Sai phạm chuyển đổi đất lúa ở Nam Định trách nhiệm thuộc ai?

Lãnh đạo tỉnh Nam Định đã chuyển mục đích sử dụng đất lúa khi chưa xin ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.

Dù chưa được giao đất nhưng Công ty Cổ phần xây dựng hạ tầng Đại Phong đã tự ý xây dựng một số hạng mục công trình tại cụm công nghiệp Yên Dương.

Dù chưa được giao đất nhưng Công ty Cổ phần xây dựng hạ tầng Đại Phong đã tự ý xây dựng một số hạng mục công trình tại cụm công nghiệp Yên Dương.

Một loạt sai phạm, tồn tại, thiếu sót của tỉnh Nam Định trong công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý, sử dụng đất đai. Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh này đã chuyển mục đích sử dụng đất lúa khi chưa xin ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.

Xây dựng khi chưa được giao đất

Thanh tra Chính phủ vừa công bố Kết luận thanh tra số 2326/KL-TTCP của Tổng Thanh tra Chính phủ về trách nhiệm của UBND tỉnh Nam Định trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng; công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý, sử dụng đất đai.

Đặc biệt, kết luận thanh tra cũng chỉ rõ nhiều tồn tại, vi phạm xảy ra tại Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp Yên Dương do Công ty Cổ phần xây dựng hạ tầng Đại Phong làm chủ đầu tư.

Theo kết luận, việc xác định tiền thuê đất theo phương pháp thặng dư của cơ quan chức năng còn nhiều lúng túng, có một số khoản doanh thu, chi phí của dự án được xác định chưa phù hợp.

Cùng với đó, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần xây dựng hạ tầng Đại Phong đã xây dựng nhà điều hành, cụm bể nước thải trên ô đất hạ tầng kỹ thuật khi chưa được cơ quan chức năng bàn giao đất và tính tiền thuê đất.

Vì vậy, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định tổ chức rà soát lại và chịu trách nhiệm trong việc xác định tiền thuê đất theo Thông tư số 36/2024/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 của Bộ TN&MT đối với Dự án Đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp Yên Dương theo đúng quy định của pháp luật; đảm bảo tính đúng, tính đủ và đúng thời điểm văn bản có hiệu lực pháp luật, tránh thất thoát ngân sách Nhà nước.

Đồng thời, cơ quan bảo vệ pháp luật cũng yêu cầu xử lý vi phạm hành chính đối với chủ đầu tư dự án cụm công nghiệp Yên Dương là Công ty Cổ phần xây dựng hạ tầng Đại Phong về việc xây dựng nhà điều hành, cụm bể nước thải trên ô đất hạ tầng kỹ thuật. Việc xây dựng này được tiến hành khi chưa được chính quyền bàn giao đất theo quy định.

Liên quan đến Kết luận thanh tra số 2326, trong đó có tồn tại, vi phạm tại Cụm công nghiệp Yên Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị cũng vừa có văn bản giao nhiệm vụ thực hiện đến các đơn vị rà soát và xử lý các vấn đề còn tồn tại.

Trong đó, UBND tỉnh Nam Định giao UBND huyện Ý Yên, Sở TN&MT tỉnh Nam Định và các đơn vị liên quan, tổ chức rà soát lại việc xác định tiền thuê đất theo Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 của Bộ TN&MT đối với Dự án Đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp Yên Dương theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tính đúng, tính đủ và đúng thời điểm văn bản có hiệu lực pháp luật, tránh thất thoát ngân sách Nhà nước. Thời gian hoàn thành trong quý II/2023.

Công ty Cổ phần xây dựng hạ tầng Đại Phong được thành lập vào tháng 1/2004, trụ sở chính đặt tại khu A, thị trấn Lâm, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Công ty đăng ký hoạt động kinh doanh chính là xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng.

Cụm công nghiệp Yên Dương thuộc xã Yên Dương, huyện Ý Yên (Nam Định) được thành lập theo Quyết định số 1186/QĐ - UBND ngày 7/6/2018 của UBND tỉnh Nam Định. Cụm công nghiệp này có diện tích giai đoạn I khoảng 50 ha, tổng mức đầu tư giai đoạn I là 426 tỷ đồng.

Còn nhiều vi phạm tồn đọng

Bên cạnh việc xác định sai phạm xảy ra tại cụm công nghiệp Yên Dương, kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ cũng nêu rõ vấn đề về công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản. Theo đó, UBND tỉnh Nam Định chưa kịp thời ban hành quyết định hủy bỏ một số quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư không còn phù hợp.

Sở Xây dựng tỉnh Nam Định chưa thực hiện công bố giá một số vật liệu cho các dự án giao thông, thủy lợi đã có trên thị trường… Công tác lập, phân bổ, thực hiện kế hoạch đầu tư công, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư còn hạn chế thiếu sót, như: Bố trí vốn cao hơn kế hoạch vốn hằng năm, bố trí vốn cho dự án không có trong kế hoạch vốn đầu tư công…

Qua thanh tra 6 dự án đầu tư xây dựng vốn Ngân sách Nhà nước cho thấy vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót, như: Thường trực HĐND tỉnh Nam Định đồng ý chấp thuận chủ trương đầu tư dự án mà không thông qua HĐND tỉnh, áp dụng hình thức quản lý dự án, bố trí nguồn vốn cho dự án chưa phù hợp, chưa ghi rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ở từng cấp ngân sách, điều chỉnh bổ sung, dự án chưa phù hợp…

Trong công tác quản lý, sử dụng đất, việc phân tích, đánh giá nhu cầu sử dụng đất để đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn chưa sát thực tế; tính đồng bộ, thống nhất giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch chuyên ngành chưa cao, số liệu hiện trạng sử dụng đất của một số huyện chưa đồng bộ việc thực hiện một số chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất tỷ lệ thấp.

Bên cạnh đó, một số dự án sử dụng dưới 10 ha đất lúa có văn bản chấp thuận của Thường trực HĐND tỉnh nhưng không có Nghị quyết của HĐND tỉnh cho phép chuyển mục đích sử dụng đất lúa. Ngoài ra, còn có một số dự án đầu tư công sử dụng đất lúa, nhưng chưa xin ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển mục đích đất lúa.

Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm, số lượng các tổ chức, hộ gia đình cá nhân chưa được cấp còn nhiều, đặc biệt là đất nông nghiệp, đất sản xuất kinh doanh cho hộ gia đình, cá nhân.

Công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đai chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục; việc xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm ở các huyện, thành phố còn chậm, chưa kiên quyết dẫn đến tình trạng lấn chiếm, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất vẫn còn diễn ra.

Phạm Đức Huy

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/sai-pham-chuyen-doi-dat-lua-o-nam-dinh-trach-nhiem-thuoc-ai-post632324.html