Sai phạm chưa xử lý, khiếu nại của công dân chưa được giải quyết

Gần 9 năm kể từ khi Thanh tra Chính phủ ban hành Kết luận số 158/KL-TTCP về dự án (DA) BT đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (TNS-BL-VĐN), quyền lợi hợp pháp của nhiều hộ dân phường 2, quận Tân Bình vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Dự án bất động sản trong khu đô thị mới Thủ Thiêm được Công ty TNHH Một thành viên Phát triển GS Sài Gòn triển khai từ quỹ đất 1 triệu mét vuông có được từ BT. Ảnh: KQ

Dù nhà đất của dân bị… thu hồi ngoài dự kiến, nhưng kết quả giải quyết vẫn là sự đùn đẩy, né tránh, đổ lỗi của các cơ quan chuyên môn. Trong khi đó, nhiều sai phạm về việc đổi 5 khu đất lấy 1 con đường cũng chưa được xử lý và công khai.

Xin lỗi dân rồi… im lặng

Năm 1997, DA đường TSN-BL-VĐN đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phương án hướng tuyến dài 13,5km, có chiều rộng 60m, nối sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình) đến ngã tư Xuân Hiệp (quận Thủ Đức). Quỹ đất dành cho tuyến đường này cũng được xác định ranh và cắm mốc hoàn chỉnh.

Nhưng đến tháng 6/2005, lấy lý do quỹ đất của đường rộng 60m đã bị lấn chiếm, nên UBND TP Hồ Chí Minh đã tự ý thay đổi theo hướng tách đôi đoạn 1,5km từ sân bay Tân Sơn Nhất đến vòng xoay Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp) thành 2 nhánh nhỏ hơn, tận dụng đường Hồng Hà và đường Bạch Đằng, cũng như cắt một phần đất công viên Gia Định, với chiều rộng mỗi nhánh là 20m.

Theo hướng tuyến mới được phê duyệt theo bản vẽ tỷ lệ 1/10.000 do chủ đầu tư đề xuất, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã ký quyết định thu hồi nhà, đất của 3.812 hộ dân trên địa bàn 4 quận: Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức. Ngoài ra, đến tháng 7/2007, một phương thức đổi đất lấy đường cũng được UBND TP Hồ Chí Minh thực hiện theo hướng giao 5 khu đất có giá trị sử dụng cao, có tổng diện tích hơn 1 triệu mét vuông, cho chủ đầu tư là Công ty GS Engineering & Construction (Hàn Quốc), tương đương với 340 triệu USD giá trị thi công tuyến đường. Sau đó, một pháp nhân mới là Công ty TNHH Một thành viên Phát triển GS Sài Gòn đã được thành lập để quản lý, khai thác 5 khu đất này cho việc kinh doanh bất động sản.

Nhận thấy quá trình thay đổi hướng tuyến cũng như phương thức đổi đất lấy đường chưa phù hợp với các quy định của pháp luật, nhiều cán bộ lão thành cách mạng và người dân bị thu hồi nhà, đất ngoài dự kiến, đã liên tục khiếu nại, đề nghị cần công khai toàn bộ quá trình thực hiện dự án.

Để giải quyết những nội dung khiếu nại này, ngày 25/3/2010, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có Văn bản số 4061-CV/UBKTTW, gửi Thủ tướng Chính phủ, đề nghị thanh tra, làm rõ vụ việc.

Sau khi có ý kiến chấp thuận của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, ngày 19/5/2010, đoàn kiểm tra do Thanh tra Chính phủ chủ trì, với sự tham gia của chuyên viên nhiều bộ, ngành đã được thành lập, để tiến hành làm rõ khiếu nại của cán bộ, nhân dân.

Ngày 30/1/2011, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh đã ký Kết luận số 158/KL-TTCP, trong đó có nội dung: Nhà, đất một số hộ dân đường Hồng Hà, phường 2, quận Tân Bình không nằm trong quy hoạch xây dựng tuyến đường theo phương án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Việc Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 3585/QĐ-UBND ngày 19/7/2005, thì nhà, đất của các hộ dân bị giải tỏa ngoài dự kiến, nên đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh có chính sách bồi thường, hỗ trợ thỏa đáng cho người dân.

Nhưng kiến nghị này vẫn không được Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nghiêm túc thực hiện. Thay vào đó, trên cơ sở báo cáo không khách quan của Chủ tịch UBND quận Tân Bình, các cơ quan chức năng của UBND TP Hồ Chí Minh đã tham mưu cho lãnh đạo địa phương ký các văn bản trả lời rằng khiếu nại của 22 hộ dân không có cơ sở giải quyết. Thậm chí, có dấu hiệu làm sai lệch bản chất khiếu nại của người dân, khi một số văn bản của Chủ tịch UBND quận Tân Bình cho rằng đã làm đúng Kết luận số 158/KL-TTCP để từ chối giải quyết quyền lợi hợp pháp của 22 hộ dân. Đây là điều không hợp lý, vì người dân không còn khiếu nại về hướng tuyến, mà chỉ yêu cầu được hưởng mức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bằng mức mà 47 hộ dân phường 3, quận Gò Vấp được nhận từ năm 2014.

