Sai lầm các bà nội trợ cần tránh trong chế biến thịt

Một số cách sơ chế, ướp hoặc trong quá trình nấu nướng có thể làm mất dinh dưỡng của món thịt, các bà nội trợ cần lưu ý.

Chỉ nên nấu thịt với độ chín vừa phải - Ảnh: Internet

Chỉ nên nấu thịt với độ chín vừa phải - Ảnh: Internet

Tránh bỏ hạt tiêu khi kho thịt

Tiêu là loại gia vị rất thơm, có vị cay cay hấp dẫn. Nhiều chị em sử dụng hạt tiêu trong món thịt kho. Tuy nhiên, đầu bếp nhà hàng lại khuyên, không nên cho hạt tiêu vào thịt kho bởi nó có mùi quá đặc trưng nên đã át đi hương vị cơ bản của thịt, làm món ăn mất ngon, thậm chí còn tạo cảm giác khô khi ăn thịt.

Không bỏ hành khô vào hầm thịt bò

Một trong những món ăn phổ biến từ thịt bò là hầm hoặc kho được rất nhiều người yêu thích. Nhưng nếu bạn kho thịt bò mà bỏ thêm hành thì sẽ có tác dụng ngược. Mùi hương đặc trưng của hành làm cho món ăn kém ngon và thịt bị khô, dai hơn bình thường.

Không chần thịt qua nước sôi

Để loại bỏ tạp chất và giảm nguy cơ thịt nhiễm độc, nhiều bà nội trợ có thói quen chần thịt qua nước đun sôi nhiều lần rồi mới đem chế biến. Tuy nhiên, theo các chuyên gia đây là cách làm sai lầm.

Việc chần thịt qua nước sôi không thể loại bỏ tạp chất trong thịt thậm chí còn khiến các chất độc nếu có trong thịt sẽ thấm ngược trở lại vào bên trong. Nguyên nhân là do, khi cho thịt vào nước đun sôi sẽ làm miếng thịt biến tính co lại làm cho thịt “ngậm” chặt các hóa chất bẩn mà không đào thải ra bên ngoài.

Nấu thịt khi chưa được rã đông

Thịt chưa được rã đông khi cho vào nấu bên ngoài thịt sẽ chín trước và bên trong thịt vẫn còn sống. Vì vậy, trước khi nấu cần rã đông thịt 1 giờ, khi nấu thịt sẽ chín đều nhau.

Không nên để thịt tự rã đông ở nhiệt độ phòng vì dễ sinh sôi vi khuẩn dẫn đến ngộ độc, tiêu chảy. Không cho thịt đông lạnh vào dầu nóng để rã đông hoặc nấu khi thịt chưa rã đông sẽ làm mất chất dinh dưỡng. Nếu nấu quá lâu, thịt bị nát, hỏng và mất vị ngon.

Thịt sau khi rã đông phải chế biến ngay, tránh cấp đông trở lại và không giữ thịt trong ngăn lạnh quá lâu. Có thể sử dụng lò vi sóng để rã đông ở nhiệt độ thích hợp. Bọc kín thịt trong túi nilon để chất dinh dưỡng không bị mất đi. Bạn có thể cho thịt vào ngăn mát tủ lạnh để rã đông từ từ. Không sử dụng nước nóng để rã đông sẽ làm hỏng thịt, thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.

Cho nước lạnh vào khi đang luộc thịt

Khi luộc thịt và cảm thấy nước dần ít đi, nhiều chị em sẽ đổ ngay nước lạnh vào để tiếp tục luộc thịt. Cách làm này là hoàn toàn sai lầm, sẽ khiến cho protein và các chất béo có trong thịt, xương bị kết tủa, làm thịt co lại và cứng, mùi vị của thịt cũng bị ảnh hưởng.

Đồng thời không nên cho thêm muối vào trong khi luộc thịt vì NaCl trong muối sẽ khiến cho thịt bị cứng và teo lại. Tốt nhất, nếu cảm thấy nước cạn hãy thêm nước sôi vào và luộc tiếp.

Thịt được nấu chín nhừ

Một số người hay có thói quen nấu thịt cho nó đến khi chín nhừ, mềm rục mà không biết rằng nếu để thịt ở nhiệt độ từ 200 đến 300 độ C, các loại vitamin và dưỡng chất có trong thịt sẽ xảy ra phản ứng hóa học, từ đó hình thành axit amino aromatic có khả năng gây ung thư.

Ngoài ra, không nên dùng thớt cắt thịt sống để cắt thịt chín, nên dùng riêng hai loại thớt cho cả hai loại thịt này. Vì nếu không vi khuẩn từ những vết cắt nhỏ trên thớt của thịt sống sẽ xâm nhập vào thịt chín và dễ gây bệnh cho gia đình.

Hà Anh (t/h)

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/phai-dep-c-86/gia-dinh-thoi--c-151/sai-lam-cac-ba-noi-tro-can-tranh-trong-che-bien-thit-123694.html