Ông đi tiếp đến chiếc ghế trường kỷ khảm sơn và ngồi xuống xem nốt phần cuối băng video “Band on the Run”, rồi chuyển qua xem một băng khác nhạc Việt Nam quay tại quận Cam.

Quán phở của ông Ngô Toại trên đường Lý Chính Thắng. Sau khi ông mất năm 1994, quán phở do con trai út và hai con dâu của ông tiếp tục kinh doanh. Ảnh: N.L.D

Sau bữa trưa, ông Ngô đến bàn chúng tôi và mời chúng tôi vào phòng trong của ông. Ông tỏ vẻ vui mừng khi thấy người Mỹ đến quán và kể cho chúng tôi nghe về quá khứ cách mạng của mình. Từ năm lên mười ông Ngô đã hoạt động chống lại quân Tưởng, quân Nhật, quân Pháp và cuối cùng là quân Mỹ, lúc đầu là ở miền Bắc, còn sau Hiệp định Genève 1954 là ở miền Nam. Khi vào Nam, ông chủ yếu bán phở và dùng cửa hàng của mình che giấu cho những người cách mạng. Nhưng ông luôn luôn là một người theo đường lối quốc gia trên hết, không bao giờ vào đảng cộng sản.

Ông nói chuyện nồng nhiệt với những người Mỹ như những người bạn mới của đất nước ông. “Chúng tôi không bao giờ nghĩ đến những chuyện trong quá khứ”, ông nói, và thu xếp vị trí cho tôi và Betsty chụp cùng ông một loạt ảnh, trong đó ông thường cầm lấy tay tôi. Sau đó ông đưa chúng tôi lên gác và bước vào một khách sạn nhỏ chỉ có mười phòng ở bên cạnh. Giờ đây khách du lịch Mỹ có thể ngủ lại đây dưới sự chăm sóc của người anh hùng cách mạng này, và để giảm bớt sự trớ trêu đó, đối với những khách du lịch ít tiền nhưng muốn được ở tại trung tâm cuộc sống thường ngày ở những nơi mà họ đến thăm, họ có thể làm việc đó tại khách sạn Pho Binh rất tiện lợi, có điều hòa nhiệt độ, buồng tắm riêng và dọn phòng mà chỉ hết 20$ một đêm.

Thế còn thế hệ người Việt sau thì sao? Các con của ông Ngô dù đã phải ngồi tù cùng mẹ mình trong những năm sáu mươi, nhưng không một ai là đảng viên, không một ai dính tới chính quyền. Họ là những nhà kinh doanh tư nhân đang điều hành ba quán phở của mình.

Thái độ của ông Ngô đối với người Mỹ là tiêu biểu cho thái độ của người Việt hiện nay dù cho trước đây ông đã là một đại diện rõ ràng của phía bên kia của cuộc chiến. Và các con của ông Ngô cũng là tiêu biểu. Thế hệ X của Việt Nam quả thực rất ít có những ký ức trực tiếp về chiến tranh để quên đi.

***
Chúng tôi đã gặp một họa sĩ trẻ nổi tiếng sinh 1968, khi chiến tranh kết thúc anh mới bảy tuổi. Anh đã phải mất mấy tháng thuyết phục vợ để thu xếp mở được gallery của mình ở trung tâm Sài Gòn. Tác phẩm của anh là sự pha trộn mê hồn của nghệ thuật dân gian và chủ nghĩa biểu hiện, thường gắn với cái chết và nỗi đau đớn, giày vò: một người đàn ông trần truồng cúi gập người và chảy máu, các mép ngoài của bức tranh trông như một chiếc mũ miện gai; một đôi vợ chồng già ngồi trên nền một ngôi nhà nông dân đau khổ vì cái chết của đứa con được thể hiện bằng chiếc cốc tràn nước; trong một cảnh chết chóc khác là bốn người vợ góa khóc thương trên xác những người chồng liệm trong những mảnh vải rách nát, tả tơi.

Besty và tôi thận trọng nêu nhận xét của mình về các hình ảnh này và người họa sĩ trẻ rõ ràng là xúc động trước những lời khen ngợi của chúng tôi. Sau đó tôi hỏi anh ta sao lại đi vào những đề tài đen tối này, ý là để muốn được nghe kể về những tháng năm linh hồn non trẻ của anh ta đã phải chứng kiến chiến tranh và những năm tháng ngay sau đó. Anh ta trả lời bằng tiếng Anh: “Tất cả các bức vẽ của tôi đều có cảm xúc mạnh. Tôi muốn nói lên nhiều điều chỉ bằng các hình ảnh. Bốn tháng trước tôi đã mở một gallery của mình, đó quả thực là một cuộc chiến, phải trả tiền thuế, trả tiền cho người làm. Gia đình tôi luôn luôn gây áp lực cho tôi về chuyện vẽ. Họ sợ tôi thành một kẻ mơ mộng hão huyền. Bây giờ tôi đã có gallery của mình và họ vẫn sợ cho tôi”.