Đại diện 22 hộ dân là ông Nguyễn Xuân Đào, nhà số 78A đường Hồng Hà, cho rằng: Đây là yêu cầu hợp pháp vì pháp lý nhà, đất của 22 hộ dân phường 2, quận Tân Bình đầy đủ hơn so với nguồn gốc nhà, đất của 47 hộ dân ở phường 3, quận Gò Vấp. Dù vậy, các cơ quan chức năng địa phương lại cho rằng Kết luận số 158/KL-TTCP không nói rõ phải giải quyết quyền lợi của 22 hộ dân như trường hợp 47 hộ dân. Điều này liệu có mâu thuẫn và đi ngược tinh thần chỉ đạo của ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh tại Văn bản số 698/TB-VP ngày 2/9/2015 về thực hiện Kết luận số 158/KL-TTCP, là chấp thuận bồi thường, hỗ trợ thiệt hại đối với 22 hộ dân tương đương với mức mà 47 hộ dân đã được nhận?

Khi công dân tiếp khiếu vượt cấp, ngày 25/7/2016, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ký Thông báo số 194, yêu cầu: Trước ngày 1/9/2016, UBND TP Hồ Chí Minh thực hiện dứt điểm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ theo nội dung Công văn số 1753 ngày 23/3/2011, về kiến nghị của Thanh tra Chính phủ tại Kết luận số 158/KL-TTCP ngày 30/1/2011. Phải xem xét, giải quyết việc bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân khi thu hồi đất, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức đối thoại để giải quyết dứt điểm kiến nghị, khiếu nại của công dân đã kéo dài nhiều năm tại địa phương. Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh mời Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP tham gia chỉ đạo kiểm tra, làm rõ sai phạm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện DA đường TSN-BL-VĐN, có hình thức xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Tại buổi đối thoại ngày 15/3/2017, ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã 3 lần xin lỗi 22 hộ dân về sự chậm trễ, thiếu sót trong giải quyết các khiếu nại, kiến nghị liên quan đến các quyết định thu hồi nhà, đất ngoài dự kiến. Kết luận buổi đối thoại, ông Khoa đã giao các cơ quan chuyên môn phải xác minh toàn diện vụ việc, kiến nghị phương án giải quyết thấu tình, đạt lý, vì 22 hộ dân là cán bộ quân đội hưu trí, là gia đình có công.

Tuy vậy, đến thời điểm này, 22 hộ dân vẫn phải gõ cửa Thanh tra TP Hồ Chí Minh, gửi đơn vượt cấp cho Thanh tra Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với mong ước quyền lợi hợp pháp được giải quyết đúng pháp luật, phù hợp lịch sử biến động nhà, đất tại quận Tân Bình.

Tại buổi đối thoại ngày 15/3/2017, ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã 3 lần xin lỗi 22 hộ dân. Ảnh: KQ

Trong khi quyền lợi của 22 hộ dân chưa được giải quyết đúng thẩm quyền, thì đầu tháng 7/2019, lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh lại chỉ đạo, trong tháng 7/2019, các đơn vị chức năng phải hoàn thành tờ trình quyết toán thực hiện D.A đường TSN-BL-VĐN. Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh phải tham mưu, đề xuất thanh toán khoản chênh lệch giá trị 5 khu đất và tổng giá trị đầu tư xây dựng tuyến đường, có cộng thêm 120 triệu USD do Công ty TNHH Một thành viên Phát triển GS Sài Gòn ứng trước để thực hiện giải phóng mặt bằng DA đường TSN-BL-VĐN.

Động thái này đang làm dư luận lo ngại, vì đây là dự án đối đất lấy hạ tầng đầu tiên được thực hiện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, dù đường đã thông xe nhưng công dân vẫn tiếp khiếu.

Theo Kết luận số 158/KL-TTCP, việc UBND TP Hồ Chí Minh cho Công ty TNHH Một thành viên Phát triển GS Sài Gòn thuê 5 khu đất theo thỏa thuận hợp đồng BT mà không đấu giá, là vi phạm Luật Đất đai 2003. Việc UBND TP Hồ Chí Minh tự định giá thuê 2 khu đất mà không căn cứ tờ trình của Sở Tài chính, là vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính Nhà nước. Việc UBND TP Hồ Chí Minh xác định giá đất không đúng thời điểm ban hành quyết định cho Công ty TNHH Một thành viên Phát triển GS Sài Gòn thuê đất, là làm trái ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, và không đúng với chính kiến nghị của UBND TP Hồ Chí Minh với Thủ tướng Chính phủ. Điều này đã làm lợi cho Công ty TNHH Một thành viên Phát triển GS Sài Gòn và gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 44,3 triệu USD.

Đến thời điểm này, 5 khu đất với diện tích hơn 1 triệu mét vuông đã được Công ty TNHH Một thành viên Phát triển GS Sài Gòn chuyển nhượng, sử dụng là dự án nhà ở, với nguồn lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với chi phí đã bỏ ra cho công trình BT. Nhưng các sai phạm, thiếu sót được Thanh tra Chính phủ kết luận vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc, nhiều hộ dân vẫn tiếp khiếu vượt cấp về chính sách bồi thường, giải tỏa, nên hậu thanh tra việc đổi 5 khu đất lấy 1 con đường vẫn là câu chuyện chưa có hồi kết.

Kim Quy

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/thanh-tra/ket-luan/sai-pham-chua-xu-ly-khieu-nai-cua-cong-dan-chua-duoc-giai-quyet_t114c1002n151141