Sài Gòn ngày đầu giải phóng

Sư đoàn 7 của tôi trong đội hình Quân đoàn 4 tiến vào Sài Gòn từ hướng Xuân Lộc. Từ chiều hôm trước, Tư lệnh Sư đoàn Lê Nam Phong đã lệnh về các đơn vị bộ đội phải cho anh em cắt tóc, cạo râu đàng hoàng để vô Sài Gòn. Sáng sớm, toàn đơn vị ngồi trên xe tải. Riêng tôi làm báo nên đi xe máy với mấy anh giao liên. Đọc dường vào Sài Gòn, lính ngụy tan rã vứt quần áo rằn ri, súng đạn, giày mũ… đầy ắp đường. Có cả những chiếc xe gắn máy Honda nữ, Honda 67 nằm chỏng gọng bên đường, máy còn nổ, chứng tỏ chủ của nó hoảng loạn quá đã vứt xe để chạy thoát thân. Xe quân giải phòng cứ ào qua. Tiến vô Sài Gòn!

Ngày 30-4-1975, người dân Sài Gòn nô nức xuống đường đón chào đoàn quân Giải phóng. Ảnh: Tư liệu

Vào xa lộ Biên Hòa-Sài Gòn, chúng tôi vô cùng phấn khích khi thấy cờ nửa đỏ nửa xanh của quân Giải phóng tung bay trên tay người, trên nóc phố. Nắng tháng Tư Sài Gòn óng ánh như mật. Những cô gái mặc áo dài đứng bên phố tươi cười vẫy chào bộ đội. Đúng 12 giờ trưa, Sài Gòn đã được giải phóng, Tổng thống Sài Gòn Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng. Đơn vị chúng tôi tập kết ở gần Dinh Độc Lập, cạnh Sở thú Sài Gòn, chuẩn bị kế hoạch Quân quản Quận 1. Lập tức các má, các chị từ các phố gánh những gánh cháo gà ra phục vụ bộ đội, thoăn thoắt múc cháo cho từng chiến sĩ. Bưng bát cháo gà Sài Gòn trưa 30-4 ấy, tôi cứ nghĩ, cái đích đến là đây, nơi chiến tranh không còn nữa, nơi cuộc sống bình yên đang về với mọi người. Mùi cháo gà thơm nức làm tôi nhớ đến mạ tôi ở quê Quảng Bình, giờ này hẳn đang nghe đài, ngóng tin con. Và 40 năm sau, bát cháo hành Sài Gòn trưa 30-4 ấy vẫn như trước mặt tôi đây, ngạt ngào tình nghĩa…

Là một cử nhân tốt nghiệp trường Đại học Thương nghiệp Hà Nội hẳn hoi, mà sáng 30-4, lần đầu tiên tôi mới biết thế nào là quảng cáo! Dọc đường từ Xuân Lộc vào Biên Hòa, trên xa lộ Sài Gòn có trưng rất nhiều tấm biển to tướng với đủ màu sắc lòe loẹt. Lớn nhất và gây ấn tượng là tấm biển vẽ một gương mặt người da đen đang cười, khoe hàm răng trắng tinh, đều răm rắp với chữ Hynos to tướng. Tấm biển rộng hàng chục mét vuông, được dựng bằng khung sắt bê tông cao lớn giữa cánh đồng, đi xa cả chục cây số vẫn nhìn thấy! Tôi hỏi một chị du kích dẫn đường ở Biên Hòa là họ vẽ cái gì thế, chị nhìn tôi như thể từ mặt trăng rơi xuống, rồi cười toáng lên: "Đó là quảng cáo hàng hóa. Họ quảng cáo loại thuốc đánh răng tên là Hynos! Cả miền Nam này dùng loại thuốc đánh răng này đấy!". Đó là thứ mà tôi chưa bao giờ được học ở trường đại học trong Hà Nội!

Từ ngày 1-5-1975, ở Sài Gòn mua bán vẫn diễn ra bình thường. Sáng 1-5-1975 và những ngày sau đó, chúng tôi lại "trốn" đi chợ Bến Thành, Chợ Lớn. Lúc này, dù là quân quản, nhưng các chợ ở Sài Gòn bà con tiểu thương vẫn buôn bán bình thường. Các cửa tiệm quần áo may sẵn, vải, len, da... vẫn mở cửa. Các xe nước mía, nước sinh tố, các xe bánh mỳ… rôm rả tiếng chào mời. Tuy nhiên, thỉnh thoảng lại có tiếng súng AK nổ. Đó là tiếng súng của bộ đội quân quản bắn chỉ thiên để chặn bọn cướp dây chuyền, túi xách trên phố. Nghe tiếng súng, có bà còn nằm rạp xuống dọc phố, hết tiếng súng, lại đứng lên, làm công việc của mình.