Tôi nói là tôi hiểu. Nhưng tôi đang muốn tìm câu khẳng định cho suy nghĩ của tôi. Có những điều gì khác tạo nên những hình ảnh mãnh liệt như vậy? Anh ta gật đầu, cúi mắt xuống và nói: “Tôi lấy vợ tôi đã bảy tháng. Vợ tôi không hiểu gì các nghệ sĩ. Khi anh làm xong, anh cần có ai đó để chia sẻ. Anh không thể không có ai. Vợ tôi và mẹ tôi đã không hiểu”.

Người vợ ngồi bên nghe hết câu chuyện và quả là lo lắng muốn người họa sĩ trẻ kết thúc chuyện mua bán tranh với chúng tôi. Tôi bảo anh ta là chúng tôi muốn mua một vài bức và anh ta nói: “Tôi vui vì được hai ông bà hiểu. Cảm giác cá nhân là rất quan trọng. Quan trọng hơn tiền. Tôi ít khi gặp được người chia sẻ cảm xúc. Khi anh chia sẻ cảm xúc về các bức tranh, anh sẽ mở được lối ra cho hội họa của mình”.

Sau đó anh ta và tôi bắt đầu thương lượng giá cả cho mấy bức tranh chúng tôi mua, anh ta đưa ra một cái giá rất thấp khiến tôi phải bảo anh ta nâng giá lên. Điều mà người họa sĩ Việt Nam tài năng lo lắng lúc này không phải là ký ức về chiến tranh, thậm chí cũng không phải sự theo dõi của chính quyền đối với những nghệ sĩ phản động, không đi theo tư tưởng của nhà nước. Mà đó là cái nhìn cau có của người vợ và cái hình ảnh một kẻ mơ mộng trong gia đình.

***
Nhưng sự mơ mộng bằng cách này hay cách khác vẫn đập trong ngực nhiều người Việt Nam. Như thú hát karaoke chẳng hạn. Ngay tối ấy người vợ lo lắng chuyện mua bán tranh của anh chồng họa sĩ vẫn có thể kéo chồng mình đến một trong hàng trăm phòng karaoke nhỏ trong thành phố để cùng nhau hát những bài hát tình tứ. Cũng có những quán karaoke lớn, thậm chí có một quán nổi trên sông Sài Gòn cạnh khách sạn nổi. Nhưng khi tôi đề nghị Vũ Thị Thảo, cô hướng dẫn viên hăng hái, nhiệt tình của Saigon Tourism, đưa đến một quán karaoke, cô ấy kéo mấy người bạn ra một góc tối trao đổi, sau đó họ đặt Besty và tôi lên phía sau xe máy và chúng tôi lao vào đêm tối để kiếm một quán hát gần đó.

Chúng tôi đi vào một con hẻm ngang qua một chỗ nghỉ hẹp và bước vào một phòng khách nhỏ có một người đàn ông mặc quần ngắn, đi dép cao su. Ông ta bày bánh quy, bánh sô-cô-la ra bàn và chúng tôi trả một đô la rưỡi một giờ để hát với những băng video ca nhạc Việt Nam được sản xuất tại Hồng Kông, Pháp và Nam California.

Tôi ngồi xe máy của một chàng trai tên Châu và trên đường đi chúng tôi chạy qua một cây cầu mang tên người công nhân đã mưu sát không thành Robert McNamara năm 1962 ở cầu này, Châu hát những bản nhạc tình dành cho nam giới bằng chất giọng bariton rung động khiến cho các phụ nữ trong phòng hát thấy buồn bã, anh hào phóng khen Besty và tôi đã hát bài “A Bridge Over Troubled Waters”, anh nói sẽ học làm linh mục Thiên chúa giáo La Mã.

***
Ngày Chủ nhật chúng tôi đi đến Biển Đông ở Vũng Tàu. Đó là chuyến đi thoải mái trong một ngày, mặc dù chúng tôi đã định ở lại. Dọc đường Besty và tôi đã ghé vào nhà của một chủ trại hoa lan ở ngoại ô TP.HCM ngồi uống trà ăn me sấy trong mùi thơm của hoa và nhang cúng ở bàn thờ thổ địa, chủ nhà mắt lim dim, mặt lộ rõ khoan khoái nói: “Tôi rất vui được tiếp khách Mỹ. Họ dễ chịu hơn người các nước khác. Họ rất tự nhiên với người Việt Nam. Chúng ta là như nhau.”

