Sai một ly, đi một dặm

Vốn dĩ các bị cáo đều có công việc ổn định, cuộc sống tốt đẹp bên gia đình. Thế nhưng, chỉ vì một phút hám lợi và thiếu hiểu biết pháp luật, các bị cáo đã tự đẩy bản thân vào vòng lao lý, khiến gia đình rơi vào cảnh xáo trộn.

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử ngày 24-4. Ảnh: T.Tâm

Ngày 24-4, Tòa án nhân dân tỉnh đã tuyên phạt các bị cáo: Lê Chí Dũng (24 tuổi, ngụ huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) 5 năm tù về tội chế tạo, tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng, 3 năm tù về tội tàng trữ trái phép vật liệu nổ (tổng hợp hình phạt là 8 năm tù); Hoàng Viết Tới (34 tuổi, ngụ huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) 8 năm tù; Nguyễn Quang Cường (34 tuổi, ngụ phường Bình Đa, thành phố Biên Hòa) 2 năm tù về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng.

Ngoài ra, các bị cáo Bùi Vũ Nhật Huy (19 tuổi, ngụ phường Tân Biên, thành phố Biên Hòa) bị tuyên phạt 4 năm tù về tội tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng; Lê Anh Khoa (35 tuổi, ngụ thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) và Lê Hoàng Nữa (52 tuổi, ngụ thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) bị tuyên phạt từ 16-18 tháng tù/bị cáo về tội tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng.

* Chỉ vì hám lợi

Từ sáng sớm 24-4, bà P.T.L. (57 tuổi, mẹ bị cáo Dũng) đã cùng chồng và con dâu tay xách nách mang lỉnh kỉnh một giỏ đồ ăn, thức uống đem đến phiên tòa xét xử cho bị cáo Dũng. Bà nói, để kịp giờ tham dự phiên tòa, trước đó một ngày, gia đình bà đã đón xe từ tỉnh Bạc Liêu đến thành phố Biên Hòa thuê nhà nghỉ ngủ lại một đêm.

Trong lúc tham dự phiên tòa, càng nghe con khai nhận hành vi phạm tội của bản thân và những cáo buộc của Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh thì những giọt nước mắt của bà L. cứ thế chực trào ra. Bà thương con thiếu hiểu biết pháp luật mà sớm vướng vào vòng lao lý, bỏ lại vợ trẻ, con thơ, cha mẹ già.

Nội dung cáo trạng của VKSND tỉnh xác định, vào tháng 3-2023, Tới lên mạng xã hội đặt mua một khẩu súng với giá 30 triệu đồng. Sau đó, có người đến giao súng cho Tới và kèm theo 10 viên đạn, nhưng phát hiện súng bị hỏng nên Tới chỉ trả 15 triệu đồng. Đến ngày 13-3-2023, Tới điện thoại nhờ Cường đến nhà sửa chữa súng. Cường đã tháo các bộ phận của súng để tra dầu mỡ và thay lò xo, siết chặt lại ốc.

Tại phiên tòa xét xử ngày 24-4, Hội đồng xét xử nhận định hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trực tiếp đến chính sách độc quyền của Nhà nước về quản lý vũ khí quân dụng, vật liệu nổ; là nguyên nhân gây ra tình trạng bạo lực trong xã hội. Do đó, cần có mức hình phạt thật nghiêm, cách ly các bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian dài để răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.

Đến ngày 19-3-2023, tại phường An Bình (thành phố Biên Hòa), Công an tỉnh phát hiện Tới cầm súng nên bắt giữ. Khám xét nơi ở của Tới, công an thu giữ thêm: 1 kiếm, 1 dao tự chế, 1 báng súng, 10 vỏ đạn, hơn 250 viên đạn… Số đạn do Tới mua từ mạng xã hội và của Cường, Nữa, Dũng, Khoa, Huy.

Tại phiên tòa, bị cáo Dũng khai do muốn có tiền tiêu xài nên đã đặt mua nhiều loại đạn quân dụng của Nữa và lên các trang mạng xã hội mua một số đạn, linh kiện súng về lắp ráp thành súng quân dụng, súng hơi để bán kiếm lời.

Ban đầu, Dũng chỉ mua của Nữa một số loại đạn mang về cất giấu tại nhà ở huyện Phước Long và bán kiếm lời. Thấy lợi nhuận nhiều nên càng lúc Dũng càng mua nhiều đạn và linh kiện hơn. Cụ thể, đầu năm 2022, Dũng đã liên lạc đặt mua trên mạng xã hội 200 viên đạn với giá 2 triệu đồng và nhiều phụ kiện, bộ phận của súng AK với tổng giá trị gần 50 triệu đồng. Với các linh kiện mua được, Dũng lắp ráp, chế tạo thành các loại súng khác nhau rồi thông qua mạng xã hội bán lại cho người có nhu cầu.

Đến ngày 19-3-2023, khi đang có hành vi tàng trữ 1 khẩu súng quân dụng, 235 vỏ đạn, hơn 200 viên đạn, 9 hộp tiếp đạn, 4 bộ phận của các loại súng là vũ khí quân dụng thì Tới bị công an bắt giữ. Lần lượt các bị cáo khác trong đường dây buôn bán súng cũng bị bắt giữ sau đó.

* Hối hận muộn màng

Tại phiên tòa xét xử, các bị cáo đều khai bản thân có hành vi mua linh kiện của súng và đạn để bán lại kiếm lời mà không nghĩ đến hậu quả, cũng không biết hành vi của bản thân lại phải gánh chịu mức án nặng.

Tranh thủ giờ nghị án, bị cáo Dũng có cơ hội đứng từ xa nói chuyện với cha mẹ, vợ và con rồi khóc vì hối hận. Bị cáo cho biết, bản thân vốn là người sống ở xã nghèo, chỉ suốt ngày quanh quẩn làm đùn tôm nuôi gia đình. Sau khi lên mạng biết được việc lắp ráp và buôn súng đạn sẽ thu được lợi nhuận lớn nên đã làm trung gian mua bán súng đạn. Ngờ đâu, sai một ly đi một dặm, bị cáo đã tự đẩy bản thân vào bản án nặng, gia đình điêu đứng, con nhỏ thiếu tình thương yêu, chăm sóc của cha.

Trong khi đó, bị cáo Cường liên tục nói lời xin lỗi vợ. Bị cáo cho rằng, chỉ vì hành động nông nổi của bản thân đã để cho người vợ từ nay phải lo toan hết việc nhà. Bị cáo Cường vốn là thợ sửa xe và một mình lo kinh tế trong nhà. Vì chỗ quen biết nên khi bị cáo Tới nhờ sửa khẩu súng bị hư thì Cường không từ chối. Bị cáo đã lau súng và thay lò xo không nhận một đồng tiền nào, nhưng lại phải trả giá bằng bản án 2 năm tù.

“Đến lúc này tôi mới nhận thức được hành vi của bản thân là sai trái. Giờ tôi mới hiểu việc chế tạo, lắp ráp và mua bán súng, đạn gây nguy hiểm cho nhiều người. Tôi rất hối hận về việc làm của mình, nhưng mọi thứ lại quá muộn rồi” - bị cáo Cường cho hay.

Tố Tâm

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202405/sai-mot-ly-di-mot-dam-21667df/