Loại hàng bán chạy nhất lúc ấy là cờ đỏ sao vàng đủ loại to nhỏ và tấm biển mi-ca nền đỏ chữ vàng in câu nói của Bác Hồ: "Không có gì quý hơn độc lập tự do". Người ta đổ nhau đi mua. Cờ đỏ sao vàng để treo ở cổng nhà và lập bàn thờ Tổ quốc có ảnh Bác Hồ, còn tấm biển "Không có gì quý hơn độc lập tự do" để gắn lên tường. Sau này tôi mới biết, các loại cờ, biển ấy là do làng Thổ Tang (Phú Thọ) sản xuất và họ ùn ùn chở vào Nam theo sau đoàn quân giải phóng! Nhạy bén kinh doanh như thế phải gọi là siêu! Loại hàng "cách mạng" thứ hai là phù hiệu, quần áo quân giải phóng! Bà con tiểu thương Sài Gòn không biết rằng, quần áo, sao mũ, quân hàm, quân hiệu bộ đội là thứ cấm bán. Trang phục quần áo, dép cao su bốn quai (dép râu) và cả quân hàm, quân hiệu hai màu xanh đỏ của quân giải phóng mới toe không biết từ đâu ra mà bày bán la liệt trong các hiệu tạp hóa và những mẹt hàng rong bên đường. Có lẽ bà con cho rằng hễ cứ đeo sao, đội mũ, mặc quần áo bộ đội giải phóng thì khỏi bị làm phiền, sẽ tránh được tai vạ trên đường chăng?

Bán đầy các vỉa hè Sài Gòn trong những ngày đầu giải phóng còn có các thứ đồ dùng của lính Mỹ như bật lửa Zip-po, các loại dụng cụ ăn uống bằng Inox như dao, nĩa, thìa, khay đựng thức ăn của lính, kể cả bình tông, ca uống nước, ba lô, quạt điện, bàn là, dao cạo râu... Đó là những món hàng mà người dân "hôi" được từ các sở Mỹ. Người thì mua để dùng, vì những thú đồ đó rất tốt. Người thì mua để "kỷ niệm". Chỉ cần vài nghìn đồng tiền Sài Gòn (cũ) hay nghìn tiền giải phóng lúc đó là có thể có một bộ đồ ăn của lính Mỹ mới tinh.

Loại hàng bán chạy thứ ba là hàng "lưu niệm" bán cho bộ đội về Bắc như: Khung xe đạp, ra-đi-ô Nhật, đồng hồ Nhật, búp bê nhựa biết nháy mắt, áo len, khăn voan... Trên các bến xe, hình ảnh anh bộ đội ba lô căng phồng, trên buộc một chiếc khung xe đạp và treo vắt vẻo con búp bê có đôi mắt chớp nhấp nháy, long lanh đã trở thành hình ảnh đặc trưng, quen thuộc! Các loại khăn len búp bê, áo comple, áo len… thời đó ở chợ Bến Thành, Chợ Lớn… mua một chiếc được biếu một chiếc. Tất len (vớ) chỉ 5 đồng một đôi, lại được biếu thêm đôi nữa. Tôi hỏi chị bán hàng ở chợ Bến Thành: "Sao lại mua một biếu một thì còn gì lời lãi?". Chị bảo: "Buôn bán là vậy, chú!".

Phụ cấp của tôi lúc đó có thể mua được chiếc đồng hồ Orien "3 cửa sổ". Chị Chàng ở Kim Động (Hưng Yên), nơi tôi ở hai năm liền trong thời gian trường Đại học Thương mại sơ tán, không hiểu làm thế nào biết địa chỉ của tôi, mà gửi vào mấy tờ 10 đồng tiền Cụ Hồ mới tinh. Tờ 10 đồng đó có thể đổi được 10.000 tiền Sài Gòn. Nhưng tôi chẳng mua được gì về làm quà cho chị cả, mà dùng số tiền đó để vài hôm lại "đi chợ", vô nhà hàng ăn các món Sài Gòn "cho biết"! Có lần vào tiệm Tàu ở Chợ Lớn, thấy người ta bày ra bàn ăn đủ thứ khăn lớn nhỏ, rồi hàng chục thứ dao nĩa in Inox sáng loáng. Mình dân nhà quê một cục, chưa dùng các thứ "phụ tùng" bàn tiệc đó bao giờ. Thế là bộ đội có sáng kiến, cứ nói chuyện nhẩn nha, liếc xem các bàn bên họ dùng khăn nĩa như thế nào, cứ thế làm theo. Mấy lần cũng thành quen!

Vui nhất là chuyện anh Diên, người dân tộc Tày, quê Lạng Sơn, là anh nuôi đơn vị tôi. Ngay buổi sáng 1-5-1975 đi chợ Cầu Bông mua chục con cá lóc. Anh về đếm mãi vẫn cứ 12 con, bèn lật đật ra chợ tìm cho được bà bán cá trả lại hai con vì "tội người ta", "buôn bán kiểu này thì lời cái gì". Khi anh tìm được bà bán cá, bà cười toáng lên: "Chú Giải phóng ơi, "một chục" ở đây là 12 chứ không phải 10 nghen!".

Mới đó mà đã 40 năm. Con cái tôi bây giờ đã lớn hơn tuổi mình ở ngày đầu tiên Sài Gòn giải phóng. Tôi đã có cháu nội, nhưng sao những kỷ niệm cứ như mới hôm qua, thơm nức mùi quần áo lính...

Ngô Minh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/sai-gon-ngay-dau-giai-phong/