Và anh ta nói đến sự cần thiết của sự thay đổi từ từ ở nước mình. “Tốt nhất là cứ từ từ mà thay đổi. Đừng có nhanh như Nga. Các nhà xã hội chủ nghĩa không thích thay đổi mau lẹ đâu. Cứ chậm rãi mà đi”.

Rồi anh ta say sưa nói về các bộ phim Mỹ. “Tôi thích phim Mỹ. Sharon Stone là diễn viên ưa thích của tôi”. Thế anh thích phim nào? “JFK”, anh ta nói. “Tôi không thích các phim phản chiến của Oliver Stone. Chúng không thật. Nhưng phim “JFK” của ông ấy thì tôi thích”.

Chúng tôi tạm biệt chủ nhà, anh ta bắt tay tôi bằng cả hai tay, rồi chúng tôi lên chiếc Renault của Saigon Tourism hòa vào dòng xe máy chạy về phía biển vào sáng Chủ nhật ấy, xe chúng tôi chạy cùng những chiếc xe bò và các loại xe tải cũ của các hãng DeSoto, White và GMC mà người Việt Nam từ lâu đã hết hy vọng kiếm được các phụ tùng thay thế, xe nào cũng có một két nước tạm bợ đặt trên nóc ca bin và một hệ thống dậy dợ nối vào động cơ vòng quanh những bộ tản nhiệt đã bị hỏng và không có đồ thay thế.

Xe chúng tôi chạy qua một đồn điền cao su nơi có một bà già đang lấy số mủ thừa trên cây đem bán như một thứ bật lửa, chạy qua thửa ruộng này đến thửa ruộng khác có những phụ nữ dầm chân trong nước đến tận đầu gối, mặt khuất dưới những chiếc mũ rơm. Và xen giữa những cây cao su trong rừng cũng như những cây mạ trên đồng là những ngôi mộ thấp nhỏ, những mộ phần của các phu đồn điền và những người nông dân được chôn tại chính mảnh đất họ đã làm lụng cả đời, có mùi khói củi bay ra từ những ngôi làng ven đường, và khi chúng tôi đi ngang qua một dãy tiệm hàng nhỏ dọc đường thì ai nhìn thấy cũng mỉm cười và đưa tay vẫy.

Cuối cùng chúng tôi đã ở bên bờ Biển Đông. Đây là nơi ám ảnh tôi hơn bất cứ phong cảnh nào khác ở Việt Nam, một ý nghĩ có lẽ là lãng mạn. Năm 1971, tôi đã có lần dừng xe jeep bước xuống một sườn đồi cạnh Vũng Tàu và Biển Đông trải ra trước mắt tôi cũng với màu xanh ngọc bích lan đến tận chân trời như thế này, khi đó tôi đã cảm nhận sâu sắc rằng nhờ một phép màu nào đó mà tôi đã thành một du khách, một du khách từ xa đến, và tôi đã cảm nhận được niềm thích thú sâu lắng của một du khách, cái cảm giác anh là một phần của một xứ khác, một phong cảnh khác, một dân tộc khác, nó khác biệt với tất cả những gì anh đã biết đến mức anh bất giác nhận ra chính mình. Giờ đây biển đang ở trước mặt Besty và tôi, chúng tôi rời khỏi những đám đông người Việt Nam lặng lẽ tại “Vung Tau Marina Paradise Club” đi dọc theo bờ cát cho tới khi mọi vật xung quanh nhòa đi hết và chúng tôi lặng nhìn từng đợt sóng cuộn vào bờ biển xa lạ này, hai vợ chồng bên nhau như hai du khách.

Trên đường trở lại chúng tôi có cuộc trò chuyện ít phút với một đôi nam nữ trên bãi biển. Họ trạc độ tuổi hai mươi và chàng trai ngăn tôi lại hỏi tôi có phải là một “fan” của đội Astros không vě thấy cái mũ bóng chày tôi đang đội. Cặp vợ chồng trẻ người Việt này không nói một từ tiếng Việt. Họ đến từ Fresno (một thành phố tại thung lũng San Joaquin, California, Mỹ – ND). Họ đang vui vẻ nhìn các con sóng ở bờ biển xa lạ này, Besty và tôi rời họ bước đi, họ vòng tay quanh người nhau, chắc chắn cái cảm giác vừa là kẻ khác vừa là chính mình trong chuyến du lịch này của họ sẽ phức tạp hơn của chúng tôi.

***
Du lịch đến Việt Nam đòi hỏi phải có hiểu biết nhất định vì sao anh du lịch. Những sự thích thú về thức ăn, mua bán, phong cảnh và nghệ thuật chắc chắn là có hiện diện, dù một số trong đó sẽ có hình thức hạn chế hơn cái mà người ta quen dùng ở những nơi du lịch khác trên thế giới. Nhưng nhân dân Việt Nam là những nhà thờ lớn, những bức bích họa, và những khu rừng núi của nơi này. Và thực sự thì người dân tiếp xúc với các du khách Mỹ theo cách rất thực tế, thậm chí vượt ra ngoài những khung cảnh rõ ràng của khách sạn, cửa hàng và đường phố.

TP.HCM thập niên 1980. Ảnh: Doi Kuro

Chúng tôi ăn tối với lãnh đạo Saigon Tourism gần vào cuối chuyến đi và nói với họ chuyện này. Đỗ Trung Chấn, Trưởng phòng Quan hệ công chúng, một người thuộc thế hệ già, bây giờ đã 51 tuổi. Là con trai độc nhất trong gia đình, ông dạy tiếng Anh trong thời chiến và tham gia phong trào vì hòa bình và cải cách nhà tù năm 1970. Ông cũng là một “fan” cuồng của nhạc Mỹ những năm 40 và 50 của thế kỷ trước. Chúng tôi nói về Tony Bennett, Nat King Cole, Frank Sinatra, và cả Patti Paige, Frankie Laine, và ông Chấn đã thở dài ảo não trước các xu hướng của nhạc đại chúng hiện thời. Đặng Quốc Hoa, đồng nghiệp trẻ hơn của ông, người trưởng phòng tiếp thị 39 tuổi, thì khi chiến tranh kết thúc vẫn còn học phổ thông, ông Hoa cười trêu ông Chấn về việc ông này cứ mải mê vào các cửa hàng đĩa hát trong chuyến đi mới rồi của họ đến Mỹ.

Cả hai ông nói say sưa về viễn cảnh người Mỹ quay lại đất nước mình du lịch và nhấn mạnh rằng mặc dù họ đã có một số gói tua để bán nhưng họ vẫn sẵn sàng cung cấp những hướng dẫn viên biết nói tiếng Anh để đưa khách đến bất kỳ đâu khách muốn. Việc này bao gồm cả chuyện cùng ăn uống với các gia đình người Việt tại nhà, gặp gỡ những người Việt làm cùng nghề với du khách ngoại quốc, đi mua bán ở các chợ địa phương và các hẻm phố, đến thăm bất kỳ trường nào trong hơn một trăm trường ngoại ngữ ở trong thành phố, nơi các học sinh đang rất muốn được nói chuyện bằng tiếng Anh. Chỉ cần báo trước là những việc này cũng như những cuộc gặp gỡ khác với dân chúng sẽ được dễ dàng sắp xếp, Chấn và Hoa nói.

Không có nhiều nơi trên thế giới mà những cuộc tiếp xúc như vậy được cả người dân địa phương lẫn du khách thích thú và quý trọng. Nhưng đó là điều có thật ở Việt Nam. Người Việt Nam khi bắt được một tín hiệu tôn trọng dù là nhỏ nhất, lập tức họ sẽ đáp lại bằng một cử chỉ rất cởi mở. Có lẽ phẩm chất chủ yếu nhất này của người Việt Nam không rõ ra ở việc đi bộ qua đường ở Sài Gòn. Nhưng nó có ở khắp mọi nơi khác.

Besty và tôi dành một ngày đi xuống vùng đồng bằng sông Mekong, chúng tôi ngồi trong mái một chiếc thuyền máy chạy ở phía cuối con sông lớn chở đầy phù sa này, nơi đã từng diễn ra những cuộc giao tranh ác liệt thời chiến tranh, thuyền chúng tôi đi dọc theo luồng nước màu mỡ chảy giữa hai bờ sông hẹp ken dày cây đước và cây bài hương rồi dừng lại ở một làng ven sông có những ngôi nhà nhỏ lợp mái cọ và những dàn anten tivi cắm trên cọc tre. Trên một đường phố bụi bậm có một nhóm người đang ngồi quây vòng tròn chơi bài. Mặt họ quay về phía chúng tôi và phút chốc họ ngây ra.

Hướng dẫn viên của chúng tôi định lên tiếng, nhưng tôi đã nói trước, một tiếng chào đơn giản bằng tiếng Việt. Nghe thế mắt mọi người dãn ra, nhưng vẫn còn sự căng thẳng. Sau đó một người tách khỏi vòng tròn đứng lên, đó là một người đàn ông trung niên hơi mập, có khuôn mặt tròn, tay còn nắm đầy bài. “Người Mỹ?” anh ta hỏi. “Phải”, tôi đáp. “Tốt lắm. Sau hai mươi năm các ông đã trở lại”. Và họ xếp chỗ cho chúng tôi ngồi vào vòng của mình.

Robert Olen Butler - Ngân Xuyên dịch từ tiếng Anh

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/sai-gon-hai-muoi-nam-truoc-qua-but-ky-cua-mot-cuu-binh-my-16061.html